Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

NGƯỜI DÂN LO SỢ THUỐC TIÊU HOÁ MOTILIUM CÓ NGUY CƠ GÂY ĐỘT QUỴ

(ĐSPL) - Loại thuốc chuyên về dạ dày cho người lớn và cả trẻ em đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, thế nhưng các thông tin nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy, chúng có chứa các nguy cơ gây rối loạn nhịp tim và đột tử.
Các chuyên gia trong lĩnh vực thuốc cho rằng, không nên hoang mang trước thông tin này nhưng cũng phải thận trọng.
Người dân lo sợ thuốc tiêu hoá Motilium có nguy cơ gây đột quỵ - Ảnh 1
Hầu hết các nhà thuốc tại Việt Nam đều có bán loại thuốc này vì không nằm trong danh mục cấm của Cục Quản lý dược.
Khuyến cáo nên cấm
Theo thông tin tìm hiểu của chúng tôi thì hoạt chất domperidone rất phổ biến trên thế giới và ngay cả Việt Nam với tên gọi là Motilium do hãng Janssen Cilag của Mỹ sản xuất. Hoạt chất này thường dùng trong điều trị bệnh ở đường tiêu hóa (trào ngược dạ dày thực quản; đầy bụng...), với dạng viên uống. Tuy nhiên, báo cáo chuyên về y tế tại Pháp cho biết, trong năm 2012, ước tính tại nước này đã có khoảng 25 - 120 trường hợp đột tử do tác dụng phụ của domperidone. Hoạt chất này có thể tăng nguy cơ làm rối loạn nhịp tim. Trước nguy cơ này, cơ quan chuyên về y tế của Pháp và các nước châu Âu đang khuyến cáo nên cấm hoạt chất này.
Ông Nguyễn Trí Cương, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Âu cho biết, tôi cũng mới biết được loại thuốc này có những nguy cơ gây đột quỵ. Theo thông tin mà tôi mới có được, những năm 80 của thế kỷ trước, Pháp đã từng cấm lưu hành loại hoạt chất này. Và mới đây, cơ quan quản lý dược phẩm của nước này cũng đã khuyến cáo các bác sỹ phải chú ý tới việc domperidone có nguy cơ làm tăng rối loạn nhịp tim và gây đột tử. Đặc biệt là đối với nhóm người có độ tuổi trên 60. Hiện nay, Pháp cũng đang cân nhắc việc cấm loại hoạt chất này hoặc ít nhất cũng phải tính đến phương án hạn chế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thuốc domperidone được khuyến khích sử dụng trong các vấn đề của đường tiêu hóa. Tuy nhiên, nó cũng được xem là cứu cánh cho những bà mẹ thiếu sữa cho con và áp lực phải duy trì một nguồn cung cấp sữa đầy đủ cho bé. Vì nó có thể kích thích tiết sữa giúp các bà mẹ có nhiều sữa cho con bú. Ở Mỹ và Canada, loại thuốc này bị cấm sử dụng cho tác dụng này, tuy nhiên, nó vẫn được bán một cách lén lút. Học viện Nhi khoa Mỹ đã từng đưa ra cảnh báo chống lại việc sử dụng domperidone do tác dụng phụ về tim mạch.
Theo chỉ định của loại thuốc này thì dùng cho các trường hợp: Cảm giác đầy bụng, mau no, căng tức bụng, đau bụng trên; đầy bụng, đầy hơi, ợ hơi; buồn nôn, nôn - Nóng bỏng sau xương ức có hoặc không kèm theo chất ợ chứa trong dạ dày lên miệng. Bên cạnh đó còn có: Buồn nôn và nôn do cơ năng, thực thể nhiễm trùng hoặc chế độ ăn hoặc nôn do thuốc hoặc do xạ trị. Chỉ định cho buồn nôn và nôn gây ra do thuốc đồng vận dopamin dùng ở bệnh nhân bệnh Parkinson...
Dù vậy, trong phần ghi tác dụng phụ, hãng thuốc này cũng không hề ghi chú tới "có nguy cơ làm rối loạn nhịp tim hay đột quỵ". Cụ thể, họ chỉ ghi "tác dụng phụ rất hiếm, vài trường hợp co thắt ruột thoáng qua được ghi nhận. Trong những trường hợp hiếm gặp này, sự tăng prolactin trong máu có thể gây ra hiện tượng liên quan nội tiết - thần kinh như chứng vú to, sự tăng tiết sữa bất thường. Khi hàng rào máu não chưa trưởng thành (như trẻ nhũ nhi) hoặc bất thường, tác dụng phụ thần kinh trung ương không hoàn toàn được loại trừ. Hiếm gặp các trường hợp dị ứng, như là phát ban và nổi mề đay. Thông báo cho bác sỹ những tác dụng phụ không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc".
Người dân hoang mang
Trước thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với một bác sỹ tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương và ông cho biết, thuốc này được dùng phổ biến tại Việt Nam, tuy nhiên các tác dụng phụ của nó có thể làm tăng nguy cơ gây rối loạn tim mạch và đột tử thì vẫn chưa có thông tin. Ngoài chuyên gia này thì hầu như các nhà thuốc tại TP.HCM cũng ít người biết đến thông tin này. Cụ thể, trong ngày 21/2/2014, trước thông tin thuốc chống nôn Motilium gây đột tử, chúng tôi đã đến các nhà thuốc để tìm hiểu thêm về sự việc này. Dạo quanh các nhà thuốc trên đường Thành Thái và Lý Thường Kiệt, Nguyễn Giản Thanh (Q.10, TP.HCM), nơi cung cấp thuốc sỉ và lẻ cho khắp nơi trên cả nước để tìm hỏi mua loại thuốc này. Khi vào các nhà thuốc nào, chúng tôi hỏi những người bán về thông tin thuốc chống nôn Motilium có thể gây đột tử, thì họ không hề hay biết gì về thông tin này, và thuốc Motilium vẫn được mua bán dễ dàng trên thị trường.
Tại nhà thuốc N.T., trên đường Nguyễn Giản Thanh (Q.10) một nhân viên cho biết, thuốc này không cấm lưu hành nên vẫn bán bình thường cho các đại lý, người dân có nhu cầu. Theo đó, loại hộp 100 viên, với giá 220 ngàn đồng, bởi vì loại thuốc này không có trong danh mục cấm lưu hành của cục Quản lý dược, bộ Y tế. Ngoài khu vực trên thì hỏi bất kỳ nhà thuốc nào trên địa bàn TP.HCM đều có bán loại thuốc này. Trên đường Bà Triệu, huyện Hóc Môn, chúng tôi vào nhà thuốc M.A. khi được hỏi thì cô bán thuốc nói có bán. Chúng tôi cũng gọi điện thoại cho một nhà thuốc tại huyện Cai Lậy, Tiền Giang và được nhân viên cho biết, thông tin này hoàn toàn cũng không biết. Thuốc này được bán thông dụng. Trường hợp đột quỵ có thể là do tình cờ người bệnh uống phải thuốc và gặp một số nguyên nhân khác. Còn thuốc này không ghi tác dụng phụ bị gây rối loạn nhịp tim và đột quỵ.
Còn ở góc độ người dân, chị Lê Thị Hoa, ngụ tại Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, bác sỹ nói con tôi bị trào ngược dạ dày nên mỗi khi ăn vào thường bị ói, uống sữa thường bị ọc ra. Nên trong đơn thuốc, bao giờ, bác sỹ cũng kê cho thuốc Motilium dạng siro đầu tiên. Ngoài bác sỹ ở bệnh viện thì bác sỹ tư khi tôi nói triệu chứng của con tôi thì đều được họ cho thuốc này. Nên khi nghe thông tin này, tôi cũng hơi hoang mang. Tôi nghĩ, cơ quan y tế cũng nên vào cuộc để có câu trả lời cho người dân yên tâm.
Trước những thông tin trên, một dược sỹ lưu ý khi dùng Domperidone là không dùng thuốc cho các bệnh nhân không dung nạp được với thuốc này. Đặc biệt là với các bệnh nhân đang xuất huyết tiêu hóa, tắc ruột cơ học hoặc thủng tiêu hóa trong việc kích thích vận động dạ dày. Đối với trẻ dưới một tuổi cũng không nên dùng. Bên cạnh đó, cũng không nên dùng chung thuốc này với một trong các thuốc như: fluconazole, clarithromycin, ketoconazol... cũng như các thuốc kháng axit và thuốc giảm tiết axit, vì domperidone có tác động lên vận động dạ dày, nó có thể ảnh hưởng sự hấp thụ các thuốc uống đồng thời, đặc biệt là các thuốc giải phóng hoạt chất kéo dài hoặc thuốc tan tại ruột.
Đang chờ ý kiến chỉ đạo
"Hiện nay, chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo của Cục Quản lý dược. Vì vấn đề này chỉ có Cục Quản lý dược mới có quyền đưa ra cảnh báo hay các khuyến cáo sử dụng thuốc ở phạm vi cả nước thôi. Nhưng mà trước đây, Cục cũng đã khuyến cáo và chúng tôi cũng đã có lưu ý các bác sỹ lưu ý khi sử dụng, ghi nhận tất cả các trường hợp và cảnh báo cho các bệnh nhân có những nguy cơ đó. Còn những thông tin mới nhất trong tuần vừa rồi thì chúng tôi chưa nhận được thêm thông tin gì mới từ Cục Quản lý dược cả", bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc sở Y tế TP.HCM cho biết.
CHÍ THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét