Chiếc Boeing của hãng Hàng không Egypt Air hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cairo – Ai Cập vào một buổi sáng sớm, khí trời còn khá mát mẻ. Giọng của phi cơ trưởng cất lên trên loa mời tất cả hành khách chuẩn bị hành lý xuống sân bay. Hòa theo dòng người đến khu vực kiểm soát hộ chiếu với visa Ai Cập trên tay mà tôi cũng hơi run, không rõ có trục trặc gì không?
Tay cảnh sát cửa khẩu gương mặt nghiêm nghị cầm cuốn Hộ chiếu Việt Nam hết lật đi lật lại, lại gõ gõ chiếc bút xuống bàn có vẻ khó hiểu cân nhắc ghê lắm. Sau một hồi đắn đó, anh ta chạy đến tay sỹ quan diện bộ đồ quân phục màu trắng tinh đang ngồi trong góc phòng để hỏi ý kiến. Tay này lướt mắt qua cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây rồi gật đầu một cái…
Thế là…
“Nhật ký hành trình Ai Cập (bằng xe gắn máy)” với cụm từ “bằng xe gắn máy” trong ngoặc được phép ra đời!
Sở dĩ như vậy vì xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm”, “Xác ướp Ai Cập”, của “Alibaba và 40 tên cướp” này thật khác xa với những quốc gia mà tôi đã từng đặt chân tới, khác xa với những trải nghiệm tôi có với các nước trong khu vực và Châu Âu, Mỹ. Rồi đến lượng thông tin ít ỏi tìm được về Châu Phi nói chung, Ai Cập nói riêng càng làm cho mọi thứ ở đây thêm đầy rẫy những điều ngạc nhiên khiến tôi đến tận bây giờ cũng không dám nói trước điều gì…
Nhưng cho dù đi với phương tiện gì, đi đâu đi chăng nữa thì mục đích của tôi là nhằm chia sẻ với các bạn những câu chuyện bình thường, những bức hình chụp bình thường về cuộc sống đời thường tại một đất nước Bắc Phi, với cách giải thích còn lắm hạn chế với mong ước rằng: Các bạn hãy lên đường khám phá thế giới! Thế giới quả là rộng lớn và thú vị! Hãy lên đường theo cách riêng của bạn. Đừng ngại ngần! Đừng sợ hãi!
Bởi vì…
“SỐNG ĐỂ ĐI – LIVE TO RIDE”Re: Ký sự Ai Cập.
Một tay Châu Á lững thững đẩy chiếc xe bên trên có chiếc vali màu đỏ thân thuộc – người bạn đường trong hai tháng đi dọc Nước Mỹ trên chiếc Honda Trail 90cc. Gương mặt tỏ vẻ thờ ơ nhưng trí óc hắn lại hoạt động hết công suất quan sát những con người lạ lẫm tại một đất nước Hồi Giáo lạ lẫm. Từ cách ăn mặc, nói chuyện, tới hình dạng bên ngoài của mọi người ở đây trông thật thú vị…
Hắn bước ra ngoài sảnh nhà ga quốc tế Cairo đảo mắt tìm quanh có người nào cầm tấm bảng ghi chữ “Dong” để đón về khách sạn hay không? Không thấy! Đi tới đi lui thêm mấy vòng nữa giữa cái đám đông khoảng vài chục người mà vẫn không thấy tăm hơi?!!
Thường thì tình huống này có thể làm vài người mồ hôi đầm đìa toát ra như tắm, nhưng mồ hôi tại mùa hè xứ sa mạc Sahara này quý lắm... Hắn thong thả ngồi xuống lục trong cái túi màu đỏ mấy cái bánh quy, và quan sát mọi vật xung quanh:
Trên tay một mảnh giấy, hắn tiến tới một gia đình Ai Cập gần đó và nói với người đàn ông đang cầm chiếc điện thoại trên tay:
- Thưa ông, tôi đang chờ người từ khách sạn tới đón nhưng không thấy họ đâu cả. Làm phiền ông gọi điện tới khách sạn theo số máy này được không? Xong hắn chìa mảnh giấy ra kèm thêm nụ cười toét đến tận mang tai.
- Okie, anh bạn! Số điện thoại này hả? "Vâng, đúng rồi!". Sau tiếng alo điện thoại là hàng tràng tiếng Ả Rập vang lên như súng bắn. “Xe khách sạn đang tới đấy, mày chịu khó chờ một lát nhé”.
30p… 1 tiếng… 1 tiếng 30 phút trôi qua mà cái từ “một lát” vẫn chưa chấm dứt. Cuối cùng thì một chàng trai trẻ cũng xuất hiện với chữ “Duong” trên tờ giấy trắng nhàu nát…
- Chào Dong! Xin lỗi vì tôi tới trễ! Chúc mừng anh tới Ai Cập, tới tháng Ramadan của người Hồi Giáo!Re: Ký sự Ai Cập.
Về vị trí địa lý, Ai Cập nằm ở phía Bắc Châu Phi. Biên giới phía Nam giáp Sudan, phía Tây giáp Lybia, phía Đông giáp Israel. Đất đai phần lớn là sa mạc, trong đó phía Tây là sa mạc Sahara khô cằn. 90 triệu người dân ở đây chủ yếu tiếp nhận nguồn nước ngọt từ sông Nile – con sông dài nhất Thế giới, chảy qua các nước như Uganda, Ethiopia, Sudan, Ai Cập, rồi đổ ra biển Địa Trung Hải.
Đất đai sa mạc là do Ai Cập có khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa hàng năm rất thấp, khí hậu vào mùa hè thì rất nóng, mùa đông thì dịu mát hơn vào ban đêm. Cư dân ở đây canh tác nông nghiệp chủ yếu dọc theo lưu vực sông Nile, trải dài từ phía Nam với thành phố lớn nhất là Aswan, tới phía Bắc thủ đô Cairo. Sông Nile sau khi chảy qua Cairo thì tách ra nhiều nhánh nhỏ cung cấp nước ngọt cho cả vùng đất rộng lớn phía Bắc Cairo.
Thủ đô Cairo với dân số khoảng 20 triệu người là một trong những thành phố đông và nhộn nhịp nhất Thế giới. Tưởng tượng Cairo đông và rộng gấp đôi Tp. HCM cũng có thể hình dung sơ sơ quy mô thành phố như thế nào.
Về kinh tế, GDP của Ai Cập năm 2013 là 270 tỉ USD, so với GDP Việt Nam khoảng 120 tỉ USD và với cùng số dân thì phải nói Ai Cập tuy là nước đang phát triển nhưng thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam nhiều. Với vị trí địa lý Bắc Phi, gần với Châu Âu, có kênh đào Suez rút ngắn quãng đường di chuyển của tàu thuyền từ Địa Trung Hải ra Biển Đỏ, không ngạc nhiên khi Ai Cập có nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào du lịch.
Về mặt tôn giáo, 90% người dân theo đạo Hồi (Muslim), tháng Ramadan bắt đầu từ 18/06 và kéo dài tới 17/07. Chàng trai trẻ tuổi chở tôi về khách sạn đang thực hiện các nghi lễ Ramadan, trong đó có điều cấm không ăn không uống từ 3h sáng đến 7h tối. Giữa cái xứ sở sa mạc này mà không uống nước cả ngày thì đúng là khổ sở thật! Nghĩ bụng vậy nên tôi coi như chuyện anh đến sân bay đón tôi trễ là chuyện… “nhỏ như con thỏ”.
Okie! Tới khách sạn nhận phòng rồi!!!
Khách sạn này nằm ngay trung tâm Cairo với hệ thống thang máy thoát hiểm, báo cháy, tivi 3D plasma nhìn được cả 4 bức tường chạy qua trước mắt sẽ đưa bạn lên tầng 4 trong vòng không quá 3p:
Chào mừng đến với "Khách sạn của tôi (My Hotel)". Tiền sảnh của “khách sạn” được kiến trúc sư thế kỷ 18 thiết kế theo phong cách chung cư của thế kỷ 19:
Tiếp tân là không cần thiết, kể cả ông già mù lòa cả hai mắt này cũng có thể làm tiếp tân, vì toàn bộ đều điều khiển tự động… bằng tay. Chào mừng đến với xứ sở "nghìn lẻ một đêm"...
Re: Ký sự Ai Cập.
Tôi đã từng chia sẻ rằng các nhà trọ kiểu ký túc xá dành cho dân du lịch bụi, tức là nhiều giường trong một phòng, là một “trường đại học” không hề thua kém bất cứ ĐH danh tiếng nào, kể cả Harvard. Những “người thầy” tại đây có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ với chút công lao và tầm nhìn hạn hẹp của mình. Không phải là lượng kiến thức lý thuyết trong đầu, mà bằng câu chuyện thực tế, câu chuyện đời sẽ giúp bạn thấy rằng thế giới này thật nhỏ bé.
Nhưng không phải ai cũng dễ dàng bước ra khỏi căn phòng của riêng mình trong khách sạn, chấp nhận hòa vào môi trường ồn ào, kém tiện nghi với đầu óc rộng mở, tâm thế sẵn sàng học hỏi… Đó là điều mà tôi thấy những cặp đi du lịch theo đoàn, theo nhóm đôi khi không có được!
Người đầu tiên tôi gặp là một vị bác sỹ 59 tuổi người Mỹ, Clark. Chính xác Clark là bác sỹ tình nguyện sang làm việc tại một đất nước mà nói ra nhiều người sẽ không biết ở đâu: Nam Sudan! Một đất nước Trung Phi theo lời ông kể là tràn ngập nghèo đói và tình trạng y tế tồi tệ đến mức khủng khiếp 100.000 người dân mới có 1 bác sỹ. Chỉ với $5 đã có thể tiến hành cuộc phẩu thuật cứu một mạng người. $5 cho một cuộc phẩu thuật phức tạp? Vâng! Và $2 cho phẩu thuật thông thường. Tình trạng bệnh tật tràn lan và thuốc men thiếu thốn ở đây được ông diễn tả bằng giọng điệu đầy thiện cảm với người dân Nam Sudan, thỉnh thoảng ông lại khoa tay biểu đạt sự bất lực của mình trong nhiều trường hợp mà ông không thể làm gì được hơn vì thiếu phương tiện.
- Thế tại sao ông lại ở đây: Cairo?
- Tao bị mất hộ chiếu ở Sudan, tại Sudan không thể làm được gì. Tao phải tới ĐSQ Mỹ tại Cairo để hỏi xem phải làm gì? Vì ĐSQ Mỹ ở đây là lớn nhất. Trên đường đi tao còn mất thẻ tín dụng tại máy ATM vì nhập sai mật mã nhiều lần. Ông nói với giọng buồn rầu. "Còn mày? Tại sao mày lại tới đây?"
“Tại sao à? Tao không biết nữa”. Nói rồi tôi quăng phịch người xuống chiếc giường trả lời bâng quơ. “Để tao nằm suy nghĩ xem lý do tại sao tao ở đây”.
Clark phá lên cười khùng khục rung cả cái giường…
Câu chuyện cứ thể tiếp diễn với chuyến hành trình của tôi tại Mỹ trên chiếc xe Honda Trail 90cc năm ngoái, kèm lời nói đùa rằng nếu gặp phải chú gấu nào trên đường thì có lẽ vứt xe mà chạy bộ thì còn nhanh hơn. Lại tràng cười khùng khục vang lên và câu chuyện cứ thể tiếp diễn …
Trên đường phố Cairo:
Một Cairo với nhiều tòa nhà cổ xây dựng theo kiểu kiến trúc Pháp:
Và một tay Châu Á đang sửa soạn món ăn theo kiểu "kiến trúc" Việt Nam:
Re: Ký sự Ai Cập.
Thủ đô Washington D.C Nước Mỹ. Một năm trước… Tháng 05/2014.
Hơn 200 bạn trẻ khắp nơi trên Thế giới tề tựu về Khách sạn Marriot để cùng nhau chia sẻ về công việc và học tập, và kết nối với nhau. Toàn bộ họ đều theo chương trình gọi là Professional Fellows Program của Bộ ngoại giao Mỹ. Kết nối tức là thêm bạn bè, mở rộng quan hệ và học hỏi lẫn nhau. Kết giao với các thành phần ở các nước phát triển như Âu, Mỹ là ưu tiên của nhiều bạn trẻ. Ai cũng muốn chụp hình với các tay mắt xanh, tóc vàng, da trắng. Tuy nhiên, cũng có tay Châu Á cứ thấy ai đến từ Châu Phi là nhảy bổ lại, đòi chụp hình chung, hỏi địa chỉ email và tất tần tật mọi thứ về Châu Phi…
Trong vài chục người đến từ Châu Phi có vài người sau chương trình kết thúc vẫn còn trả lời email của hắn. Trong vài người đó, có một hai người sẵn sàng giúp đỡ về các thủ tục giấy tờ visa, thông tin v.v... Thế là đủ!
Một năm sau, hắn đã ở Châu Phi, đang chờ gặp một người bạn Ai Cập trong Professional Fellows Program, mang cái tên rất “Hồi giáo”: Mostafa Fathi. 35 tuổi, đã có gia đình với 2 con, cha mẹ ông bà xuất thân từ Cairo, sinh ra ở Cairo, nói chung từ móng chân, móng tay cho tới cọng lông của hắn đều có nguồn gốc từ Cairo. Một người Ai Cập điển hình không lẫn vào đâu được!
Mostafa là một phóng viên kỳ cựu của một tờ báo Ai Cập, đã đạt 02 giải thưởng danh giá thể loại bài viết xuất sắc dành cho phóng viên, và theo đánh giá của tôi hắn là một tay có cái nhìn rất sắc bén về chính trị. Mostafa đến khách sạn khi tôi đang nói chuyện với Clark, không ngần ngại, ba người đàn ông đến từ ba châu lục lập tức làm quen với nhau theo kiểu “bạn của bạn tức là bạn”. Tôi không rõ "kẻ thù của kẻ thù" có phải là bạn hay không? Nhưng trong tháng Ramadan của người Hồi giáo, tất cả đều là bạn.. Chúng tôi kéo nhau đi bộ ra ngoài theo lời mời của Mostafa để đi ăn tối.
Nhà hàng nằm trên nóc của tòa nhà trụ sở báo chí, nơi các phóng viên Cairo thường tới tụ tập:
Thức ăn được dọn ra sẵn sàng chờ đến thời điểm 7h tối, lúc tất cả mọi người được phép bắt đầu ăn uống. Mọi người ở các bàn xung quanh nói chuyện bàn tán sôi nổi trong một bức tranh thú vị: người cầm sẵn dao trên tay, kẻ cầm nĩa, người rót nước uống đầy ra cốc chỉ chờ tiếng chuông nhà thờ báo hiệu 7 giờ là... "a lê hấp"...
Có một người bạn địa phương là một bảo vật vô giá vì hắn ta sẽ cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin hữu ích từ thời tiết, chính trị, kinh tế tới nhà hàng ngon giá rẻ v.v… trừ một điều… hắn không biết nhiều về xe gắn máy và khuyên tôi không nên thử vì “Đây là Châu Phi, là Ai Cập. Mọi thứ ở đây rất khác”. Xứ sở của “Nghìn lẻ một đêm” rất nhiều điều bí ẩn thường cười nhạo khi tôi cố đem kinh nghiệm trước đây của mình ra để dự đoán hay giải thích nó…
.
Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015
KÝ SỰ AI CẬP.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét