Mình chụp được một số ảnh bằng cái camera của Samsung Galaxy S6 edge.
Nay ngồi xem lại số ảnh ấy, ngẫm nghĩ thấy rằng mọi người, bất kỳ ai,
cũng đều có thể cầm một cái điện thoại, giơ lên, bấm một cái, và tạo ra
ngay một tấm ảnh có thể nhận dạng được. Tại sao người ta thích chụp ảnh?
Và tại sao những bức ảnh lại thu hút óc tưởng tượng của ta đến vậy?
Ngôn từ và hình ảnh vốn là nền tảng cho sự tồn tại của con người từ thuở
hồng hoang. Ngôn từ và hình ảnh là những ký hiệu nhân tạo giúp hiểu
mình hiểu người, hiểu được cuộc sống của mình, hiểu được thế giới vạn
vật quanh mình. Và, ngoài mấy cuốn sách đầy ký hiệu, nhiếp ảnh thay đổi
cái nhìn của con người về chính mình và vạn vật. Nhiếp ảnh phụ thuộc vào
ánh sáng. Nhiếp ảnh là một phương tiện tạo hình bằng tác động của ánh
sáng trên một dụng cụ đủ khả năng nhạy với ánh sáng đó. Galaxy S6 edge nhạy với ánh sáng đó thế nào?
Ánh sáng trên bàn học
Ánh sáng xuống phố buổi mai
Ánh sáng chợt loé trên con đường vắng
Ánh sáng kéo vệt trên nền trời xanh
Ánh sáng đập vào mặt đá
Ánh sáng giữa trưa đúng bóng
Ánh sáng soi mình quyến rũ
Ánh sáng thấp dần buổi hoàng hôn
Ánh sáng len lỏi vô nhà nuối tiếc
Ánh sáng nhân tạo buổi đêm
Ánh sáng thức cả khi loài người đã ngủ
Ánh sáng vàng. Một thứ ánh sáng mê hoặc chụp ảnh. Không có loại kính lọc
nào có thể sánh được với màu sắc nồng ấm của ánh sáng ban mai và hoàng
hôn. Ánh sáng "vẽ" những khung hình bằng cách làm biến đổi một số yếu tố
nào đó của các chất liệu nhạy cảm với ánh sáng. Ánh sáng trở nên tác
động về mặt vật lý lên vạn vật để tái tạo hình ảnh. Ánh sáng buổi sáng
ngay sau bình minh hoặc hoàng hôn sẽ dát vàng mọi vật và làm mọi màu sắc
ấm lên, rực rỡ. Cảnh vật trong bối cảnh ánh sáng vàng này lộ rõ hình
khối với độ tương phản sáng tối quyến rũ trong hướng sáng tạt nghiêng.
Nhưng phải chụp thật nhanh vì nó không kéo dài lâu và cái dụng cụ nhạy
với ánh sáng kia phải đủ khả năng lưu nhận trung thực nhất loại ánh sáng
này. Galaxy S6 edge đã lưu giữ những mảng màu hoa gấm ấy thế nào?
Trước lúc bình minh, bao giờ đêm đen cũng dày đặc nhất!
S6 có vẻ hạ tốc độ màn trập trong khi anh chàng nọ tăng tốc, kết quả là mờ.
Hoàng hôn vàng
Mọi người đi qua ánh sáng vàng
Chỉ có điều, trước lúc mặt trời lộ nguyên hình dạng, không đủ mạnh chiếu
rọi để ta thấy chi tiết của cảnh vật dưới đất, nhưng bản thân bầu trời
hừng hực buổi bình minh là một cái nền màu sắc tuyệt hảo cho những chủ
đề silhouette... Chỉ việc để ống kính canh nét vô cực, đo sáng ngay tại
vùng rực sáng nhất hoặc mặt trời và bấm nút chụp. Nếu muốn lấy thêm chi
tiết vùng mặt đất thì Galaxy S6 edge cho phép tăng giảm EV với thanh
trượt luôn hiển thị ngay trên màn hình, nhưng có lẽ còn phải tiếp tục
nâng cấp để hoàn thiện tốt hơn.
Mắt người và máy ảnh hoạt động khác hẳn nhau. Thị giác như cái ống nhòm
có cảm nhận sự vật theo ba chiều, máy ảnh lại chỉ có một ống kính tạo ra
những khung ảnh phẳng hai chiều. Chúng ta nhìn sự vật theo cái chúng ta
cho là màu sắc trung thực tự nhiên, còn máy ảnh ghi nhận ảnh theo sơ đồ
3 màu cố định hoặc đơn sắc. Ảnh không bao giờ là bản sao y hệt với màu
sắc trong thị giác con người được. Hơn nữa, mọi màu sắc đều thay đổi
theo sự thay đổi của màu sắc ánh sáng. Người ta vẫn luôn mong hình ảnh
từ một cái máy càng gần giống ngoài thực thì càng thích. Và thât nực
cười với những biểu hiện khát vọng về màu sắc trung thực ảo tưởng. Màu
quái gở ư? Không tự nhiên ư? Hoàn toàn không. Trong tình huống ánh sáng
ấy, sự vật thực tế mang màu sắc như vậy, và máy ảnh tái tạo màu sắc như
vậy. Lắm khi, mỗi hãng máy ảnh, mỗi tông (tone) màu hoàn toàn khác hẳn
nhau. Những bức ảnh của Galaxy S6 edge có sự "gần giống" ấy thế nào?
Tĩnh vật là chủ đề ngày càng ít ai chụp
Màu ở trong nhà
Màu ngoài phố. Đường phố là chủ đề thú vị mà khó
Không xin thì dễ bị chửi, xin phép rồi chụp thì mất khoảnh khắc thần thánh, chụp lén thì cũng tuỳ cảnh phố.
Cái này là màu của sự sắp đặt
Còn cái này là màu của đường phố, buổi đêm
Cảnh vật là chủ đề tĩnh, nhiều thời gian tha hồ lui cui chọn bố cục. Tấm
này màu nước chia làm hai dưới nắng gắt buổi trưa thiệt hay.
Cảnh động thì phải nhanh tay, lỡ có bị ăn chửi thì cười cười bước đi...
Màu sắc là cảm nhận của thị giác chớ không phải vật chất, cảm giác đó
lại biến đổi tuỳ sự chủ quan của mỗi người. Nhưng phải chân thật khi nói
đến màu sắc ảnh chụp từ các dòng Galaxy của Samsung là luôn "nịnh mắt
lừa tình" trên chính màn hình của chúng và thất vọng khi đưa mớ ảnh ấy
lên màn hình thiết bị khác và nhất là trên màn hình máy tính. Nhưng cũng
phải công minh mà nói hãng này đã bắt đầu thay đổi tư duy màu sắc cho
hình ảnh được chụp từ thiết bị của họ từ chiếc Note 4 năm ngoái và rõ
rệt nhất với dòng S6/S6 edge năm nay khi xem trên màn hình máy tính là
trung thực hơn. Đó cũng là cảm nhận thị giác cá nhân, nhưng mình vẫn hy
vọng sự thay đổi đó là đúng và tiếp tục rõ ràng hơn với các phiên bản
Galaxy tiếp theo.
Màu xanh của lá trước nắng
Màu xanh...
Màu của hơi nước
Màu vạn vật lúc bóng râm
Màu vật dụng nhà cửa, tấm này mình thích sự tái hiện màu từ cái ghế, cửa, vách... trung thực.
Màu dưới ánh đèn huỳnh quang
Màu dưới đèn cao áp vàng ngoài phố
Ngồi trong xe chụp
Đôi mắt ta chuyển động liên tục. Để thấy rõ toàn bộ thì đôi mắt phải di
động thật nhanh để đưa từng thành phần trong tầm nhìn vào vùng thị giác
chính giữa. Còn máy ảnh lại tạo ra tức thì. Mọi thành phần được tạo ra
đồng loạt trong khoảng thời gian chớp nhoáng. Người ta gọi là "khoảnh
khắc bấm máy". Khác với mắt người, máy ảnh cần phải tích tụ ánh sáng
mạnh/yếu trên bề mặt tấm phim hoặc cảm biến ảnh cho đến khi đủ tạo ra
hình ảnh, kể cả những cảnh vật mà mắt người không thấy rõ hoặc không
thấy được. Galaxy S6 edge có khả năng thay đổi các thông số màn trập, độ
nhạy ISO... để có tương phản của các vùng sáng, lưu giữ chi tiết các
vật thể trong các bối cảnh sáng thế nào? Nhiều bạn hay hỏi chụp chế độ
gì hay dùng ứng dụng gì. Cảm nhận thật sự của mình là không có ứng dụng
được cài từ bên ngoài nào chụp tốt hơn giao diện công cụ chụp mặc định
của máy; thứ hai là chế độ tự động (auto) của camera điện thoại với mình
là tốt và hiệu quả nhất trong nhiều chủ đề chụp.
Dãy nhà "một thời huy hoàng" của đất Sài Thành, chụp bằng chế độ lấy nét sau, và chọn bông hoa.
Chụp ảnh bằng điện thoại, đo sáng là quan trọng và biết đo sáng vào đâu
quan trọng hơn. Hệ thống đo sáng của máy ảnh thường sai lầm khi nào? Hệ
thống đo sáng cảnh vật thấy được qua ống kính như một sắc độ xám trung
bình. Chúng không phân biệt được một vật thể sáng trắng với một vật thể
sậm đen. Chúng càng không biết được vật thể nào là quan trọng hơn vật
thể nào. Hệ thống đo sáng trong máy ảnh chỉ làm được một điều là tính
trung bình hết moi giá trị sáng tối nhận được qua ống kính thành một giá
trị xám trung bình. Cái camera của điện thoại nào cũng làm khá tốt cả.
Nhưng khi gặp tình huống ánh sáng khó, bối cảnh hay vật thể cần chụp sậm
đen hơn mức trung bình thì hệ thống đo sáng thường sai nghiêm trọng.
Galaxy S6 edge cũng thế, và khi ấy cần bù trừ thanh EV để tăng/giảm
lượng sáng.
Ánh sáng chênh khó chịu, chọn điểm đo sáng phù hợp để giữ nhiều chi tiết ảnh nhất.
Thường thì phải chấp nhận mặt nước dư sáng trắng, hoặc ngược lại thì những con người kia đen thui.
Đo sáng vào gần chỗ ông mặt trời, bầu trời vừa phải, mặt đất không tối hù.
Buổi tối - Cafe chân M
Hậu kỳ ảnh à? Từ cái buồng tối thời chụp phim, thợ tráng gia giảm tương
phản, bù trừ độ sáng, cân chỉnh thuốc tráng... là một tiền thân hậu kỳ
bằng phần mềm sau này. Kỹ thuật hậu kỳ chỉ quan trọng trong mức độ làm
chủ nó để truyền đạt những gì ta nhìn thấy, đạt được hiệu quả tốt nhất
trên bức ảnh. Chỉnh sửa ảnh trên điện thoại Android nói chung, cá nhân
mình vẫn thấy ứng dụng Snapseed là ứng dụng chuyên nghiệp nhất. Ngoài
các filter màu, hiệu ứng có sẵn, Snapseed cho cân chỉnh, gia giảm sắc
độ, gia giảm tương phản... từng vùng tuỳ chọn. Đó là điểm mình thích thú
nhất. Nếu trân trọng một tác phẩm ảnh, thì việc cắt cúp, hiệu chỉnh cho
đúng ý là điều nên làm. Nhưng, dĩ nhiên có vô số điện thoại chụp ra
những bức ảnh và bức ảnh đó không thể hậu kỳ được. Những bức ảnh đó sẽ
mất hết chi tiết, rạn rỗ nát bét ra khi chỉnh sửa vì lượng thông tin ảnh
quá yếu. Ảnh của Galaxy S6 edge có thể tạo cảm hứng cho những người cần
chỉnh sửa hậu kỳ cho tác phẩm của mình, khác biệt các dòng Galaxy trước
đây. Ảnh của S6 màu sắc khá dày, lượng thông tin ảnh nhiều, đáp ứng đủ
yêu cầu cho những người khó tính khi chỉnh sửa.
Đây là tấm ảnh chưa cắt cúp
Đây là tấm cắt cúp, cắt bớt phần trên , chỉnh lại đường chân trời, và lật ngược tấm hình lại, bằng Snapseed.
Xem xong số ảnh chụp bằng cái điện thoại S6, những bức ảnh chụp khắp nơi
đó đây như gần lại nhau; những cảnh những vật quen thuộc như thể trở
nên lạ lùng; những điều tầm thường được ánh sáng mang một ý nghĩa khác.
Thế giới qua một bức ảnh trở nên có ý nghĩa với cuộc sống thực hơn. Và,
không có gì ngạc nhiên khi nhiếp ảnh thu hút mọi người. Mọi người chụp
ảnh. Và, cái điện thoại chụp ảnh tốt sẽ dễ dàng và hữu dụng với nhiều
người hơn cả. Galaxy S6 là một cái điện thoại có camera tốt.
Một số ảnh khác:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét