Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Ngô Thụy Miên

Giới thiệu đến các bạn yêu nhạc phiên bản: 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Ngô Thụy Miên, phần 1.

Tracks List:

01 - Một Đời Quên Lãng .... Khánh Hà
02 - Chiều Nay Không Có Em .... Sĩ Phú
03.- Mùa Thu Cho Em .... Phạm Thu Hà
04.- Nỗi Đau Muộn Màng .... Tuấn Ngọc
05.- Giọt Nước Mắt Ngà ... Diệu Hiền
06.- Tình Khúc Mùa Xuân ... Khánh Hà & Thúy Anh
07.- Niệm Khúc Cuối ... Thiên Kim
08.- Bản Tình Cuối ..... Thái Hòa
09.- Dấu Tình Sầu ..... Khánh Hà
10.- Riêng Một Góc Trời .... Tuấn Ngọc
11.- Mắt Biếc .... Lệ Quyên






Trong số các nhạc sĩ sáng tác từ đầu thập niên 70 đến nay, Ngô Thụy Miên là người viết đều đặn nhất và ngay từ những tác phẩm đầu tay cho đến bây giờ, ông không viết gì ngoài tình ca. Hình như ông sinh ra đời chỉ để viết tình ca và phần lớn những đứa con tinh thần để trình làng của ông, Áo Lụa Hà Đông hay Tuổi 13, đều phổ từ thơ Nguyên Sa.

Phạm Duy, dẫu với một số lượng tác phẩm đồ sộ, đã có lần tỏ ý hối tiếc là đã không dành thêm thời gian cho nhạc tình.!

Ngô Thụy Miên thì không có điều gì phải luyến tiếc về điều này. Có chăng, chỉ đơn thuần là ông đã quá thờ ơ với thời cuộc khi bắt đầu sáng tác. Nhưng giả sử là ông không thể hay không muốn viết gì ngoài nhạc tình thì sao nhỉ.?
Làm sao ép được một cây hồng nở một cành lan!

Điều đáng đề cập là liệu Ngô Thụy Miên, bằng nhạc của mình, có nói lên được tâm tư của những người đồng trang lứa với ông hay không.? Quan trọng hơn là giới trẻ sau này còn tìm thấy sự đồng điệu với tình ca của Ngô Thụy Miên hay không.? Nhạc tình của Đức Huy có gần với tuổi trẻ hơn những tình ca của Ngô Thụy Miên không.?
Chúng ta chỉ biết rằng, non nửa thế kỷ qua, nhạc của Ngô Thụy Miên vẫn được chuộng trong nước và hải ngoại và điều này đã chứng tỏ được sự bền vững của giá trị, với thời gian và cảm nhận, với tình ca của ông.
Có cà phê nhạc sống nào, có phòng trà nào, có vũ trường nào mà nhạc Ngô Thụy Miên không được hát lên hàng đêm?

Điều này làm tôi bắt đầu thấy sợ.
Tại sao nhạc Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An , Lam Phương vẫn được hát đi, hát lại ở mọi nơi.?
Vì đó là chứng minh cụ thể của sự cạn kiệt.. Chúng ta không có cái gì thêm để nghe hay không muốn nghe thêm cái gì khác. Cái hay lẫn cái dở đều chất chứa bao nỗi bi hài. Có phải chúng ta đang ở trong một thời kỳ mà cái mới thì không hay và cái hay thì không mới.?

Tôi muốn nói gì thì nói, bạn muốn nghĩ gì thì nghĩ và thiên hạ muốn làm gì thì làm.
Cùng một lúc, điều này cũng bao gồm những người không muốn, không thể hoặc không thích: nói, nghĩ hay làm gì cả.

Thôi thì tự an ủi rồi tuổi trẻ sẽ qua mau.
Nhưng tuổi già e sẽ qua mau hơn đấy.!


Nói đến Ngô Thụy Miên, không thể không nói đến Nguyên Sa.



Nguyên Sa ngoài đời trông không có vẻ thanh nhã. Nghe ông giảng môn triết học ta càng thấy ông khô hơn củi nhưng thơ tình thì tuyệt diệu, lãng mạn và ướt át. Hẳn là bao tinh hoa ông đã lỡ trút hết vào thơ tình.
Nhưng một thi sĩ thì ngoại hình bắt buộc phải như thế nào nhỉ.?

Chỉ biết là thơ Nguyên Sa đã như một làn gió mát thổi vào thi ca và tuổi trẻ một thời. Từ ý tưởng đến ngôn từ, Nguyên Sa đã góp phần không nhỏ làm cho thơ tình Việt Nam trẻ ra, nồng nàn hơn trong giai đoạn chiến tranh trở nên khốc liệt .
Đọc thơ Nguyên Sa, tuổi trẻ Việt Nam, thời kỳ một ngàn chín trăm ... hồi đó, như vừa có một khuôn mặt mới, một phong cách yêu đương mới. Qua thơ Nguyên Sa và Hoàng Anh Tuấn, tuổi trẻ dường như có thêm một cách khác để bầy tỏ tình yêu, khác nhiều với Xuân Diệu, khác xa với Huy Cận.

Cũng nên biết là thơ phổ nhạc thường đem đến một mất mát đáng tiếc. Thêm được một ca khúc thì mất đi một bài thơ bởi vì những bài thơ đã được phổ nhạc sẽ không còn được hình dung ra với sự nguyên vẹn nữa. Không chỉ biến dạng thành lời ca của bài hát ấy mà vĩnh viễn sẽ còn không thể tách ra được. Thế độc lập của bài thơ đã bị bài nhạc tước đoạt.!

Thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên thì sao.? Nhạc họ Ngô có làm tuổi trẻ quên đi nguyên bản thơ họ Trần ( Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan).?
Không đâu!, Kosma phổ nhạc nhiều thơ của Prevert nhưng Kosma vẫn là Kosma và Prevert cứ là Prevert. Phạm Duy phổ nhạc nhiều thơ của Huy Cận nhưng Huy Cận vẫn mãi là Huy Cận. Phạm Đình Chương phổ nhiều thơ của Thanh Tâm Tuyền nhưng thi sĩ này vẫn giữ chỗ đứng bất khả di trong tâm hồn người yêu thơ.

Thêm một gỉả dụ khác. Hay là thơ Nguyên Sa đã giới hạn nhạc Ngô Thụy Miên.?
Không hẳn vậy, vì trong những ca khúc mà họ Ngô viết cả nhạc lẫn lời, ông đã cho ta thấy những cánh cửa khác được mở ra tronb thế giới riêng của ông.

Tiếc thay, nhạc sĩ này chỉ phổ nhạc thơ có vần, có điệu của Nguyên Sa, nếu không chúng ta đã có thể có thêm một số ca khúc được phổ từ thơ tự do, thơ như văn xuôi của Nguyên Sa..
Chưa đủ can đảm, thiếu thốn tài năng, thời giờ hạn hẹp hay phổ thơ Nguyên Sa chỉ là một giai đoạn trong tiến trình sáng tác của Ngô Thụy Miên.? Ai giỏi thì cứ nắm áo ông ấy mà hỏi.!

Phần chúng ta, hai chân gác lên bàn, một tay điếu thuốc, một tay ly cà phê thơm ngát, hai mắt nhắm nghiền, thả hồn vào thế giới tình ca của Ngô Thụy Miên với lời bình của Hoài Nam.

Làm ngay đi.
Tuổi già e sẽ đến mau đấy.!

Vài lời về phiên bản này:

1.- Phiên bản này hơi... ngắn, ít nhất là trên3 giờ, nên phải cắt làm 3 hay 4 phần cho dễ nghe.
Phần đầu 1 giờ 5 phút, có thể tải ngay. Phần 2, 3 và 4 sẽ theo sau.

http://www.fshare.vn/file/2V14BWEZIBRN

2.- Với các bạn chỉ thích ăn ốc luộc không cần nước mắm gừng hay chè ba màu khỏi cần nước đá bào, dưới đây là link cho file chỉ có nhạc, không có lời bình của Hoài Nam.

http://www.fshare.vn/file/T1CDI5ZA5J2F

3.- Tiêu đề này không thể hoàn thành nếu không có tư liệu của Hoài Nam và Nguyễn Đình Toàn. Một lần nữa, xin chân thành cám ơn hai tiền bối.

4.- Nếu quan tâm đến những tiêu đề tương tự, các bạn có thể để ý đến:

V.A - 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Lê Uyên Phương.
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1091495


V.A - 70 năm trong tình ca Việt Nam - Từ Công Phụng.
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1087760


Đoàn Thế Ngữ với Như Chiếc Que Diêm của Từ Công Phụng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1090622


70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Nguyễn Ánh 9.
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1089048

Đoàn Thế Ngữ với "Tình Ca" của Phạm Duy, thân phận Kiều của Nguyễn Du và vua Gia Long nghi án.
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1092600

5.- "Sau" khi lỡ dại tải và nghe, xin cho vài comment để kẻ này còn biết được ý... voi của cả nhà chứ.!


Hẹn các bạn kỳ tới.


Gửi tiếp đến các bạn phần 2 của "70 năm tình Ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên"


Tracks List:

12.- Cần Thiết ......................... Ngọc Quỳnh
13.- Từ Giọng Hát Em. .............. Phương Linh
14.- Giọt Nắng Hồng ................. Mai Khôi
15.- Miên Khúc ........................ Khánh Hà
16.- Dốc Mơ ............................ Khánh Ly
17.- Ở Nơi Nào Em Có Nhớ ........ Tuấn Ngọc
18.- Dáng Ngọc ....................... Thái Thảo
19,- Tuổi 13 ............................ Bích Vân
20.- Paris Có Gì Lạ Không Em .... Ngọc Hạ
21.- Áo Lụa Hà Đông ............... Thái Hòa
22.- Bản Tình Ca Cho Em ........ Tuấn Ngọc
23.- Em Còn Nhớ Mùa Xuân .... Y Phương



Thêm vài lời về Ngô Thụy Miên,

Ngô Thụy Miên tốt nghiệp năm 1965 tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn về hai bộ môn vĩ cầm và nhạc pháp nhưng đã bắt đầu viết nhạc từ năm 1963. Tình khúc đầu tiên Ngô Thụy Miên hoàn tất , "Chiều Nay Không Có Em" (1965), đã được giới sinh viên tại các giảng đường đại học hưởng ứng rất nồng nhiệt.
Vài năm sau đó, ông đã cho xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa đề là Tình Khúc Đông Quân do nhà in Khắc Hạnh phát hành tại Sài Gòn (1969). Đông Quân là bút hiệu đầu tiên của ông trước khi ông đổi qua bút hiệu mới là Ngô Thụy Miên. Trong tuyển tập Tình Khúc Đông Quân mà ông đã ghi lời tâm bút thay cho lời ngỏ trên trang đầu của tuyển tập là những tình khúc viết cho bạn bè và tình yêu, trong đó gồm 12 bản tình ca: Dáng Ngọc, Mùa Thu Này Cho Em (sau đổi là Mùa Thu Cho Em), Gọi Nắng (sau đổi là Giọt Nắng Hồng), Dấu Vết Tình Yêu (sau đổi là Dấu Tình Sầu), Cho Những Mùa Thu (sau đổi là Thu Trong Mắt Em), Tình Khúc Tháng 6, Nhạt Tình (sau đổi là Dấu Vết Tình Yêu), Mây Hồng (sau đổi là Tuổi Mây Hồng), Gọi Tên Em, Ái Xuân, Mùa Thu Về Trong Mắt Em (sau đổi là Mắt Thu) và Ngày Mai Em Đi. Xin đừng lẫn lộn với " Một Mai Em Đi" của Trường Sa.

Không chịu "ngủ mãi" (thụy miên)!, năm 1971 ông đã cho xuất bản một tuyển tập tình ca thứ nhì, với tựa đề "Một Ngày Cho Tình Yêu." Trong tuyển tập nầy có sự góp mặt của các nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, Trần Tú, Vũ Thành An và Vũ Đức Sao Biển, và tập nhạc do Bạn Trẻ xuất bản với phụ bản của họa sĩ Nguyên Khai, in tại nhà in Hiếu Trung Sài Gòn. Trong tuyển tập nầy, gồm tất cả là 15 nhạc khúc của 5 nhạc sĩ. Ngô Thụy Miên với 5 ca khúc đóng góp trong tuyển tập là Tình Khúc Tháng Sáu, Mùa Thu Cho Em, Tình Khúc Mùa Xuân, Chiều Nay Không Có Em và Mắt Biếc.
Cuối năm 1974, ông cùng với một số thân hữu thực hiện cuốn băng nhạc đầu tiên với chủ đề Tình Ca Ngô Thụy Miên, Thúy Nga phát hành, gồm 17 tình khúc đã được sáng tác trong suốt khoảng thời gian từ 1965-1972, và ông đã ra mắt cuốn băng nầy trong đêm tình ca Ngô Thụy Miên, với chủ đề Nhạc Tình Khúc tại Sài Gòn ngày 7.12.1974, do các nam nữ ca sĩ nổi danh trình bày như Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Duy Quang, Duy Trác, Thanh Lan, Sơn Ca, Xuân Sơn, Châu Hà, Kim Tuấn, với phần hòa âm của nhạc sĩ Văn Phụng.
Ông vượt biên vào cuối năm 1978 và đến Mã Lai. Tại trại tị nạn Pulau Bidong ở Mã Lai ông đã chính thức trình làng tác phẩm mà ông đã miệt mài viết từ năm 1975 và đã hoàn tất vào năm 1978, bản Em Còn Nhớ Mùa Xuân riêng gởi tặng cho người yêu Đoàn Thanh Vân lúc đó đang định cư tại Mỹ Quốc.
Năm 1979 ông sang Montreal, Gia Nã Đại. Tại đây ông đã gặp lại và lập gia đình với Thanh Vân vào cuối năm 1979. Vào khoảng đầu năm 1980, ông di dân sang Mỹ và định cư tại California. Ông tốt nghiệp kỹ sư điện toán năm 1981, và hiện đang làm chuyên viên cố vấn trong ngành điện toán tại thành phố Olympia thuộc tiểu bang Washington.

http://www.fshare.vn/file/E8L133W29SZB



Vài lời bàn thêm:

1.- Có một điều phải tỏ cho minh bạch là ca khúc "Giáng Ngọc" chính tựa là "Dáng Ngọc". Ta chỉ có "giáng tiên", tiên bị đày xuống trần, "giáng mi", làn mi cong và dài xuống đuôi mắt hay "giáng hương", hương của hoa thơm tỏa xuống từ cây. Giáng có nghĩa là xuống, nên "ngọc" mà "giáng", rơi xuống thì ... xong phim.!
"Dáng ngọc" đây là dáng dấp ngọc ngà của người yêu.!

2.- Phiên bản kế tiếp này đã không thể hoàn thành được nếu không dựa vào biên khảo của Hoài Nam trong "70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam".

3.- Riêng tặng các vị ăn bún đậu không cần mắm tôm, dưới đây là link của những bàn nhạc, không có dấu vết lời bình luận của Hoài Nam.

http://www.fshare.vn/file/84KAF1KHGLDQ


Giới thiệu đến các bạn, đã "lỡ dại" nghe hai phần đầu, phiên bản cuối của " 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên".

Tracks List:

24.- Tình Khúc Buồn ................. Thái Hòa
25.- Biết Bao Giờ Trở Lại ......... Trần Thái Hòa
26.- Mùa Thu Xa Em ................. Khánh Ly
27.- Nắng Paris, Nắng SàiGòn... Thái Hiền
28.- Tình Cuối Chân Mây ..... Don Hồ
29.- Tháng Giêng Và Anh ........ Ý Lan
30.- Tháng Sáu Trời Mưa ......... Đức Tuấn
31.- Thu Khóc Trên Ngàn ........ Lê Dung
32.- Nỗi Đau Từ Đây ................Trần Thái Hòa
33.- Em Về Mùa Thu ............... Ái Vân
34.- Thu SàiGòn ...................... Duy Quang
35.- Mắt Thu ........................... Trần Thái Hòa & Hương Giang
36.- Một Cõi Tình Phai ........... Khánh Hà
37.- Biển Và Em ..................... Thiên Kim
38.- Mây Bốn Phương Trời ..... Don Hồ
39.- Gọi Tên Anh .................... Ý Lan
40.- Từ Giọng Hát Em .......... Thiên Tôn
41.- Riêng Một Góc Trời ........ Tuấn Ngọc






Bất cứ ai, có chủ tâm đi tìm những nét đặc thù của 20 năm tân nhạc miền Nam, cũng sẽ nhận ra rằng, giữa thi ca và nền tân nhạc, nhất là dòng nhạc mà chúng ta quen gọi là tình ca, là một gắn bó tuyệt vời. Tựa như đó là những cuộc hôn phối không thể lý tưởng, đẹp đẽ hơn.
Vì tính lãng mạn của thơ tình Việt Nam mà một nhạc sĩ, trong đời họ, có thể "kết hôn" với thơ của nhiều nhà thơ khác nhau. Tuy nhiên, cũng có một số nhạc sĩ chỉ mặn mà và chỉ thành công với thơ của một hai thi sĩ mà thôi.

Ðiển hình cho trường hợp này là Ngô Thụy Miên với thơ Nguyên Sa.
Nhưng trước khi bước sâu vào mối tương tác giữa thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên, chúng ta cũng nên nhìn lại nguồn gốc đưa tới sự giầu có của tình ca miền Nam 1955 đến 1975.

Đúng ra thì tân nhạc Việt Nam đã nở rộ từ những năm đầu thập niên 1940. Nhưng kể từ Hiệp Ðịnh Geneva chia đôi đất nước, miền Nam sau một thời gian ngắn được sống trong yên bình thì, chiến tranh đã gióng lên những hồi chuông oan nghiệt đầu tiên.
Theo bước chân thời gian, chiến tranh, tang tóc ở miền Nam như nấm gặp những cơn mưa triền miên của bom đạn. Tuổi trẻ miền Nam ngơ ngác, thất thần trước một tương lai bất định. Họ, những người trẻ miền Nam giống như bị trần truồng trước tương lai ngõ cụt, tai họa của cái chết kề cận, tựa như họ có thể chạm tay, chạm mặt với thần chết!
Trong tình cảnh tuyệt vọng này, phản ứng tự nhiên của những con thú cùng đường là chống trả hay lẩn trốn trong những căn hầm trú ẩn hư ảo.
Phản ứng này, thể hiện rất rõ nét qua văn chương và âm nhạc.

Vì thế, không mấy ai ngạc nhiên khi nhìn lại 20 năm văn học nghệ thuật miền Nam, người ta thấy có ba khuynh hướng chính, như ba phản ứng chống trả hoặc trốn chạy tùy theo cảm nhận riêng của mỗi cá nhân là:

1. Chống chiến tranh.

2. Ðắm mình trong tính dục. (Khuynh hướng này thường chỉ xảy ra trong lãnh vực văn chương, không nhiều trong lãnh vực âm nhạc).

3. Trú ẩn trong những cánh rừng hay những núi, đồi của ảo tưởng lãng mạn.

Nói chung, với ba khuynh hướng chính này thì chỗ thanh thiếu niên miền Nam tìm tới đông đảo nhất là những cánh rừng hay những núi, đồi lãng mạn. May mắn thay miền Nam thời đó có được tự do đủ, để các khuynh hướng trên phát triển.

Tuy nhiên, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại của một dân tộc, luôn có riêng một thứ ngôn ngữ. Ngôn ngữ ấy phản ảnh được tâm trạng đời sống của đa số. Bởi thế, miền Nam, ở những thập niên 1960, 1970, tuy người ta vẫn còn đọc thơ tình của những thi sĩ tiền chiến như Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Huy Cận hay, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư v.v... Và, một số người vẫn còn nghe, hát những tình khúc của Tô Vũ, Hoàng Quý, Nguyễn Văn Khánh, Ðoàn Chuẩn-Từ Linh, Hoàng Giác, Tử Phác hay Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý v.v... Nhưng đại đa số, nhất là giới trẻ ngày càng xa lạ với những ca khúc như:

Em lo gì trời gió
Em lo gì trời mưa
Em tiếc gì mùa hè
Em tiếc gì mùa thu

Ta cứ yêu đời đi
Như lúc ta còn thơ
Rồi để anh làm thơ
Rồi để em dệt tơ...

("Thoi Tơ," thơ Nguyễn Bính, nhạc Ðức Quỳnh)

Phải nói là hình ảnh "anh làm thơ, em dệt lụa" là hình ảnh lãng mạn, tượng trưng cho một tình yêu đẹp, rất lý tưởng... Nhưng dù đẹp hoặc lý tưởng tới đâu thì nó cũng đã thuộc về quá khứ! Ðời sống thực của thanh thiếu niên miền Nam, trong chiến tranh, dù họ có chọn mơ mộng, có lãng mạn như một ẩn náu cần thiết thì cũng chẳng có bao người, biết được mặt mũi cái khung cửi nó méo tròn như thế nào...

Bối cảnh đời sống của thanh thiếu niên miền Nam ở những năm 1960, 1970 không hề có cảnh "em ngồi trong song cửa - anh đứng tựa tường hoa".
Có lãng mạn, lý tưởng nhẹ nhàng nhất thì cũng phải phảng phất tí mùi chiến tranh:

Anh về qua xóm nhỏ
Em chờ dưới bóng dừa
Nắng chiều lên mái tóc
Tình quê hương đơn sơ

Quê em nghèo, cát trắng
Tóc em lúa vừa xanh
Anh là người lính chiến
Áo bạc màu đấu tranh...

("Tình Quê Hương" thơ Phan Lạc Tuyên, nhạc Ðan Thọ)

Hoặc "đô thị" hơn thì ít nhất cũng phải là:

Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em

Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sau giao thừa xanh trong đôi mắt ngọc
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

("Em Ðến Thăm Anh Ðêm Ba Mươi" lời Nguyễn Ðình Toàn, nhạc Vũ Thành An)

Ở tình khúc của Ðan Thọ, từ những năm giữa thập niên 1950, con gái không còn bận tâm"ngồi trong song cửa" cho mất thì giờ "vàng son" nữa. Nàng, cô con gái thời "hậu tiền chiến" đã bước ra khỏi nhà, đi tìm một gốc cây, chờ người tình của mình, không "lo trời gió" mà cũng chả "ngại trời mưa".

Qua đến Vũ Thành An, bây giờ nàng đã không còn ngồi quay... tơ cho chàng làm... thơ mà cũng chả mất công ngồi chờ. Nàng đã chủ động đi... thăm chàng. Hơn thế, nàng còn chọn thời điểm quan trọng nhất của một năm là đêm 30 Tết, thay vì phải ở nhà để cùng cha mẹ chờ cúng giao thừa thì nàng chọn làm "đồ cúng" cho chàng.!
Và chúng ta, kẻ ngoại cuộc, sung sướng được làm nhân chứng cho bằng chứng tình yêu của chàng là "người phu quét đường," là "chiếc lá vàng"...

Hai hình ảnh lãng mạn không thể hiện thực hơn trong tình khúc vừa kể, chỉ là một trong hàng ngàn hình ảnh, biểu tượng cho tính chất lãng mạn đầy tích cực của thời kỳ thơ/nhạc miền Nam 20 năm, trước đây.

Trước nhu cầu cấp bách của thanh thiếu niên miền Nam về những cảm thức lãng mạn mới, như những cánh rừng hoặc, những núi, đồi cho họ ẩn trú dù chỉ là ảo tưởng, năm 1957, về phương diện thi ca, thi phẩm "Thơ Nguyên Sa" in lần thứ nhất ra đời.

Trong tình cảnh bơ vơ, thất lạc kia, năm 1965, về phương diện tình ca, hai tình khúc mang tên Ngô Thụy Miên ra đời, "Chiều Nay Không Có Em" và "Mùa Thu Cho Em." Hai ca khúc này là hai dự báo mạnh mẽ sự thành tựu rực rỡ của họ Ngô.
Ở thời điểm từ 1955 tới 1965 thì thơ Nguyên Sa là một hiện tượng mang tính lãng mạn mới. Như thể thơ Nguyên Sa đã mang lại cho buồng phổi thanh thiếu niên miền Nam những lượng khí trời mới.

Trong bối cảnh đòi hỏi không chỉ tài năng mà còn là những nỗ lực ý thức, năm 1969, bốn năm sau hai tình khúc đầu tay, Ngô Thụy Miên thẩm nhập cõi giới thi ca Nguyên Sa - Ðể cùng với thơ của tác giả này, họ Ngô làm thành một hợp hôn tuyệt vời.

Bàn đến hai nhân vật này thế là đủ rồi, bây giờ mời các bạn thưởng thức tiếp " 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam: Ngô Thụy Miên, phần 3"

Đây là bản cuối của 3 phần:

http://www.fshare.vn/file/3LHC1UWQQ6BT

Và,
1.- Như thường lệ, cám ơn Hoài Nam, vì nếu không có chương trình "70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam"của ông, xác suất hoàn thành những phiên bản này là số không, zero, zip, nada!.

2.- Xin những vị thích đổi "anh" và "em" loạn cào cào, nhớ cho nguyên bản là "Em đến thăm anh đêm ba mươi" chứ không phải "Anh đến thăm em đêm ba mươi" đâu nhá.
Anh mà đến thăm em đêm ba mươi thì tay anh lạnh chứ không phải tay em. Tay em có lẽ chỉ "run" vì sợ, chém chết thì em cũng còn đang ở với bố mẹ mà.!

3.- Quà cho những vị (lại nữa, biết rồi, khổ quá, nói mãi) nhậu không cần mồi, khô mực nướng khỏi cần tương ớt, dưới đây là link cho nhạc, không có lời bình luận của Hoài Nam:

http://www.fshare.vn/file/TNH5ZA5NJIOM

4.- Nếu quan tâm đến những tiêu đề tương tự, các bạn có thể tìm thấy ở:

V.A - 70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Lê Uyên Phương
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1091495


V.A - 70 năm trong tình ca Việt Nam - Từ Công Phụng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1087760


Đoàn Thế Ngữ với Như Chiếc Que Diêm của Từ Công Phụng
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1090622


70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam, Nguyễn Ánh 9.
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1089048

"Đoàn Thế Ngữ với "Tình Ca" của Phạm Duy, thân phận Kiều của Nguyễn Du và vua Gia Long nghi án"
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1092600


70 năm tình Ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên, phần 1
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1087760


70 năm tình Ca trong tân nhạc Việt Nam, Ngô Thụy Miên, phần 2
http://www.hdvietnam.com/diendan/sho....php?t=1094602



http://www.hdvietnam.com/diendan/183-nhac-viet-nam/1093706-v-70-nam-tinh-ca-trong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét