Các phương tiện giao thông kẹt cứng ở khu vực cầu Chà Và, Q.8, TP.HCM chiều 14-1 - Ảnh: Thuận Thắng |
Ông Trần Ngọc Phát - người dân ở Q.7 - cho biết gần một năm nay, việc ra vào trung tâm TP ngày càng khó khăn hơn, quá nhiều xe từ khu Nam Sài Gòn đổ vào trung tâm TP, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều.
Ông Phát còn nói không chỉ riêng khu Nam Sài Gòn, nếu đi từ miền Tây lên hoặc đi từ Tây Ninh về thì kẹt xe là chuyện bình thường. Đi từ hướng Bình Chánh về cũng vậy.
Những cây cầu ngáng cửa khu Nam Sài Gòn
Khu vực ngoại thành phía nam Sài Gòn (Q.7, Q.4, Q.8, huyện Bình
Chánh, Nhà Bè...) và trung tâm bị ngăn cách bởi kênh Tàu Hủ - Bến Nghé,
kênh Đôi, kênh Tẻ. Trong những năm gần đây, nhiều cây cầu để kết nối vào
khu trung tâm được xây dựng giúp người dân rút ngắn khoảng cách đi lại.Tuy nhiên, những tuyến đường kết nối lên cầu chưa được mở rộng tương xứng, việc tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, cộng với tốc độ phát triển nhanh của các khu dân cư phía nam Sài Gòn khiến những cây cầu bắc qua kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tẻ đang dần bị quá tải và trở thành nỗi ám ảnh của người dân vào mỗi giờ cao điểm sáng và chiều.
Cầu Chà Và nằm gần cuối kênh Tàu Hủ (nối giữa Q.5 và Q.8) luôn có mật độ xe cộ qua lại rất đông. Khoảng 17g30 ngày 13-1, ở khu vực cầu Chà Và (phía Q.8), xe cộ phải nhích từng chút. Tại chân cầu có ba cảnh sát giao thông đứng hướng dẫn, phân luồng xe nhưng tình trạng ùn ứ vẫn không giảm.
Càng về chiều, lượng xe phía Q.5 đi qua cầu Chà Và để về hướng Q.8 càng đông. Làn đường phía Q.5 và mặt cầu Chà Và rộng hơn 10m (một chiều lưu thông) nhưng phía Q.8 mặt đường chỉ rộng 5-6m, tạo thành nút thắt cổ chai ngay dưới chân cầu.
Đó là chưa kể khi xe đổ dốc cầu thì không thẳng mà phải đột ngột quẹo phải vào đường Cao Xuân Dục (Q.8) để tiếp tục đi về hướng cầu Nhị Thiên Đường.
Ngoài lượng xe máy, ôtô rất lớn phía Q.8 và huyện Bình Chánh ra vào trung tâm TP, hàng trăm chuyến xe buýt có điểm cuối tại bến xe Q.8 đều đi qua cầu Chà Và, góp phần làm giao thông tại khu vực này ùn tắc nặng hơn.
Cách cầu Chà Và khoảng 1km là cầu Nguyễn Tri Phương. Vào giờ cao điểm, dù trên cầu thông thoáng nhưng đường dẫn lên cầu (phía Q.8) lại thường xảy ra cảnh xếp hàng rồng rắn. Nguyên nhân là có một chốt đèn tín hiệu giao thông nằm ngay dưới chân cầu Chánh Hưng (nằm gần cầu Nguyễn Tri Phương).
Tại đây thường xuyên xảy ra xung đột giao thông giữa xe từ trên cầu Chánh Hưng xuống và xe chạy trên đường Hưng Phú, gây kẹt xe dây chuyền đến cầu Nguyễn Tri Phương.
Cũng bắc ngang kênh Tàu Hủ, cầu Chữ Y (nối Q.5 - Q.8) có tổ chức giao thông khá phức tạp. Từ Q.5 qua Q.8, ra đến giữa cầu thì có một nhánh quẹo phải xuống P.8 (Q.8) và một nhánh chạy thẳng xuống P.3 (Q.8).
Người dân cho biết vào những lúc không có lực lượng chức năng điều tiết giao thông, trên cầu cũng thường xảy ra ùn ứ. Giờ cao điểm có thể mất hàng chục phút để đi qua cây cầu dài vài trăm mét này.
Còn cầu Nguyễn Văn Cừ phía Q.1 có tuyến đường Trần Hưng Đạo cắt ngang dưới chân cầu. Do đó vào mỗi buổi sáng, dòng xe bị chặn đứng tại giao lộ này và kéo dài lên đến giữa cầu.
Buổi chiều, đường Dương Bá Trạc (Q.8) cũng thường xuyên bị kẹt xe do những con đường nhỏ và hẻm cắt ngang tuyến đường này không có đèn tín hiệu dẫn đến cầu Nguyễn Văn Cừ.
Bà Nguyễn Thị Hiền (nhà ở Q.8) cho biết cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.8 - Q.5) chỉ thông thoáng được mấy năm kể từ khi khánh thành. Còn bây giờ chiếc cầu này trở nên quá chật chội, ngày nào cũng xảy ra ùn ứ xe.
Sơ đồ một số cây cầu trên kênh Tàu Hủ và kênh Đôi thường xuyên kẹt xe - Đồ họa: Việt Anh |
Chờ dự án
Quốc lộ 1 đi về miền Tây (huyện Bình Chánh) từ nhiều năm nay trở
thành điểm ùn tắc giao thông nặng. Dù có dự án mở rộng đường, mở thêm
đường nối thẳng vào đường dẫn đường cao tốc... nhưng đến nay vẫn im lìm
và tuyến quốc lộ 1 vẫn “oằn mình” ngày ngày chịu cảnh quá tải.Được đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương “chia lửa” nhưng ở quốc lộ 1, bắt đầu từ đoạn nút giao đường Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 đến giáp tỉnh Long An, mặt đường tại đây chỉ khoảng 9m nên cửa ngõ đi miền Tây luôn trong tình trạng chật ních xe cộ.
Ở khu vực này, dự án đại lộ Đông Tây vẫn chưa được kết nối vào đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Lúc đầu TP dự kiến đầu tư xây dựng công trình này, sau đó do thiếu vốn dự án được bàn giao về Bộ Giao thông vận tải.
Hiện Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa bố trí vốn đầu tư dự án này do TP chưa triển khai công tác đền bù giải tỏa. Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 50 đoạn từ Q.8, huyện Bình Chánh đến giáp ranh tỉnh Long An nhằm giảm áp lực giao thông cho tuyến quốc lộ 1 cũng thiếu vốn và chậm triển khai.
Ở cửa ngõ tây bắc TP.HCM, đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) đang bị quá tải từ nhiều năm nay. Đều đặn sáng từ 6g30 đến gần 8g hằng ngày, tuyến đường này ken đặc các phương tiện hướng vào trung tâm TP.
Đi từ cầu Tham Lương đến nút giao thông Lăng Cha Cả và đến ngã tư Bảy Hiền có khi phải mất hàng giờ đồng hồ. Mới đây, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 vừa kiến nghị Sở GTVT TP.HCM bố trí 12,5 tỉ đồng để cải tạo mặt đường Trường Chinh, đoạn từ Xuân Hồng đến Cộng Hòa (Q.Tân Bình) để sửa chữa, nâng cấp một số đoạn đường ở cửa ngõ này.
Tuy nhiên, theo nhiều người dân trên tuyến đường này, chỉ có những dự án lớn, mở rộng mặt đường hoặc làm đường trên cao mới giải quyết được tình trạng kẹt xe ở cửa ngõ này.
Hiện nay, tại cửa ngõ phía tây bắc TP từ quốc lộ 22 vào trung tâm TP có hai điểm ùn tắc giao thông nặng nề. Một là nút giao thông An Sương là điểm giao giữa quốc lộ 1 với quốc lộ 22 và đường Trường Chinh. Sở GTVT đã nhiều lần điều chỉnh phân luồng giao thông ở nút giao này nhưng cũng chỉ cải thiện một phần.
Để giải quyết ùn tắc giao thông tại đây, Khu quản lý giao thông đô thị số 3 lập dự án đầu tư xây dựng hai hầm chui dưới cầu vượt An Sương theo hướng Trường Chinh - quốc lộ 22. Đến nay, do thiếu vốn nên dự án này chưa được triển khai. Hai là nút giao thông Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.
Tại khu vực này, đường Trường Chinh đoạn từ Cộng Hòa đến Quốc lộ 1 rộng 60m cho 10 làn xe lưu thông nhưng đường Trường Chinh bị “thắt cổ chai” đoạn từ Cộng Hòa đến Âu Cơ chỉ còn bốn làn xe.
Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã lập dự án đầu tư mở rộng nút giao thông này, nhưng dự án đình trệ hơn bốn năm nay vì chưa có vốn đầu tư.
“Điểm đen”
Nhiều người dân ở Q.8 còn bức xúc việc xây dựng cầu Nhị Thiên
Đường 2 nhưng không xây mới cầu Nhị Thiên Đường 1 đã xuống cấp. Từ nhiều
năm nay, cơ quan chức năng phải “xẻ” một phần ba cầu Nhị Thiên Đường 2
dành cho ôtô có tải trọng lớn lưu thông, cầu cũ chỉ cho ôtô nhỏ. Việc
này dẫn đến kẹt xe luôn xảy ra ở cầu Nhị Thiên Đường 2.Trong các cây cầu nối từ vùng Nam Sài Gòn vào trung tâm TP, cầu Kênh Tẻ là cây cầu xảy ra tình trạng kẹt xe dữ dội nhất do mặt cầu hẹp. Hầu như buổi sáng nào cũng bị kẹt xe từ 6g30 đến khoảng 8g. Ngoài ra, lượng ôtô từ khu dân cư Trung Sơn (Bình Chánh) đổ vào khu trung tâm đông cũng là nguyên nhân gây kẹt xe tại cây cầu này. Riêng cầu Khánh Hội là cây cầu nằm phía đầu kênh Bến Nghé, nối Q.1 và Q.4. Cây cầu khá rộng và có lối đi dành cho người đi bộ nên rất ít khi xảy ra kẹt xe trên cầu. Thế nhưng, đường Nguyễn Tất Thành - đường dẫn lên cầu phía Q.4 - lại chưa được nâng cấp, khiến đoạn đường dài khoảng 2km này lại trở thành “điểm đen”. |
Điệp khúc thiếu vốn
Trả lời về áp lực giao thông đang gia tăng từ hướng Nam Sài Gòn
vào trung tâm TP, ông Lê Quyết Thắng - giám đốc Khu quản lý giao thông
đô thị số 1 - cho biết trong quy hoạch giao thông TP đã có các dự án xây
dựng cầu Kênh Tẻ 2, cầu Nhị Thiên Đường 1 và cầu Ông Lãnh 2. Thế nhưng
vấn đề chính là thiếu kinh phí đầu tư xây dựng các cầu này.Tương tự, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP cho biết đang nghiên cứu xây dựng cầu Kênh Tẻ 2 để giảm áp lực giao thông ở cầu Kênh Tẻ hiện hữu. Sở cũng đang tính toán dự án mở rộng trục đường Bắc Nam đoạn từ đường Hoàng Diệu đến đường Nguyễn Văn Linh nhưng nguồn vốn ngân sách còn hạn chế nên chưa thể đầu tư xây dựng. Cuối tháng 9-2010, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo UBND Q.8 tập trung phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai, khởi công dự án xây cầu Bình Tiên vào tháng 10-2010. Dự án cầu đường Bình Tiên có tổng chiều dài 3,2km gồm điểm đầu tuyến là nút giao thông đường Bình Tiên và Phạm Văn Chí (Q.6), điểm cuối tuyến là đại lộ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Thế nhưng, suốt hơn bốn năm qua dự án này vẫn nằm trên giấy. Quốc lộ 13 - cửa ngõ phía đông TP.HCM - cũng thường xuyên xảy ra các vụ ùn ứ xe kéo dài hàng chục phút. Cửa ngõ này là tuyến đường chính vào bến xe Miền Đông và bị đường sắt Bắc - Nam cắt ngang nên các vụ ùn ứ xảy ra vào nhiều thời điểm trong ngày. Đến nay công trình nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13 (cửa ngõ nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương) - một thành phần của dự án nâng cấp và mở rộng cầu Bình Triệu 2 kéo dài đến 10 năm mà chưa triển khai được. Theo Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, nguyên nhân chính là kinh phí đền bù giải tỏa của dự án quá lớn, lên đến hơn 5.000 tỉ đồng. CII phải chia dự án ra làm nhiều tiểu dự án để từng bước đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 13. |
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét