Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

ĐƯỜNG BIÊN GIỚI GIÚP BẠN "XUYÊN QUỐC GIA" CHỈ TRONG VÀI PHÚT

Nhiều chuyên gia cho rằng, đường biên giới không phải là biểu tượng của rắc rối mà chúng lại tạo điều kiện giúp cuộc sống chúng ta thêm phần thú vị.

Nhiều quốc gia ngày nay đang phân chia ra thành vô số các đất nước nhỏ: Ukraine gặp vấn đề tranh chấp lãnh thổ, Moldova gặp vấn đề với quốc gia ly khai, Libya bùng nổ nội chiến, Sudan bị chia đôi...

Với mỗi đất nước bị chia tách như vậy, chúng ta có thêm hàng chục những đường biên giới mới. Phải chăng đường biên giới xuất hiện như là bằng chứng sự thất bại của loài người trong việc sống hòa hợp cùng nhau?

Những đường biên giới mới nảy sinh này được cho là biểu hiện của các cuộc đấu tranh, các trận chiến và sự chia tách. Tuy nhiên, có chuyên gia lại đưa ra một cách nhìn khác. Theo đó, các đường biên giới không phải là biểu tượng của rắc rối mà chính chúng lại tạo điều kiện giúp cuộc sống chúng ta thêm phần thú vị. Chúng có thể là biểu tượng của sự vui vẻ.

Một ví dụ được đưa ra đó là đường biên giới Bỉ - Hà Lan độc đáo mà ở đó các ngôi nhà, con đường và hàng quán đều được phân chia bởi những đường biên giới đi xuyên qua.

Bản đồ khu vực và phần lãnh thổ - màu vàng thuộc Bỉ, màu trắng thuộc Hà Lan (nguồn: Google Map).
Nhìn vào bản đồ chung của cả ngôi làng người ta có thể dễ dàng nhận ra sự kì lạ trong việc phân chia ranh giới tại đây. Những phần màu vàng thuộc về Bỉ trong khi đó, những phần màu trắng lại là đất của người Hà Lan.

Hai vùng đất này xen kẽ lẫn nhau như một bát kẹo hai màu hay một bản vá lỗi. Các “khu vực” nhỏ lớn khác nhau được phân chia bằng nhiều đường vạch trắng. Khu vực lớn nhất rộng 1,54km vuông, còn khu vực nhỏ nhất là một cánh đồng trống chỉ rộng 2,6m vuông.


Ngược dòng về lịch sử thì vào thời Trung cổ, nhiều nước châu Âu cũng tồn tại kiểu phân chia kì lạ như thế này. Do nhiều cánh đồng và khu rừng từng thuộc về hoàng tử nên khi họ cưới một công chúa nước láng giềng và làm vua ở đó, “quốc tịch” của những mảnh đất này cũng đổi theo.

Sau đó, họ lại chiếm thêm đất, đẻ thêm hoàng tử và những hoàng tử này lại thay đổi quyền sở hữu đất đai. Điều này khiến cho chủ quyền đất đai thời đại này được chuyển giao vô số lần và dễ dàng trở thành một đống hỗn lộn. Những bản đồ hình bàn cờ khá phổ biến vào thời đó.


Nhưng sau này vào thời kỳ Phục Hưng và thời đại Khai sáng, các hoàng tử đã nhượng lại đất đai cho nhà vua. Đất sau đấy thuộc sự quản lý của luật pháp và các nghị viện.

Các quốc gia từ đó củng cố và xóa bỏ những đường biên giới lằng nhằng bên trong nhằm bảo vệ đất nước chống lại các mối đe dọa bên ngoài. Những địa phương khác biệt bị sáp nhập bằng cách đàn áp hoặc xóa hẳn trên bản đồ.


Nhưng điều mọi người đều dễ dàng nhận thấy là nguyên tắc trên đã không được áp dụng. Vào thời kỳ vua Napoleon, các thị trấn đều bị ghép gọn vào quốc gia này hay quốc gia khác, cùng với đó, đường biên giới được thắt chặt.

Tuy nhiên có vẻ như vì một lý do thần bí nào đấy mà hai thị trấn Baarle-Nassau (Hà Lan) và Baarle-Hertog (Bỉ) đã thoát khỏi “cuộc sáp nhập”. Nhiều người cho rằng, có lẽ đó là vì hai thị trấn này quá nhỏ, hay chúng không đủ quan trọng để quan tâm đến. Dù với bất kỳ lý do nào thì chúng đều đã “sống sót” và trở thành “minh chứng cho những đường biên giới thời Trung cổ - thế kỷ XII”.

Vào năm 1959, một nhà buôn gia súc người Bỉ có tên là Sooy Van den Eynde đã kiện nhằm đòi lại một “khu vực” của Hà Lan về cho nước Bỉ. Sau đó tại phiên tòa, cùng với phán quyết có lợi cho mình, ông đã giành về cho nước mình một khoảng đất rộng 12ha. Sự kiện này đã làm nổi lên một vấn đề về việc quản lý.

Để tránh những kiện tụng có thể xảy đến trong tương lai, một ủy ban biên giới đã được thành lập để xem xét và kiểm soát tất cả các khu vực cũng như những đường biên giới nhỏ nhất.


Đó không phải là vấn đề duy nhất. Các đường biên giới to nhỏ khác nhau được vẽ khắp nơi khiến người ta đặt ra câu hỏi về việc phân chia ranh giới. Những câu hỏi như “đường biên giới này rộng bao nhiêu?”, “nếu có một người tìm ra một kho báu (như một chiếc vòng cổ bị chôn vùi hay một tách trà đẹp) giữa đường biên giới thì nó sẽ thuộc về Hà Lan hay là Bỉ?”, “một căn nhà bị đường biên giới cắt ngang thì sẽ thuộc về nước nào?” được đưa ra thường xuyên.


Theo phong tục của vùng này thì một căn nhà sẽ giữ quốc tịch của nước mà cửa chính của nó nằm trên phần đất của nước ấy. Phong tục này cũng tạo điều kiện cho người ở đây có thể dễ dàng “đi ra nước ngoài” hay “đổi quốc tịch” của mình.


Một điều thú vị trước đây là khi mức thuế tại Hà Lan cao lên, người dân ở đây có thể dễ dàng chuyển sang Bỉ sống và chỉ cần... đổi vị trí cửa chính. Nhưng ngày nay, khi mà cả Bỉ và Hà Lan đều chịu chung mức thuế của Liên minh châu Âu thì thay vì mang ý nghĩa nghiêm trọng, những đường biên giới này lại giống một... trò chơi.


Trên nhiều tuyến phố, biên giới được đánh dấu bằng sơn trắng trên vỉa hè và ghi rõ địa phận hai nước. Các ngôi nhà cũng có treo cờ nước mình hoặc gắn cờ ngay trước cửa nhà để chắc chắn bạn không đi nhầm “nước”.

Việc sắp xếp các đường biên giới lộn xộn như vậy cũng đôi khi trở thành một trò vui khi mà bạn có thể đi qua 4/5 biên giới quốc gia chỉ trong vòng... vài phút đồng hồ.


Cả hai thị trấn này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới bởi họ tin, đây là một ví dụ sống của bản đồ phức tạp thời Trung cổ. Không chỉ có vậy, hai thị trấn này đại diện cho hai đất nước, hai nền văn hóa với hai lịch sử khác nhau nhưng lại chia sẻ chung một mảnh đất thay vì tránh xa nhau - đó chính là một thành tựu lớn.

Bạn có biết, không chỉ có đường biên giới Bỉ - Hà Lan mà trên thế giới còn có vô số những đường biên giới "không bình thường"? Click vào đây để ghé thăm những đường biên giới độc lạ, có 1-0-2 này!

* Bài viết dựa trên quan điểm của Robert Krulwich, đăng trên chuyên trang khoa học NPR.

(Bích Đào)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét