VÌ SAO APPLE KHÔNG CÓ CƠ HỘI NÀO ĐỂ PHẢN BÁC LẠI YÊU CẦU TRẢ TIỀN TÁC QUYỀN CỦA TAYLOR SWIFT?
Taylor Swift,
25 tuổi, vừa trở thành một trong những nữ doanh nhân "quyền lực" nhất
nước Mỹ. Chỉ bằng một bài post trên mạng xã hội Tumblr về việc Apple không chịu trả tiền cho các nghệ sĩ trong giai đoạn 3 tháng dùng thử của Apple Music,
cô đã khiến hãng phải thay đổi chính sách của mình. Điều đáng nói,
Swift không phải là người đầu tiên lên tiếng chỉ trích về điều này mà đã
từng có các hãng thu âm độc lập khác phàn này về chuyện tương tự. Tuy
nhiên, nhờ có sức hút xã hội cực mạnh (chỉ riêng tài khoản Twitter của
cô đã có đến 60 triệu người theo dõi), một mình Taylor Swift đã có thể
hướng sự chú ý của cả thế giới về chính sách của Apple, điều mà trước đây không thể xảy ra.
Không lâu sau khi bài viết của Swift xuất hiện, Apple - công ty lớn nhất
thế giới tính đến thời điểm hiện tại - lập tức phản hồi bằng một thông
điệp tích cực. Eddy Cue, phó chủ tịch chịu trách nhiệm về phầm mềm và
dịch vụ Internet cho hãng, cũng là người đứng đầu bộ phận âm nhạc, được
cho là đã tự mình gọi điện cho Swift để bàn giải pháp khắc phục. Sau đó,
Cue viết lên Twitter về vấn đề này và tag tài khoản của Taylor vào.
"Chúng tôi đã nghe thấy các bạn, taylorswift13 và cả những nghệ sĩ độc
lập khác. Thân mến, Apple".
Câu chuyện khá là ấn tượng đúng không nào?
Nhất là khi chúng ta nhớ lại rằng đây thường không phải là cách mà Apple từng xử lý những vụ "khủng hoảng" tương tự.
Chỉ vài năm trước, đồng sáng lập kiêm CEO Steve Jobs chính là người nắm
át chủ bài trong tay - ông không lo ngại khi dùng sản phẩm của mình để
chống lại cả ngành âm nhạc rộng lớn trên toàn thế giới. Thế mà giờ đây,
Swift, chỉ bằng một bài post, đã có thể "bắn hạ" Apple Music một cách nhanh chóng.
Apple từng từ chối tăng giá bán nhạc trên iTunes
Ngày 9/1/2001, tức là 14 năm trước, Apple chính thức ra mắt kho nhạc
iTunes Music Store với lời hứa mang lại sự tiện lợi và giá rẻ cho người
tiêu dùng, trong khi các hãng thu âm và nghệ sĩ thì không còn đối mặt
với tình trạng mất tiền do nhạc lậu nữa.
Nhưng chỉ 2 năm sau, các hãng thu âm và nghệ sĩ bắt đầu lên tiếng, họ
muốn Apple tăng giá bán nhạc trên iTunes lên cao hơn so với mức mặc định
0,99$. Tất nhiên, Apple không đồng ý, và mức 0,99$ vẫn còn duy trì cho
đến tận bây giờ. Năm 2005, Steve Jobs từng lên tiếng: "Các hãng thu âm
đang kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán nhạc trên iTunes so với việc
họ bán CD. Nếu họ muốn tăng giá thì họ đang tỏ ra tham lam."
Lần đó, Apple có thể đứng vững với chính sách của mình. Khi ấy, nền âm
nhạc đang bị chia cắt mạnh mẽ cũng như những tổn hại to lớn đến từ việc
bị dùng lậu tác quyền số hóa, trong khi một dịch vụ cung cấp nhạc nổi
tiếng lúc bấy giờ là Napster lại đang gặp khó khăn. Thế là iTunes nghiễm
nhiên trở thành một giải pháp thay thế hợp lý và hoàn toàn hợp pháp để
phổ biến nhạc ra thế giới. Cũng nhờ vào chính sách giữ giá bán rẻ như
thế này đã góp phần vào sự thanh công của iPod để đưa nó trở thành một
trong những chiếc máy nghe nhạc phổ biến nhất và mang tính biểu tượng
nhất thế giới.
Một thập kỷ sau, Apple đã phát triển thành một công ty giàu có với giá
trị thị trường lên tới 726 tỉ USD, đứng hàng đầu thế giới. Và với bối
cảnh như thế này, nếu Apple không chịu chi tiền cho các nghệ sĩ, thì
chính hãng lại trở thành kẻ tham lam.
Đây cũng là điều mà Taylor Swift nhận thấy khi cô lên tiếng chỉ trích
trong bài post của mình. "Tôi cảm thấy sốc, thất vọng và hoàn toàn không
thích công ty này, vốn có lịch sử hoạt động rất tiến bộ và hào phóng...
Nhưng tôi nói với Apple bằng tất cả sự tôn trọng rằng hiện vẫn chưa quá
trễ để thay đổi chính sách của các vị và thay đổi suy nghĩ của cả ngành
công nghiệp, những người sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc và nghiêm trọng bởi
chính sách này. Chúng tôi không yêu cầu các vị cho chúng tôi iPhone miễn
phí. Do đó, xin đừng yêu cầu chúng tôi cung cấp nhạc mà không được nhận
lại đồng nào", Taylor cho biết. Cô thậm chí còn cân nhắc việc không đưa
album "1989" nổi tiếng của mình lên Apple Music.
Nếu Apple tiếp tục không đồng ý trả tiền, hãng sẽ bị nhìn nhận như một
gã khổng lồ chậm chạp tiến vào thị trường stream nhạc trực tuyến mà lại
còn bị mất đi một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới vào thời
điểm này. Tình hình tất nhiên là không tốt cho Apple, nó sẽ phủ lên một
gam màu ảm đạm khi Apple Music bắt đầu triển khai vào tuần tới, sản phẩm
âm nhạc lớn nhất của công ty tính từ thời iTunes ra đời đến nay.
Thông qua việc gật đầu đồng ý chi trả cho Taylor Swift cũng như các ca
sĩ độc lập, Apple đã và sẽ kể về một câu chuyện mà hãng đã giúp các nhạc
sĩ kiếm được doanh thu thông qua dịch vụ "công bằng" của mình.
David Pakman, một nhà đầu tư mạo hiểm thuộc công ty Venrock và cũng là
cựu CEO của eMusic, nhận xét: "Apple thấy được lợi thế khi có được sự
tham gia của nhiều nghệ sĩ, nhất là những người có tiếng nói, cũng như
các hãng thu âm, trong việc hỗ trợ cho nỗ lực âm nhạc của mình. Trong
bối cảnh hãng cung cấp cả việc download lẫn stream nhạc, ngay cả khi
Apple nắm 100% thị phần và có nhiều quyền lực thì hãng cũng chẳng được
gì nếu không thuận theo cộng đồng nhạc khi nói về chuyện chi trả".
Taylor Swift, một "thế lực" đáng dè chừng
Theo Tim Bajarin, một nhà phân tích chuyên về Apple đến từ hãng nghiên
cứu Creative Strategies, cho hay rằng trước đây, chỉ có The Beatles mới
có thể vươn cao hơn quyền lực của Steve Jobs. Nhưng với Taylor Swift thì
khác, khi cô quyết định không cung cấp nhạc của mình lên Spotify - một
trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Apple Music - hồi năm ngoái,
điều đó đã thu hút sự quan tâm của giới truyền thông khắp mọi nơi. Và
nếu cô cũng không đưa nhạc của mình lên Apple Music thì điều đó càng
khiến Music mất đi lợi thế cạnh tranh quan trọng.
Nói về chuyện chi trả, Apple không tiết lộ cụ thể số tiền mà công ty trả
cho các nghệ sĩ là bao nhiêu, chúng ta chỉ biết nó có thể lên đến tối
đa 70% doanh thu. Tuy nhiên, phó chủ tịch Cue có nói trong một cuộc
phỏng vấn rằng số tiền mà công ty trả cho các hãng thu âm trong giai
đoạn thử nghiệm miễn phí 3 tháng sẽ khác với số tiền sau khi người dùng
bắt đầu đóng cước hằng tháng. Chính sách này nhiều khả năng cũng sẽ tiếp
tục được áp dụng cho các ca sĩ đơn lẻ và độc lập.
Apple Music (trái) và Spotify (phải)
Chúng ta còn biết thêm rằng Apple Music trả tiền tác quyền nhiều hơn so
với các đối thủ của mình, tính luôn cả Spotify, bởi vì hãng không có lựa
chọn miễn phí cả (thời gian 3 tháng cũng chỉ là xài thử mà thôi, sau đó
muốn dùng tiếp thì người dùng buộc phải trả tiền).
Quay trở lại với Taylor Swift, vì sao việc dọa không mang album 1989 lên
Apple Music sẽ gây ra ảnh hưởng xấu? Bởi vì Taylor Swift có rất nhiều
fan, đa phần là những người trẻ tuổi - cũng là nhóm người dùng chính sẽ
tiếp cận với Apple Music - và cô có thể nói họ tiếp tục mua album của
mình thông qua một dịch vụ download nhạc nào đó, như iTunes chẳng hạn.
Lúc đó thì tiền vẫn về với Swift, trong khi Apple Music thì lại mất đi
một nguồn doanh thu đáng kể. Nhưng nghiêm trọng hơn chính là các đánh
giá tiêu cực nhắm vào Music trong dài hạn, danh tiếng của Apple cũng
theo đó mà bị kéo xuống và làm tổn hại ít nhiều đến mối quan hệ của công
ty với các nhà phát hành lẫn giới nghệ sĩ.
Tạm kết
Tính đến thời điểm này, chúng ta có đến 2 người thắng cuộc: Swift được
xem như người đã lên tiếng giùm cho cả nền công nghiệp và lấy được tiền,
trong khi Apple thì chuyển những ánh mắt tiêu cực trở thành một cơ hội
quảng bá cực kì tốt ngay trước khi Apple Music ra mắt vào hôm 30/6 tới
đây. Theo như lời Bajarin thì "Taylor đã mang nhiều ánh sáng đến cho
Apple Music và nhiều khả năng mọi người sẽ thử qua nó. Theo một cách nào
đó, thì đây là tình huống win-win cho cả đôi bên".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét