Trong lực lượng hải quân Mỹ trở lại VN tham gia đợt hợp tác hải quân thường niên giữa hai nước tại TP.Đà Nẵng vào trung tuần tháng 4 vừa qua có 2 người VN.
Mai Rocky thi đấu bóng đá giao hữu cùng sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng |
Mai Rocky (31 tuổi) là dân xứ Quảng chính hiệu, trải qua tuổi thơ ở thị trấn Hà Lam, H.Thăng Bình, Quảng Nam đến năm 1996 mới theo gia đình định cư ở Mỹ. Mai kể: “Lúc mới sang, mình học tiếp trung học, sau đó được giới thiệu gia nhập lực lượng hải quân và bắt đầu phục vụ trên tàu USS John S.McCain từ năm 2011”.
Trên tàu USS John S.McCain, Mai mang cấp bậc trung sĩ, đảm nhận nhiệm vụ điều phối thông tin chiến thuật và liên lạc viên. “Công việc của mình là theo dõi hệ thống radar, trao đổi với tàu khác. Mình rất thích nhiệm vụ này vì có thể nói chuyện với nhiều người, có thêm kinh nghiệm giao tiếp khi trao đổi với tàu của nhiều quốc gia khác nhau”, Mai chia sẻ.
Dù đã nhiều lần về thăm VN, nhưng trở lại Cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng) cùng tàu USS John S.McCain lần này với Mai có một cảm xúc rất đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên những người thân của Mai ở thị trấn Hà Lam, H.Thăng Bình, Quảng Nam được lên tận tàu khu trục để thăm Mai. Hôm 9.4 vừa rồi, Mai hào hứng dẫn họ hàng đi quanh tàu xem nơi Mai làm việc, chỗ sinh hoạt để khoe với mọi người một cậu nhóc nghịch ngợm ngày xưa ở thị trấn Hà Lam nay đã trưởng thành như thế nào.
Thiếu tá Nguyễn Thái Sơn tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển tại Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Tú |
Trở lại TP.Đà Nẵng dịp này còn có thiếu tá Nguyễn Thái Sơn (38 tuổi), Phó chỉ huy trưởng đơn vị dự bị hải quân Mỹ. Trong đợt hợp tác hải quân năm 2014, thiếu tá Sơn đóng vai trò sĩ quan hải chiến, làm nhiệm vụ hỗ trợ Ban hành quân lực lượng đặc nhiệm 73, đơn vị hậu cần Tây Thái Bình Dương của hải quân Mỹ. Thiếu tá Sơn có quê ngoại ở Thừa Thiên-Huế, sinh ra tại Sài Gòn và theo gia đình định cư ở Mỹ từ năm 1984. Tốt nghiệp phổ thông, Sơn đăng ký vào Học viện Hải quân.
|
Tuy nhiên, trong giai đoạn học tập và huấn luyện, Sơn gặp không ít khó khăn bởi ngoại hình thấp bé so với các đồng nghiệp. “Nhỏ con là khó khăn thứ nhất nên có những gian khổ, đòi hỏi sức lực nhưng vì đam mê và ý chí, tôi vẫn vượt qua được”, Sơn kể. Sau khi lấy bằng cử nhân, Sơn bắt đầu phục vụ trên tàu khu trục với vị trí sĩ quan hải chiến, nhiệm vụ cụ thể là giảm thiểu, khắc phục thiệt hại trong tình huống bị tấn công. Một thời gian sau, Sơn chuyển công tác sang tàu thủy quân lục chiến và được bổ nhiệm chức vụ Phó phòng hành quân. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên 2 tàu, Sơn được điều động về Mỹ đảm nhận vị trí Chỉ huy phó đơn vị dự bị 183 người trong hải quân Mỹ.
Tuy đơn vị đóng ở đất liền nhưng công việc của Sơn lại đi nhiều hơn, bởi lực lượng hậu cần Tây Thái Bình Dương của Sơn chuyên hỗ trợ hoạt động của tàu chiến Mỹ tại Đông Nam Á. Sơn ví công việc của mình giống như dọn đường cho các tàu hải quân, từ tiếp nhiên liệu đến sửa chữa, thủ tục vào cảng, chuẩn bị chương trình hoạt động, hội thảo, thao diễn quân sự… Do đó, trong đợt hợp tác giữa hải quân hai nước lần này, Sơn cùng các đồng nghiệp tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển tại ĐH Đà Nẵng hôm 8.4.
Sơn nói: “Tôi thấy rất thú vị và hào hứng vì giúp ích được nhiều cho các cuộc trao đổi nhờ ưu thế thông thạo 3 ngôn ngữ Anh, Việt và Trung. Với vốn kiến thức về văn hóa Á Đông, tôi giúp hải quân Mỹ đưa ra góc nhìn bao quát hơn trong giao tiếp, tiếp cận và xử lý vấn đề”. Sơn cũng chia sẻ thêm, trong hải quân Mỹ có rất nhiều người VN, như trung tá Lê Bá Hùng (44 tuổi), người Việt đầu tiên trở thành Hạm trưởng khu trục hạm hải quân Mỹ (USS Lassen).
Ông Clay Doss, phát ngôn viên hợp tác hải quân năm 2014 của hải quân Mỹ, nhận định hải quân Mỹ có thể nói là lực lượng rất đặc biệt, bởi lẽ sĩ quan, thủy thủ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, họ có kiến thức, văn hóa đa dạng, phong phú, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên đã tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quân đội.
Nguyễn Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét