Để tưởng nhớ hai nhạc sĩ tiên phong trong việc khởi đầu nền nhạc trẻ với những sáng tác lời Việt, nhạc Việt cho giới trẻ Việt, giới thiệu đến các bạn:
70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam: Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng.
Tracks List:
01. Hợp Khúc 1: Sống Cho Qua Hôm Nay - Phiên Khúc Mùa Đông - Kho Tàng Của Chúng Ta.
02. Bước Tình Hồng.
03. Hợp Khúc 2: Tôi Muốn - Yêu Người Yêu Đời - Thương Nhau Ngày Mưa.
04. Tôi Muốn
05. Nguyện Cầu.
06. Bài Hát Cho Người Tuổi Trẻ.
07. Đêm Dài
08. Huyền Thoại Người Con Gái.
09. Hát Về Cuộc Sống Hôm Nay Và Ngày Mai.
10. Lời Người Điên.
11. Proud Mary (CCR).
12. Hãy Nhìn Xuống Chân.
13. Xin Một Bóng Mát Bên Đường
14. Đôi Khi Ta Muốn Khóc.
15. Một Giấc Mơ.
16. Tình Như Sương Khói.
17. Tình Nhân Loại, Thú Thiên Nhiên.
18. Hãy Vui Lên Bạn Ơi.
19. Yêu Em.
20. Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời.
21. Mặt Trời Đen.
22. Còn Nhìn Nhau Hôm Nay.
23. Dạ Khúc.
24. Còn Yêu Em Mãi.
25. Hãy Yêu Như Chưa Yêu Lần Nào.
26. Vào Hạ.
Theo chân đạo quân viễn chinh, sự xâm nhập của văn hóa Mỹ càng ngày càng hiện rõ trong những năm cuối của thập niên 1960.
Thời gian đầu, để thể hiện sự phản đối, giới trẻ miền Nam nhất định không chịu chia tay với nhạc ... Pháp.!!!
Nhưng cãi số trời còn dễ hơn đứng yên một chỗ mà không lắc lư theo Rock 'n Roll, các bạn cũng có kinh nghiệm rồi đấy.
Thế là trong những năm cuối của thập niên 60's, vừa để kiếm đô la .. đỏ trong lúc chơi nhạc ở những club Mỹ, vừa để thỏa mãn chiều hướng nghệ thuật .. mới, hàng loạt ban nhạc Việt ra đời lấy, hoặc đổi thành, tên tiếng Anh như: The Enterprise, CBC, The Soul, The Music Makers, The Blue Jets, vv.. và vv.
Vâng! đô la .. đỏ chứ không phải xanh. Nước Mỹ không dại gì mà trả lương cho lính Mỹ bằng đô la "thật" để giúp đỡ, bằng cách tiêu pha, tại một nuớc nghèo như Việt Nam cả. Đồng đô la đỏ, tên thật là M.P.C. (Military Post Certificate), chỉ có giá trị thương mại tại các P.X. (Post Exchange), trong căn cứ quân sự Mỹ và không có giá trị hối đoái. Và chỉ áp dụng ở Việt Nam.!
Bom đạn thì xài thả giàn.
Buồn nhỉ.!
Trở lại với "nhạc trẻ" Việt Nam. Những "tiền bối" hiện giờ như Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Trung Hành, Trung Nghĩa, Elvis Phương, vv và vv.., đều đã bắt đầu dấn thân vào con đường nghệ thuật từ ... những club của Mỹ. Những ban nhạc này chơi .... lại những ca khúc đương thời của các ban nhạc đang làm mưa làm gió trên thế giới như Cream, Santana, Jefferson Airplane (chưa đổi thành Starship vì chưa phi đủ cần sa !), Black Sabbath, Stepphenwolf, Deep Purple....
Nhưng các ban nhạc Mỹ này thì đang ở đâu?
Thưa các bạn, một là đang đi lính, trốn qua Canada hay, bận ... phản đối chiến tranh. Lính Mỹ ở Việt Nam đành thiếu chó thì lấy mèo ăn .. !#@$%^.!
Rồi tóc ngắn, quần ống túm, áo .. nhốt gió đã nhường chỗ cho tóc dài, quần ống .. voi, áo nhốt .. kiến. Dân Việt ta vốn đã "cao to, da dẻ trắng ngần", nay với quần áo hoa hòe "xanh xanh, đỏ đỏ cho em nhỏ nó mừng", thêm vào khăn foulard quấn quanh cổ, headband quấn quanh đầu, Indian beads lòng thòng quanh ngực, giầy mọi không vớ nên mồ hôi từ đầu đến ...mông, giới trẻ lúc đó, trông giống những con rối làm từ thợ vụng.
Nhưng hình như .. lịch sử lại tái diễn nếu ta nhìn ngoài đường bây giờ thì phải. Chỉ cần thay chữ "US Hippy" bằng "Korean Gangnam".
Chán nhỉ.!
Nhưng may thay, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà và ... "Elvis" Phương xuất hiện, cứu lấy nền nhạc trẻ Việt Nam đang tuột dốc không phanh từ nhạc Pháp đến nhạc Mỹ.
Ơ hay, mà có dốc đâu để tuột ?
Phượng Hoàng, ban nhạc trẻ độc nhất hát nhạc Việt thời bấy giờ, ra đời và đảo lộn mẫu số chung của nhạc trẻ Việt Nam.
Gây nên một cơn sốt trong giới sinh viên, học sinh Sài Gòn trong những năm trước 75, Phượng Hoàng cho ra đời nhạc Việt, lời Việt, cho giới trẻ Việt. Với những giai điệu phóng khoáng, ca từ trẻ trung, sôi nổi, không than khóc tình xưa, không vay mượn âm giai ngoại quốc (sẽ nói sau về việc này).
Và Phượng Hoàng cất cánh.
Rồi đất nước chìm sâu vào vòng chiến chinh thảm khốc, vài năm sau, Phượng Hoàng cũng rã đám theo cơn quốc biến, kẻ ở lại thành phố làm công chức nhà nước, người ra đi trấn thủ lưu đồn.
Từ đó đến nay thấm thoát đã quá nửa thế kỷ, những tác phẩm của Phượng Hoàng thỉnh thoảng được đưa vào các chương trình đại nhạc hội ở hải ngoại chỉ để khuấy động không khí giữa dòng nhạc yêu đương, rên rỉ, nhão nhoẹt, thảm sầu mà thôi.
Thành viên chính của Phượng Hoàng là Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, và giọng hát sống động của Elvis Phương. Nhạc Phượng Hoàng có giai điệu, tiết tấu hiện đại của nhạc trẻ Anh, Mỹ nhưng mang đậm ngôn từ rất "Việt".
Những tác phẩm này đều được sáng tác với bố cục vững vàng và phong phú.
Đúng ra thì Thanh Mai được mời là ca sĩ chính nhưng cô từ chối vì đang để ý lãnh vực điện ảnh.
Elvis Phương được mời sau nhưng Phượng Hoàng và giới trẻ đã không bao giờ phải hối tiếc về sự lựa chọn này. Qua tiếng hát của Elvis Phương, những tác phẩm này đã được chuyển đạt thật xuất sắc đến tâm cảm người nghe. Giọng ca của anh thật trầm bổng, không cầu kỳ chải chuốt nhưng rõ ràng một giọng ca "trẻ", đầy sức sống.
Nói đến các tác phẩm của Phượng Hoàng, trước tiên phải nói đến đến “Phiên Khúc Mùa Đông”.
Ngay từ câu intro, bài hát đã kích thích thính giác của người nghe bằng 9 nốt nhạc, rải một cách chậm rãi, xa vắng, nghe ra được sự ngọt ngào của Gibson electric guitar và Fender Quad-Reverb amp, không lẫn đi đâu được.
Phượng Hoàng dùng 9 nốt nhạc đầu tiên một cách sáng tạo và tài tình, trải đều qua hợp âm G, F, C và đổi sang Dm thật nhịp nhàng.
Bác Phạm Duy hồi đó chắc đã có lần ngồi rung đùi sung sướng vì có .. hậu duệ âm nhạc, viết tình ca với một thể loại mới, đỡ buồn cảnh hổ phụ sinh .. khuyển tử.!
Phạm Đình Chương, khi sáng tác "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội", thì cũng chỉ chuyển hợp âm, trong một trường canh, nhiều đến thế.
Câu solo tiếp tục 3 lần, êm dịu, làm nguồn cảm hứng cho tiếng hát Elvis Phương cất lên, giải tỏa tâm trạng ray rứt băn khoăn lúc đầu.
"Nước mắt ấy đã lau khô rồi,
Đôi môi ấy đã quen tiếng cười,
Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi
Nguời tình cũ đã xa ta rồi"
Nhẹ nhàng, buông thả, không gặm nhấm nỗi buồn, không oán hận cố nhân.
Tuồi trẻ phải thế mới được chứ?.
Tiếp theo, trống Pearl căng cứng, dằn mạnh nhưng cymbal thì lại vẳng lên từ một cõi xa, dẫn đầu cho điệp khúc.
"..trong quan tài buồn, hồn nghe như trống vắng,
tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thân.....”
Diễn tả âm nhạc bằng ngôn từ thì hơi bị khó đấy, các bạn phải nghe thì mới hiểu được.
Đến đây thì chữ ký trong âm nhạc Phượng Hoàng bắt đầu hiện rõ. Chữ nào ra chữ ấy, nốt nào ra nốt ấy.
Chỉ cần vài sáng tạo, dòng nhạc tình ca cũ kỹ, cứng ngắc đúng sách vở, đã được khoác thêm một chiếc áo mới.
Tuyệt nhỉ.!
Không dừng ở chủ đề tình yêu, “Hãy nhìn xuống chân" của Phượng Hoàng lại làm thính giả suy nghĩ về những quan niệm đơn giản về triết lý xã hội và cách làm người.
Xếp xó "Đắc Nhân Tâm" của Carnegie.!
Khổng Tử đi chỗ khác chơi giùm.!
Chỉ cần thấm được vài câu của Phượng Hoàng thì cũng đã đủ .. khổ một đời rồi.
“Hãy nhìn xuống chân, biết bao nhiêu người khốn cùng, sống đời tối tăm như loài giun...
Hãy nhìn xuống chân để thấy bao người ngã gục, chết để chúng ta thêm lợi danh.
Hãy nhìn xuống chân, dế giun cười con người, miếng mồi đỉnh chung mãi dành nhau"
Rồi âm điệu trầm buồn của Em với tiếng guitar bass vuốt lên, xoáy mạnh vào những lời kêu gọi tha thiết nhẹ nhàng về sự nhận diện ở chính tâm hồn người nghe:
" Hãy nhìn xuống chân, những gông xiềng từ muôn kiếp,
Hãy nhìn xuống chân, thấy ước mơ đang chết dần"
Hay trong "Lời Người Điên":
" Em hãy yêu người không yêu em....
... Em hãy cho một người không quen, một phút hay một ngày nhớ tên...."
Bây giờ, nếu hai nhạc sĩ này mà còn sống và viết lên những câu này thì khối kẻ sẽ rủa thầm là .....
Điên nhỉ.!
Sao tuổi trẻ và cuộc đời với cái nhìn của Phượng Hoàng lại cao thượng đáng yêu đến thế.
Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng ca từ vẫn chỉ mang niềm hy vọng.
Buồn nhỉ.!
Hai bản không thể thiếu được khi đề cập tới Phượng Hoàng, được trình bày qua hình thức liên khúc: "Tôi Muốn" và "Yêu Người Và Yêu Đời".
" Bạn thân ơi, hãy gắng yêu thương đời dù đời không yêu ta ...
.. dù đời chỉ yêu gian dối, dù đời cay đắng như vôi".
Không thể can đảm hơn thế. Không thể bi tráng hơn thế.
Phượng Hoàng lại tiến xa bước nữa khi đưa Swing, rất khó khi đưa vào nhạc Việt, khó nhưng vẫn không cản nổi sự khai phá mãnh liệt của Phượng Hoàng.
Trong dòng nhạc tiền chiến, "Ghen" của Trọng Khương là một ngoại lệ thích thú.
Phượng Hoàng đem Swing vào nhạc trẻ Việt Nam một cách thú vị, qua 2 tác phẩm “Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời” và “Bài Hát Cho Người Tuổi Trẻ”.
"Đừng vùi tương lai dưới xa hoa, đừng vùi tin yêu trong e ngại...
Đừng nhìn tương lai với nỗi lo sợ, đừng nhìn tha nhân với nỗi nghi ngờ...
Đừng sợ bạn ơi, hãy đứng thẳng lên, ca ngợi quê hương của chúng ta.
Hỡi những người còn tuổi trẻ".
"Tha nhân" thì được chứ "ngoại nhân" thì phải để ý đấy.!
Hơn nửa thế kỷ đã qua, bao nhiêu bài học bi hài đã được hay ... bị học, nhưng ......,
Lo nhỉ.!
Và dĩ nhiên, ballad cũng không thể thoát khỏi .. móng vuốt của Phượng Hoàng. “Thương Nhau Ngày Mưa” và “Yêu Em” là thí dụ điển hình.
“Như mưa ngày nào thấm ướt vai em như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm”.
Tuy là điệp khúc, nhưng Phượng Hoàng đưa ngay vào phần nhập đề của bài hát và sau này, vô số các ca sĩ đã rập khuôn cung cách này. Dm và A đã thay phiên nhau đóng vai trò chủ yếu trong phần phiên khúc và điệp khúc, tạo thêm nét trữ tình cho bài hát.
“Yêu Em” thì lại mang một sáng tạo mới. Bắt đầu bằng acoustic guitar, không ca từ trong phần điệp khúc nhưng thay vào đó là tiếng electric guitar êm dịu, tiếng trống bập bùng cùng Hohner bass ngọt lịm qua King's amp.
D là chủ âm, nhưng tác phẩm này lại dầy đặc những nốt nhạc gợi cảm, tao nhã với tiết tấu đều đặn của Slow Rock.
Gợi cảm? Đúng vậy, Các bạn nghe " Yêu Em" thì sẽ hiểu.
Lời nhạc thì lại táo bạo:
“Yêu em vì ta ghét buồn, yêu em vì ta chán đời, yêu em vì ta không màng lời khen chê thế gian.
...Yêu em vì ta khinh khi dối gian.
..... ta không thèm mái tóc huyền, ta không cần đôi mắt đẹp”
Bây giờ, ai "không thèm mái tóc huyền, không cần đôi mắt đẹp"?
Có chăng, đơn giản chỉ vì không đủ tiền tài, chức tước để .. thèm.
Nhớ thủa trước, đại công tử đẹp giai, con nhà giầu, học gỉỏi, đàn hay ,cỡ Đoàn Chuẩn mà còn phải gạt nước mắt mà ... gửi người em gái xuôi Nam.
Thời này thì .....,
Đau nhỉ.!
Nhiều người không hiểu rõ sự khác biệt nên cho rằng Phượng Hoàng "có công trong việc Việt hóa nhạc rock của Âu Mỹ" hay "chơi nhạc rock tiếng Việt êm dịu". Thật không có gì sai lầm hơn.
Cũng là bánh trung thu nhưng bánh nướng là của Tầu và bánh dẻo là của riêng Việt Nam.
Cũng 7 nốt từ C đến B nhưng nhạc Phượng Hoàng là nhạc Việt Nam và rock là ... rock. Chấm hết.!
Ngày nào chúng ta còn phải dựa dẫm vào những gì của ngoại quốc để biện minh cho những gì riêng của ta, ngày đó chúng ta vẫn còn phải cúi đầu mà đi.
Mất mát của người Tầu là chỉ biết đến bánh nướng và thiệt thòi của lớp trẻ phương Tây là chưa biết đến Phượng Hoàng,!
Tuy thuần Việt, nhưng kỹ thuật sáng tác của Phượng Hoàng lại bài bản, quy ước chuyên nghiệp quốc tế. Hòa âm được biên soạn kỹ lưỡng, đầy đủ và chặt chẽ từ intro, điệp khúc cho đến đoạn kết. Bởi thế, khi trình tấu các tác phẩm của Phượng Hoàng, hay nhạc của các ban nhạc nổi danh của ngoại quốc, các ban nhạc khác bắt buộc phải tuân theo bố cục này, không thể nào tùy tiện thay đổi, nhất là phần intro và điệp khúc.
Có ai dám chơi khác Eagles khi trình tấu "Hotel California" hay Santana's "Black Magic Woman" không.?
Hoà âm của Phượng Hoàng cũng vậy. Kinh điển!
Hơn thế nữa, nhạc Phượng Hoàng không thể trình diễn theo đúng nghĩa của nó trong vũ trường hay phòng trà được. Trình diễn trước một số đông hạn chế hay với lứa tuổi đã mang những "trái tim sỏi đá" cũng không xong. Nhạc Phượng Hoàng phải được trình tấu trước một đám đông cả ngàn người, cả vài mươi ngàn người trẻ, những người còn mang những con tim đầy nhiệt huyết, tin yêu và tha thứ vì "ngày ....nay, ta cũng cần có nhau".!
Và Phượng Hoàng đã có lần trình diễn nhạc của mình trước 70,000 bạn trẻ.
Hơn 5 thập kỷ đã trôi qua, 2 con Phượng Hoàng đầu đàn Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang đã gẫy cánh, vĩnh viễn ra đi mang theo nhiều sự tiếc nuối của giới yêu nhạc trẻ một thời.
Một câu hỏi khó có câu trả lời: bao giờ chúng ta lại có được một ban nhạc như Phượng Hoàng.?
Và một câu hỏi cũng không kém băn khoăn: bao giờ chúng ta lại có những ca từ cho giới trẻ, vì giới trẻ và từ giới trẻ như nhạc Phượng Hoàng.?
Khó nhỉ.!
Còn một điều cần phải nói đến để "nhắc nhở" các ca sĩ bây giờ, khi hát "Còn Yêu Em Mãi".
Giữa chốn rừng sâu hiu quạnh, trong trại cải tạo từ sau 1975, Nguyễn Trung Cang vẫn còn ‘biên đầy trang thư’ gởi về cho vợ những tình cảm ấm nồng của thuở nào. Thế nhưng cuộc đời không là một giấc mơ màu hồng nên giấc mơ tương phùng của Nguyễn Trung Cang mãi mãi không thành. Ông ra đi mà chưa có giây phút "tương phùng" để được nghe vợ "khóc cho niềm vui vì hạnh phúc".!
"Yêu em như thưở nào
Tình yêu còn biên đầy trang giấy
Yêu em như thưở nào
Tình yêu còn đong đầy trang sách
... Dù có cách xa mỏi mòn
Mà những dấu yêu mãi còn
Sưởi ấm xác thân héo gầy
....Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới, khi tương phùng,
em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc....
Riêng ta nơi núi rừng
Về đêm càng nghe hồn băng giá
Câu ca hay khúc nhạc
Càng thêm sầu cho tình tan nát
Dù biết cách xa với đời
Dù biết thủy chung chẳng rời
Mà vẫn xót xa tháng ngày
Chờ ta chi nữa em ơi
Còn đâu giây phút tuyệt vời."
Thương nhỉ.!
Nhiều nữ ca sĩ không hiểu, hay không muốn hiểu ca từ có ý nghĩa gì hay sự ra đời của bản này trong hoàn cảnh nào nên tự tiện hoán chuyển "anh" với "em" cho hợp giới tính của "mình".
Các cô cứ việc vào trại cải tạo giữa rừng mà ở với ... khỉ, mặc tình mà õng ẹo "yêu anh như thuở nào" nhá.!
Lại còn đa số nam ca sĩ, khi trình diễn bản này, lại chọn điệu bò-leo-rào, người đong đưa, mắt nhắm tít, tay khư khư ôm chặt micro.
Các bác đang tán gái đấy hở.!
Về Nguyễn Trung Cang, năm sinh và năm mất của ông, chưa có một nguồn tham khảo nào đáng tin cậy. Theo những gì được biết thì ông sinh năm 1947 và mất năm 1985, sống chưa đầy 40 năm! Cái chết của ông cũng có nhiều giai thoại.
Theo những gì được thuật lại thì sau khi được trả tự do từ trại cải tạo quân nhân chế độ cũ, giam giữ tiếp trong ... trại cai nghiện, ông đã chết trong cùng cực và bệnh tật như mẹ ông nghẹn ngào tâm sự. Trong trại cải tạo mà cũng nghiện ma túy được.?
Lạ nhỉ.!
Khác với Nguyễn Trung Cang với cái chết dần mòn trong nghèo khó và bệnh hoạn, Lê Hựu Hà đột ngột qua đời ngày 11/5/2003 tại Sài Gòn.
Sinh tại Sài Gòn, năm 1946. Bắt đầu hoạt động âm nhạc từ 1965 với ban nhạc Hải Âu tại Đại hội nhạc trẻ ở trường Taberd. Đến đầu thập niên 1970 Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang và Elvis Phương thành lập ban nhạc Phượng Hoàng.
Sau khi Phượng Hoàng tan rã, anh thành lập ban Mây Trắng và sau năm 1975, ban Hy Vọng.
Phiêu Bồng là ban nhạc cuối cùng của anh.
Cho đến lúc mất, Lê Hụu Hựu Hà vẫn im lặng và chấp nhận số phận âm nhạc của mình vì những rào cản, khó khăn về "nhân thân", "tư tưởng thể hiện ca khúc". Vẫn không có một album nào của anh được phép thực hiện, ngoài bản cassette duy nhất mang tên Đồng Xanh do chính anh và Bảo Thu làm.
Tiếc nhỉ.!
Còn Elvis Phương ?
Tuy không có được kiến thức âm nhạc trường lớp, học hát bằng cách nghe đĩa nhạc, và còn từ chối lời khuyên của thân phụ khi được học bổng đi Pháp du học. Năm 1962, lúc 17 tuổi, anh bắt đầu "sự nghiệp" ca hát của mình tại một trường trung học Pháp ở Sài Gòn.
Tên thật là Phạm Ngọc Phương, sinh năm 1945 và lấy tên nghệ nhân là Elvis Phương theo tên thần tượng Elvis Presley.
Một vợ, Phan Lệ Hoa, và một đam mê duy nhất trong đời là âm nhạc, Elvis Phương vẫn tiếp tục ca hát cho đến bây giờ.
Đã quá .... bẩy bó nhưng anh vẫn là ca sĩ làm nóng bỏng sân khấu, nhất là khi không khí đã bắt đầu tẻ nhạt với những bản tình ca thê lương, thảm sầu.
Kudo, Elvis Phương và Long Live The King.!
Giỏi nhỉ.!
Bây giờ, mời các bạn thử đem mình về thời gian của hơn nửa thế kỷ trước, chiêm nghiệm dòng nhạc trẻ... chết trẻ, của Việt Nam một thời.
Dưới đây, phiên bản trên được cắt ra làm hai phần, tiện việc thâu vào CD;
Chú Thích:
1. Như thường lệ, cám ơn Hoài Nam của SBS Radio, Australia về những lời bình luận dùng trong phiên bản này.
2. Link dưới đây, chỉ có nhạc, không kèm lời bình luận
3. Nghe xong, nếu thích, các bạn nhờ bỏ chút thời giờ comment hoặc re-up để topic này khỏi trôi vào dĩ vãng.
4. Nếu chưa biết, các bạn có thể tham khảo những chủ đề tương tự ở:
70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Lê Uyên Phương
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1091495
70 năm trong tình ca Việt Nam - Từ Công Phụng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1087760
Đoàn Thế Ngữ với Như Chiếc Que Diêm của Từ Công Phụng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1090622
70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Nguyễn Ánh 9
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1089048
Đoàn Thế Ngữ với "Tình Ca" của Phạm Duy, thân phận Kiều của Nguyễn Du và vua Gia Long nghi án
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1092600
70 năm tình Ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên, phần 1
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1093706
70 năm tình Ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên, phần 2
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1094602
70 năm tình Ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên, phần cuối
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1095894
70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Vũ Thành An
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1107470
Đoàn Thế Ngữ với " Bà Mẹ Gio Linh" của Phạm Duy
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1108651
Đoàn Thế Ngữ với với Áo Lụa Hà Đông của Ngô Thụy Miên
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1095187
70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Trúc Hồ
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1110892
70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Anh Bằng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1112738
http://www.hdvietnam.com/diendan/183-nhac-viet-nam/1116201-v-70-nam-tinh-ca-trong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét