Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

70 NĂM TÌNH CA TRONG TÂN NHẠC VIỆT NAM - PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Giới thiệu đến các bạn yêu nhạc xưa: 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam: Phạm Đình Chương


Tracks list:


01- Hội Trùng Dương..................Thiên Hương & Như Quỳnh
02- Sáng Rừng (Pre 75............... Ban Thăng Long
03- Ngựa Phi Đường Xa...............Cao Minh
04- Ly Rượu Mừng......................Hợp Ca PBN
05- Tiếng Dân Chài.....................BanThăng Long
06- Thưở Ban Đầu.......................Duy Trác
07- Mộng Dưới Hoa ....................Julie
08- Đôi Mắt Người Sơn Tây..........Hồng Vân & Duy Trác
09- Xóm Đêm............................Quỳnh Hoa
10- Đêm Cuối Cùng....................Tuấn Ngọc
11- Đợi Chờ...............................Tuấn Ngọc
12- Anh Đi Chiến Dịch.................Hoàng Oanh
13- Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội......Huyền Châu
14- Mắt Buồn............................Vũ Khanh
15- Màu Kỷ Niệm ......................Elvis Phương
16- Khi Cuộc Tình Đã Chết..........Vũ Khanh
17- Người Đi Qua Đời Tôi............Ngọc Hạ
18- Dạ Tâm Khúc......................Vũ Khanh
19- Nửa Hồn Thương Đau...........Lệ Quyên
20- Đêm Màu Hồng...................Vũ Khanh
21- Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn.......Vũ Khanh




Khi còn ở phía tây Thái Bình Dương, mỗi chiều thứ sáu, khi xong việc, tôi và vài người bạn cùng leo lên xe, trực chỉ ... Las Vegas. Trên xe, lùa vội miếng hamburger, sườn gà chiên hay pizza, uống vội ly coke cho tiêu .. mỡ, chúng tôi đến Las Vegas khoảng nửa đêm.
Không, chúng tôi đến đây không phải để thử thời vận, cũng không phải để xem show mà để nghe nhạc. Chúng tôi không đến nghe những bản rock cuồng loạn hay những musical show vĩ đại. Chúng tôi tìm đến cuối strip, nơi có những bar vắng vẻ, tù mù, dầy đặc khói thuốc là và hơi rượu whisky, để nghe những ca sĩ già, hết thời, hát blues, hát một mình. Những giọng hát chất chứa một dĩ vãng đau thương hay vang bóng một thời và, khổ đau chất chồng cũng không thiếu. Những giọng hát nửa như một đốm lửa đã lụi tàn nhưng đang được cố khơi lên từ khói thuốc lá, nửa kia đang bị dập tắt bằng hơi rượu.
Và chúng tôi nhớ đến giọng hát của ... Phạm Đình Chương ngày nào, ở một quán rượu nào đó lúc nửa khuya hay những phút cuối của một buổi tối ở Đêm Màu Hồng. Ôi! .... Sài Gòn của những năm xưa.
Nhưng nghe blues rồi nghe lại nhạc Việt, chúng ta có lúc phải giật mình vì hình như chúng giống nhau ở chỗ .. quá buồn.
Blues khởi đầu từ những ca sĩ, nhạc sĩ da đen sống ở tận cùng phía nam nước Mỹ, nơi mà tổ tiên những người này bị mang đến để làm nô lệ nên nhạc của họ phải buồn.
Còn ta thì sao.? Không biết có phải những ngã rẽ đoạn trường mà dân tộc ta chọn để đi đã tạo ra một nền âm nhạc như thế chăng.?
Chúng ta cũng có nhạc vui mà.!
Nhạc Hoàng Quý vui nhưng chỉ là cái vui nhất thời của một lần họp mặt của hướng đạo sinh (boy scouts).
Nhạc Dương Thiệu Tước, Nguyễn Xuân Khoát cũng vui nhưng nếu nghe kỹ, ta sẽ nhận ra sự ám ảnh của một nỗi buồn, buồn như màn đêm đang chực chờ để dõi bước một ngày nắng đẹp.
Và phải đến Phạm Đình Chương, nhạc vui Việt Nam mới có được những ca từ, những nốt nhạc đầy sức sống.
Nhưng các bạn đợi một tí nha, phải nói về ông trước đã.

Phạm Đình Chương ra đời năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội và mất năm 1991 tại California, Mỹ. Lúc sinh tiền, khi soạn nhạc ông ký bút hiệu Phạm Đình Chương, còn đi hát, chỉ trong ban hợp ca Thăng Long, ông là ca sĩ Hoài Bắc. Ông là con trai của cụ ông Phạm Ðình Phụng, nổi tiếng hào hoa với nhiều ngón đàn và người vợ thứ hai, cụ bà Ðinh Thị Ngọ, người có giọng hát và tài ngâm thơ.

Người vợ đầu của ông Phạm Đình Phụng, sinh được hai người con trai, Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm.
Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh, con gái của hai người là ca sĩ Mai Hương và, Phạm Đình Viêm sau này là ca sĩ Hoài Trung, giọng ca tenor cao vút, của ban hợp ca Thăng Long.

Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng, tức mẹ ruột Phạm Đình Chương, sinh ra 3 người con.
Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Các con của Thái Hằng và Phạm Duy là Duy Quang, Thái Hiền và Thái Thảo
Con trai thứ là Phạm Đình Chương.
Và cô con gái út là Phạm Thị Băng Thanh, tức nữ ca sĩ Thái Thanh. Hai cô con gái của Thái Thanh và chồng, nam tài tử nổi danh Lê Quỳnh, là Ý Lan và Quỳnh Hương.
Nhưng từ đâu mà chúng ta có một "royal music family" như thế.?

Câu trả lời rất giản di là "genetics," một may mắn ngẫu nhiên, không kém phần .. xếp đặt của thượng đế nếu bạn tin vào duyên số.
“Genetics” không chỉ giải mã cho chúng ta, sự truyền giống, bệnh hoạn mà còn giải thích được phần nào về những thiên tài của nhân loại. Ít nhất cũng là trong lãnh vực nghệ thuật, văn học và trường hợp Hoài Bắc/Phạm Ðình Chương nói riêng, các anh, chị, em, cháu chắt của ông nói chung, là điển hình cụ thể cho những yếu tố di truyền.

Năm 1945, khi mới 16 tuổi, Phạm Đình Chương, như phần lớn các nghệ sỹ miền Bắc lúc đó, đã gia nhập đoàn văn nghệ kháng chiến lưu động thuộc liên khu 3 và liên khu 4. Ông đem tiếng hát cùng dáng dấp nghệ sĩ của mình đi cùng khắp các dải đất thuộc hai liên khu này. Trong những năm đầu kháng chiến, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.

Năm 1949, khi chiến tranh lan tràn tới vùng Chợ Ðại, gia đình ông phải di chuyển về liên khu 4, do ông tướng nổi tiếng quý trọng văn nghệ sĩ là Tướng Nguyễn Sơn làm tư lệnh. Đám cưới người chị ông, ca sĩ Thái Hằng và nhạc sĩ Phạm Duy diễn ra, do sự tác hợp và, chủ trì của ông tướng ... văn nghệ này.

Năm 1951, ông cùng đại gia đình, trong đó có gia đình Phạm Duy, như đã kể trong một tiêu đề trước, rời kháng chiến trở về Hà Nội rồi, vào Nam.
Tại Saigon, vùng đất mới, với nghệ danh Hoài Bắc, ông đã cùng với anh là ca sĩ Hoài Trung, chị là ca sĩ Thái Hằng và, em gái là ca sĩ Thái Thanh, thành lập Ban Hợp Ca Thăng Long.




Được biết, ông chọn lại hai chữ “Thăng Long” để nhớ thời gian gia đình ông tản cư khỏi Hà Nội. Tại Chợ Ðại, Việt Bắc, gia đình ông mở một quán nhỏ lấy tên là quán “Thăng Long”, nơi dừng chân của hầu hết văn nghệ sĩ, trí thức trong vùng kháng chiến.
Từ đó hai chữ “Thăng Long” đã trở thành một tên gọi, một biểu tượng đẹp đẽ, được coi là gắn liền với thời đầu trong sáng, ý nghĩa nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Theo cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, người từng hát chung với Ban Thăng Long từ Nam ra Bắc thì, khi Ban Thăng Long ra đời tại Saigon, ban này đã như một cơn lốc lớn rung chuyển nhiều sân khấu miền Nam.
“Quái Kiệt" Trần Văn Trạch, em của nhạc sỹ Trần Văn Khê, vẫn nhớ sự phối hợp rất duyên dáng, sinh động của ban Hợp Ca Thăng Long khi trình diễn những bài ca như “Ngựa Phi Ðường Xa,” “Sáng Rừng,” “Tiếng Dân Chài,” “Ðược Mùa,” hay “Hò Leo Núi” v.v…

Mỗi lần xuất hiện của ban Thăng Long, là một "cơn sốt’ đối với bà con khán giả miền Nam lúc đó. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng… như một điều gì vừa gợi óc một tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại cũng vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được…”

Nhạc như thế, lòng người như thế, tuổi xuân như thế, sự tin tưởng về tương lai dân tộc như thế, phải được hát lên, không phải bằng một người, một giọng, mà cần có nhiều người, nhiều giọng. Ban Thăng Long đã làm trọn vẹn điều ấy.

Năm 1952, Ban Thăng Long đã được mời đi trình diễn khắp nơi và năm 1954, ban Thăng Long trình diễn lần đầu tiên, nhưng cũng là lần cuối cùng, giữa thủ đô Hà Nội.
Sau đó, Hiệp Ðịnh Geneve chia đôi nước Việt và, Thăng Long, đã sớm biến thành một Thăng Long khác!
Sau này, ban Thăng Long còn có thêm tiếng hát và tài diễn xuất của nữ ca sĩ Khánh Ngọc, vợ của nhạc sĩ Hoài Bắc/Phạm Đình Chương.
Tấm bi hài kịch của cuộc đời Phạm Đình Chương đã bắt đầu gieo mầm.




Rồi trong gần gũi đã phảng phất tiếng chia lìa và trong yêu thương đã ươm niềm oán hận. Lý do rất dễ hiểu, Phạm Đình Chương đam mê rượu chè và bạn bè và Khánh Ngọc là một diễn viên điện ảnh, nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… Khán giả ngày hôm nay chắc chắn không biết đến cô, nhưng trong ký ức những khán giả miền Nam tuổi 70 trở lên thì Khánh Ngọc là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn.
Ngoài giọng ca truyền cảm, một sắc đẹp .. sát thủ, cô còn sở hữu một "bộ ngực núi lửa". Hồi ấy, thường sau khi hết câu đầu : “Vườn xuân ong bướm, ngất ngây ngất ngây lòng ta…”, Khánh Ngọc mắt nhắm, tay đè lên ... cái chỗ có con tim ấy, khẽ thở dài… Hết đoạn giao tấu, cô mới mở mắt liếc nhìn suốt dọc khán gỉả với một nụ cười quyến rũ và, đến khi ấy "khán" thính giả mới .. tạm lén lút rời mắt khỏi .. vòng 1 của cô, bừng tỉnh giấc mộng vàng ngắn ngủi mà bùng lên tiếng vỗ tay…
Và rồi, không hiểu từ lúc nào, cô ca sĩ có "vòng 1 số 1" này đã dan díu với Phạm Duy, ông nhạc sĩ "hư hỏng số 1" của làng tân nhạc Việt Nam thời bấy giờ để "một đêm không ... trăng sao," Phạm Đình Chương, với mật báo của bạn bè, chứng kiến cảnh .. trăng gió của vợ mình với ông .. anh rể.

Cho dù Khánh Ngọc và Phạm Duy đã cầu cứu đến Bộ Thông Tin xin các báo cho ngưng bài điều tra, phóng sự nhưng lại càng như đổ “thêm dầu vào lửa” và, Sài Gòn đã loạn lên vì biến cố của đại gia đình nổi tiếng về nghệ thuật này. Dù vẫn còn yêu vợ và thực lòng muốn thứ tha nhưng trước dư luận sục sôi, Phạm Đình Chương đành nộp đơn ly dị lên toà án và nhận quyền nuôi các con thơ.
Từ đó, Phạm Đình Chương trở thành một con người mới, quấn áo xốc xếch, say sưa tối ngày, râu ria lởm chởm và, không màng nhân thế.

Tuy nhiên, nỗi bất hạnh mà thượng đế đã nỡ tâm giáng xuống cuộc đời ông lại trở thành niềm may mắn cho cả chúng ta.! Ít ra cũng về mặt nghệ thuật.
Từ những tột cùng của đau thương, Phạm Đình Chương bắt đầu viết nhạc tình và nhờ thế, chúng ta mới có những bản tình ca bất hủ ra đời trong nước mắt và hoài niệm xót xa như : “Nửa hồn thương đau”, “Đêm cuối cùng”, “Người đi qua đời tôi”, “Khi cuộc tình đã chết”, “Thuở ban đầu”, “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”…

Đúng ra thì tình ca trong nhạc Việt thì rất nhiều nhưng nếu nghe cho kỹ, nghe từng chữ, thấm từng câu, ta sẽ nhận ra là có vẻ như "người ta nói về tình nhiều hơn là ..... tình nói". Phạm Đình Chương đã bước qua được sự cách biệt này. Chỉ khi nào người ta yêu người tình, thật sự yêu chứ không phải yêu cuộc tình thì mới có thể viết lên những gì nồng nàn, thiết tha đến thế.

Tôi sẽ không đem bất cứ ca từ nào để làm thí dụ vì thứ nhất, chưa đủ trình độ để bình phẩm, chưa đủ kiến thức để hiểu trọn và cuối cùng, để các bạn tự cảm nhận.

Như Phạm Duy, Phạm Đình Chương cũng phổ nhạc từ thơ nhưng khác với Phạm Duy. Phạm Duy đem chất thơ vào nhạc còn Phạm Đình Chương thì đem chất nhạc vào thơ. Nghe những bản nhạc Phạm Duy phổ từ thơ, chúng ta sẽ dễ dàng quên mất nội dung bài thơ. Lỗi không phải từ bài thơ mà từ tài phổ nhạc "phù thủy" của Phạm Duy. Sau khi nghe Phạm Duy, chúng ta không còn nhớ nguyên bản thơ của Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Cầm, Nguyễn Bính, Hoàng Anh Tuấn hay cả Appolinaire ra sao nữa vì Phạm Duy đã thổi một hơi thở mới vào đấy. Nhưng khi nghe Phạm Đình Chương phổ "Người Đi Qua Đời Tôi" của Trần Dạ Từ, "Khi Cuộc Tình Đã Chết" của Du Tử Lê, "Đôi mắt người Sơn Tây" của Quang Dũng,"Nửa hồn thương đau" của Thanh Tâm Tuyền hay "Mộng dưới hoa", của Đinh Hùng thì ta sẽ thấy Phạm Đình Chương đã làm những lời thơ .. thẩn trở thành thực hơn, đằm thắm hơn, tuyệt vời hơn dù đó không phải là những ngợi ca hạnh phúc.

Nhưng Phạm Đình Chương không phải chỉ là nhạc sĩ mà còn là một ca sĩ với chất giọng hàng đầu nữa. Ban Thăng Long, khi thiếu Hoài Bắc thì chỉ còn xác, không còn hồn nữa dẫu là khi hát nhạc .. vui. Và, khi có dịp nghe Phạm Đình Chương hát một mình, trong một quán về khuya với ly rượu trong tay thì ta mới cảm nhận được cái hay trong giọng hát của ông.
Và cũng bởi vậy, lũ chúng tôi lái xe băng đèo, vượt núi mỗi đêm thứ sáu để nhớ lại giọng hát nhừa nhựa nhưng vang đội của Phạm Đình Chương ở ... Las Vegas.

Ờ nhỉ.! Chúng ta luôn nghĩ đến việc cám ơn những nhạc sĩ, còn ca sĩ thì sao.?
Khi nghe được một giọng hát trình bầy được tất cả những ẩn chứa trong một câu hát, phải chăng đó cũng là miền hạnh phúc, một công trình nghệ thuật.?
Mỗi ca khúc, mỗi ca sĩ có thể thể hiện một cách khác nhau và, bằng cách ấy, vẫn mở cho ta được một khe hở, tuy nhỏ nhoi, nhưng vẫn đủ cho ta len lỏi, tìm về một khung cảnh nào đó, xa xưa, trong quá khứ để tưởng tượng, để sống lại, để mơ màng, để hứa hẹn với ta những ảo diệu mà chỉ khi đang yêu hay đã giã biệt tình yêu, mới có thể cảm nhận được.

Có gì buồn bằng một bản tình ca không được hát.?
Và có gì buồn hơn một bản tình ca bị hát sai.?

Thưa các bạn, đây cũng là lý do tại sao đến bây giờ tôi vẫn không chắc là mình có nên post tiêu đề này hay không.
Một trong những tác phẩm để đời của Phạm Đình Chương là "Mộng Dưới Hoa", phổ thơ Đinh Hùng.
Trong đó có những câu như:

" ........Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Âu yếm nhìn tôi không nói năng"

"Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ
Mây ngàn gió núi đọng trên mi
Áo bay mở khép niềm tâm sự
Hò hẹn lâu rồi - em nói đi...
Vớt cánh rong vàng bên suối

Ôi, hoa kề vai hương ngát mái đầu
Đêm nào nghe bước mộng trôi mau
Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm
Và nguyện muôn chiều ta có nhau..

Hy vọng thơm như má chớm đào
Anh chờ em tới hẹn chiêm bao
Dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng
Hòa lệ ân tình nuôi khát khao

Ôi, chưa gặp nhau như đã ước thề
Mây hồng giăng tám ngả sơn khê
Bóng hoa ngả xuống bàn tay mộng
Và mộng em cười như giấc mê"


Cho đến ngày hôm nay, từ Duy Trác đến Tuấn Ngọc, từ Vũ Khanh đến Xuân Phú, từ Thanh Hà đến Julie, ai cũng hát câu "mắt xanh lả bóng dừa hoang dại" thành "mắt xanh .... bóng dừa hoang dại," rồi "áo bay mở khép niềm tâm sự" thành "áo bay .... mờ khép niềm tâm sự". Có lần, lấy hết can đảm, hỏi tại sao, thì được các ông bà ca sĩ, dẫu gạo cội hay mới ra ràng, trả lời rằng nốt ấy khó hát nên dấu hỏi mới nghe ra dấu .. huyền. Nhưng tôi đố các bạn nghe được, cũng những người đó, hát chữ "gửi" trong "gió ơi, gửi gió lời tâm niệm" thành .... "gừi" hay "dưới hoa tưởng thấy ngàn sao rụng" thành.... "tường" .?
Giản dị là các bác không thèm đọc lyric nên ngỡ là "... mờ khép niềm tâm sự" và ".... là bóng dừa hoang dại". Thế thôi, người Việt ta có cái tật đáng yêu là quên hay không biết thì ... cương.
Phạm Đình Chương cũng khổ tâm không ít về điều này. Mỗi khi ông hát đến đoạn này, ông dừng lại bất chợt, mặc ban nhạc đang tiếp tục dòng nhạc, khẩn khoản nhắc nhở thính giả rằng:
" lả bóng chứ không phải .. là bóng, mở khép chứ không phải ... mờ khép, các bạn à. Hát sai làm lời thơ mất hay đi"
Rồi ông nhắm mắt, mơ màng hát tiếp, làm như chưa có chuyện gì xảy ra. Và từ sau lần đầu, ban nhạc của Đêm Màu Hồng lại tiếp tục chơi tiếp khi ông dừng ngang xương, cứ như thể đây là một "highlight" của chương trình. 50 năm qua rồi nhưng vẫn chưa ca sĩ nào chịu thấm lời của tác giả.

Cũng như bản "Ly Rượu Mừng". Tôi chọn ban hợp ca Asia cho bản này vì ban nhạc chơi rất được. Đến lúc nghe kỹ lại thì như giai... ngồi phải gai. Câu "người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no" thì các trự lại hát là "người .. nông nhân ấm no"??? Đây là một bản hợp ca, có nghĩa là lời nhạc đã được in sẵn để mọi người cùng hát nhưng văn học Việt Nam thì tìm đâu ra chữ .. nông nhân. Hỡi toàn thể ca sĩ, các bạn nói tiếng Việt đến đâu để khi hát chữ .. nông nhân mà không gióng lên câu hỏi. Ca như vậy thì không được có chữ sĩ vì nếu sĩ thì đã không ca như vậy. Hay là văn hóa "dạ thưa anh, bẩm thưa chị" đã vượt Thái Bình Dương để qua đến đất Mỹ nên in sao, hát vậy.?
Đành chọn ban hợp ca PBN!
Đến lúc chọn "Hội trùng dương," đang mơ màng nghe "Tiếng sông Hồng," đến lúc chuyển qua "Tiếng sông Hương," chưa kịp khen thầm Như Quỳnh vào mấy câu tiếng Huế ngọt lịm, cô này gốc Huế thì, bỗng lạnh người như gái .. ngồi phải cọc. Câu "em sinh em bé tên là Hương Giang," cô lại hát như " em .. xinh em bé". Ơ hay,! em "sinh em bé chứ đâu phải là " em bé ..xinh". Đổi qua hợp ca Asia thì cũng rứa. Anh Bằng và Trúc Hồ là hai giám đốc "nghệ thuật" của trung tâm này và các ông ở đâu khi để cho ca sĩ hát như vậy.

Có gì buồn bằng một bản tình ca không được hát.?
Và có gì buồn hơn một bản tình ca bị hát sai.?

Mồ ma bác Chương nhà mình có linh thiêng thì tối nay nhờ về gãi chân các ông bà này để nhắc thêm chuyện này nhá.
Còn nhiều, còn rất nhiều, nhưng lầu bầu cho lắm thi cũng chả thay đổi được một li ông cụ nào, ta stop ở đây nha.?

Mời các bạn thưởng thức dòng nhạc của Hoài Bắc Phạm Đình Chương.

Chú thích:

1.- Như thường lệ, cám ơn hai đại, đại ca Hoài Nam và Nguyễn Đình Toàn về những tư liệu dùng trong tiêu đề này.

2.- Cũng như lệ thường, Phần nhạc có lời bình luận của Hoài Nam và phần nhạc không có lời bình luận đề được chia làm hai phần để tiện việc chép vào CD.

Nhạc & lời bình luận.
Hiển thị nội dung ẩnhttp://www.fshare.vn/file/KOERC49PGWVE

Hiển thị nội dung ẩnhttp://www.fshare.vn/file/BKOFTJXSY3C4



Nhạc không lời bình luận.
Hiển thị nội dung ẩnhttp://www.fshare.vn/file/PEKGBV74MJIR

Hiển thị nội dung ẩnhttp://www.fshare.vn/file/9RUMCH64THQX



3.- Nếu cảm thấy thích thú, các bạn nhớ viết giùm vài comment để những tiêu đề này không bị ... dìm vào quên lãng.

4.- Sau đâu là links cho những tiêu đề đã post, dành cho các bạn mới gia nhập.

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Lê Uyên Phương
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1091495


70 năm trong tình ca Việt Nam - Từ Công Phụng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1087760


Đoàn Thế Ngữ với Như Chiếc Que Diêm của Từ Công Phụng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1090622


70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Nguyễn Ánh 9
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1089048

Đoàn Thế Ngữ với "Tình Ca" của Phạm Duy, thân phận Kiều của Nguyễn Du và vua Gia Long nghi án
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1092600


70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên, phần 1
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1093706

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên, phần 2
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1094602


70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên, phần cuối
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1095894


70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Vũ Thành An
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1107470


Đoàn Thế Ngữ với " Bà Mẹ Gio Linh" của Phạm Duy
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1108651


Đoàn Thế Ngữ với với Áo Lụa Hà Đông của Ngô Thụy Miên
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1095187

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Trúc Hồ
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1110892

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Anh Bằng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1112738

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam: Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng.
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1116201

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Phạm Duy, phần 2
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1118721

Hẹn các bạn lần tới.
 
http://www.hdvietnam.com/diendan/183-nhac-viet-nam/1129328-v-70-nam-tinh-ca-trong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét