Nước giải khát là 1 loại thức uống không thể thiếu đối với chúng ta. Đặc biệt là trong những ngày nắng nóng như hiện nay thì việc bật nắp một lon nước ngọt có ga mát lạnh là điều có thể nói là không gì tuyệt vời hơn. Bên cạnh đó, sữa tươi cũng là một loại thức uống dinh dưỡng quá đỗi quen thuộc với mỗi người. Tuy nhiên, một đặc điểm nhỏ mà các bạn có thể đã bỏ qua.
Có bao giờ các bạn tự hỏi: Tại sao lon nước giải khát (lon nước ngọt có gas, lon bia,...) lại luôn là hình trụ tròn trong khi đó, đa phần những hộp sữa tươi bằng giấy các tông luôn lại được tạo hình là khối hộp. Nguyên nhân sâu xa của khác biệt trên thật sự không hề đơn giản. Sự khác nhau không chỉ do những yếu tố về kỹ thuật, một chút yếu tố lịch sử, một ít về logic tâm lý người tiêu dùng, mà đây còn là một bài toán kinh điển trong kinh tế học mà các nhà kinh tế học đã giải quyết trong quá khứ. Hôm nay, chuyên mục [Tại sao?] sẽ chia sẻ với các bạn một số nguyên nhân của khác biệt tưởng chừng nhỏ nhưng đầy thú vị này.
Dưới góc độ kỹ thuật - Dạng tròn chịu lực tốt hơn so với dạng phẳng
Đây là câu trả lời thường thấy nhất khi một ai đó lý giải sự khác biệt trên. Soda, bia hay bất cứ loại nước có gas nào đều chứa một áp lực lớn lên lớp vỏ lon. Chỉ cần bạn lắc lon nước ngọt lên, sau đó mở nắp ra, bạn sẽ thấy áp lực bên trong lớn đến mức độ nào. Chính vì vậy, người ta cần thiết kế một lon với hình thái có thể chịu được một áp lực lớn mà không bị biến dạng. Và hình dạng không gian được chọn ở đây chính là khối trụ tròn.
Áp lực tác dụng lên bề mặt bên trong lon nước giải khát
Nguyên nhân chính là dạng lon tròn có khả năng chịu áp lực tốt hơn so với mặt phẳng. Hơn nữa, các công ty nước giải khát có thể sử dụng ít vật liệu hơn để sản xuất vỏ lon nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chịu được áp lực lớn từ nước có gas bên trong. Trong một phép so sánh, nếu lon soda được thiết kế thành dạng khối hộp bằng nhôm, người ta phải tăng độ dày của tấm nhôm lên ít nhất 3 lần. Điều này làm tăng lượng nhôm cần thiết để chế tạo vỏ lon lên gấp 8 lần so với thiết kế dạng trụ tròn.
Dĩ nhiên, nguyên lý căn bản nhất trong kinh tế học chính là tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa chi phí, chính vì lẽ đó mà lon soda dạng trụ tròn được lựa chọn. Một ví dụ tương tự dễ hình dung hơn chính là những chiếc cầu bắt qua sông luôn là dạng bán nguyệt thay vì thiết kế thẳng tắp.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là nếu lon dạng trụ tròn có nhiều ưu điểm như thế thì tại sao người ta không áp dụng nó để chứa sữa tươi? Nếu giả định rằng dùng cùng một loại vật liệu để chế tạo vỏ chứa thì chi phí để sản xuất ra 2 triệu lon dạng trụ tròn vẫn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất ra 1 triệu lon hình hộp. Vậy tại sao người ta vẫn dùng nó để sản xuất vỏ hộp sữa tươi?
Câu hỏi này cần được tiếp cận dưới góc độ kinh tế học để có thể lý giải. Nhưng trước tiên, hãy nhìn lại một cách ngắn gọn về lịch sử của hộp sữa tươi.
Lịch sử đóng hộp sữa tươi - Từ chai thủy tinh cho đến hộp giấy các tông
Vào cuối thế kỷ 19 vẫn còn rất nhiều người nông dân chăn nuôi bò sữa tại Hoa Kỳ. Để cung cấp sữa cho những người trong thị trấn và thành phố vốn đang tăng rất nhanh do hệ quả của cuộc cách mạng công nghiệp, các trang trại nuôi bò sữa với quy mô nhỏ thường vắt sữa bò bằng tay và cho vào các chai thủy tinh để chuyển giao cho khách hàng.
Một trang trại bò sữa tại Mỹ vào thế kỷ 19
Đến đầu thế kỷ 20, khi một số người nông dân bắt đầu chuyển sang vắt sữa bằng máy làm cho số lượng sản phẩm tăng lên kéo theo quy mô của trang trại cũng lớn hơn so với trước đó. Lúc này nảy sinh một vấn đề: Tủ lạnh vẫn chưa được phổ biến, người ta vẫn còn sử dụng cách làm lạnh bằng những ngăn đá có từ trước đó. Đó chỉ đơn giản là một chiếc hộp cách nhiệt và đặt nước đá bên trong. Đây là cách giữ lạnh tốn rất nhiều chi phí nhưng lại không hiệu quả do băng đá bên trong luôn có xu hướng tan chảy nhanh chóng. Một lý do khác cũng không kém phần quan trọng chính là chai thủy tinh dùng để chứa sữa không cách nhiệt tốt.
Vấn đề bảo quản sữa sau khi vắt trở thành một vấn đề nan giải và chưa có hướng giải quyết vào thời điểm đó. Các trang trại vẫn áp dụng các truyền thống là vắt, giao sữa mỗi ngày với các chai thủy tinh và đi thu các chai thủy tinh về sau khi sử dụng xong. Điều này có nghĩa là nhà nhà đều có sữa tươi để dùng, nhưng phải uống sữa họ mua đủ nhanh để trả chai và sữa không bị hư.
Những chai sữa đầu tiên được làm bằng thủy tinh
Mặc dù không có sự phụ thuộc lẫn nhau ở đây, nhưng thực sự thì tủ lạnh và hộp sữa các tông dường như phát triển song song với nhau. Chiếc tủ lạnh đầu tiên được thử nghiệm vào những năm 1910. Trong khi đó, mặc dù vấn đề phát minh ra hộp sữa các tông vẫn còn gây nhiều tranh cãi cho đến hiện nay, nhưng đa phần mọi người đều nhìn nhận rằng hộp sữa các tông được phát minh vào năm 1915.
Hộp sữa các tông đầu tiên đợc John Van Wormer phát minh vào năm 1915 và về cơ bản có hình dáng giống như loại chúng ta sử dụng hiện nay. Nó đơn giản là một tấm bìa các tông được cắt, gấp và dán keo lại theo hình dạng một chiếc hộp hình chữ nhật. Hộp sữa đầu tiên được sử dụng mà không cần dùng nắp đậy. Thay vào đó, phần đầu được dán kính lại để bảo quản sữa bên trong. Cho đến hôm nay, người ta phủ lên giấy các tông một lớp polyetylen để sữa bên trong không thể thấm vào bên trong lớp vỏ hộp.
Hình ảnh một tủ bày bán sữa tươi trong siêu thị
Khi chiếc tủ lạnh được phổ biến với mọi nhà trong vòng 2 đến 3 thập kỷ sau đó, chiếc hộp sữa các tông cũng dần được sử dụng nhiều hơn. Dù vậy, những chai sữa thủy tinh vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, chai thủy tinh vẫn chỉ có thể sử dụng trong một số vùng gần trang trại bò. Nếu sản xuất và vận chuyển sữa tươi trên quy mô công nghiệp, người ta vẫn sử dụng hộp giấy các tông thay vì chai thủy tinh do lợi ích kinh tế mà nó mang lại. Hơn nữa, chai thủy tinh nặng hơn hộp giấy tới 3 lần nếu chứa cùng một lượng sữa nên sẽ gây nên lãng phí nhiều chi phí vận chuyển hơn. Và dĩ nhiên, thủy tinh đắt tiền hơn nhiều lần so với hộp các tông.
Đến đây, lịch sử phát triển của hộp sữa đã trả lời cho chúng ta biết lý do hộp sữa tươi làm bằng bìa các tông khi sản xuất trên quy mô công nghiệp.
Tiếp cận vấn đề dưới giác độ kinh tế học vi mô - Mối quan hệ Chi phí - Lợi ích
Trở lại câu hỏi thứ 2: nếu lon dạng trụ tròn có nhiều ưu điểm như thế thì tại sao người ta không áp dụng nó để chứa sữa tươi? Rõ ràng sữa tươi không hề có gas bên trong và do đó, không hề có một áp lực nào được tạo lên mặt chai. Tuy nhiên, sữa tươi nhất thiết phải được giữ lạnh. Đây chính là chìa khóa của vấn đề.
Sữa tươi nhất thiết phải được bảo quản lạnh, trong khi đó nước giải khát thì không cần thiết
Dù sao đi nữa, chi phí để làm lạnh không hề rẻ tiền. Từ chi phí đầu tư mua tủ lạnh, chi phí để duy trì để luôn hoạt động ổn định cho tới chi phí tiền điện rõ ràng là vô cùng đắt đỏ. Chính vì vậy mà mỗi không gian làm lạnh phải luôn được sử dụng một cách hiệu quả nhất. Không gian trong tủ lạnh chỉ được sử dụng cho những sản phẩm nào thật sự cần thiết nhất, trong đó có sữa tươi của chúng ta.
Do đó, không gian trong tủ lạnh cần được tận dụng tối đa để có thể bảo quản càng nhiều sữa càng tốt. Về mặt hình học không gian, các hộp vuông cho phép có thể bảo quản được lượng sữa lớn nhất. Các hộp sữa có thể được xếp sát nhau, không hề có một khoảng không gian nào để trống Trong khi đó, các hộp dạng tròn sẽ lãng phí không gian xung quanh nhiều hơn. Chính vì thế, các hộp sữa các tông được thiết kế theo hình dáng vuông vức đem lại hiệu quả kinh tế lớn nhất.
Mặt cắt ngang hình vuông sẽ tận dụng được tối đa không gian so với hình tròn.
Có thể đối với góc nhìn của một người tiêu dùng, bạn cho rằng khoảng trống trên kệ bảo quản sữa trong siêu thị thật sự không nhiều. Tuy nhiên, hãy nhìn vấn đề với góc độ của một doanh nghiệp kinh doanh sữa tươi. Công ty sữa thậm chí còn biết rõ rằng việc cầm một "lon sữa" giống như lon nước ngọt sẽ cho người dùng cảm giác thú vị hơn. Người dùng có thể bật nắp ra và đưa "lon sữa" lên uống một cách dễ dàng. Tuy nhiên, việc tạo cảm giác thoải mái cho người dùng khi cầm trong tay quan trọng vì thường, người ta không uống sữa trực tiếp từ hộp.
Ngay cả khi người dùng uống sữa trực tiếp từ hộp giấy đi chăng nữa thì theo nguyên lý lợi ích - chi phí, nhà sản xuất cũng không nên dùng vỏ hộp hình trụ tròn để chứa sữa. Dù rằng bao bì hình hộp giúp tiết kiệm không gian trên kệ dù nó chứa thứ gì bên trong, nhưng việc tiết kiệm không gian có vai trò quan trọng với sản phẩm sữa hơn là sản phẩm nước giải khát. Bởi lẽ đa số nước giải khát trong siêu thị được đặt trên các kệ mở, vốn rất rẻ và không cần chi phí vận hành nào khác. Trong khi đó, sữa được chứa trong ngăn lạnh, những tủ này giá đắt và phải tốn phí vận hành. Vì vậy, không gian trên kệ trong các ngăn lạnh này rất quý và làm tăng lợi ích của việc đựng sữa trong hộp hình trụ chữ nhật. Đây chính là chi phí cơ hội (opportunity cost) trong việc lựa chọn hình dạng của hộp sữa.
Sơ đồ tương quan giữa sản lượng và chi phí trong khái niệm Lợi thế kinh tế nhờ quy mô
Hơn nữa, việc tận dụng tối đa không gian làm lạnh để chứa sữa góp một phần quan trọng trong lợi nhuận khi bán sữa. Nhà bán lẻ càng chứa được nhiều sữa trên kệ làm lạnh, điều này cho phép nhiều sữa hơn được bán ra, từ đó doanh thu bán sữa và lợi nhuận biên trong việc kinh doanh sữa cũng tăng lên. Chính khoản tăng lợi nhuận biên và khoản giảm chi phí biên trong dài hạn đã góp phần tạo nên khoảng lợi thế kinh tế nhờ quy mô (economies of scale).
Rõ ràng dù lượng sữa kinh doanh nhiều hay ít, thì chi phí để duy trì hệ thống bảo quản lạnh luôn cố định. Nếu lượng sữa bán ra ít, thì khoảng chi phí bảo quản lạnh tính trên mỗi đơn vị sữa sẽ tăng lên. Vì vậy, khi sản lượng sữa bán ra càng lớn, chi phí bảo quản lạnh chia đều cho mỗi đơn vị sữa sẽ nhỏ đi, từ đó giúp giảm một lượng đáng kể chi phí bình quân tính trên mỗi hộp sữa. Đó chính là khái niệm "Lợi ích kinh tế nhờ quy mô".
Thêm vào đó, sữa là một sản phẩm thiết yếu với người tiêu dùng. Lượng sữa được tiêu thụ mỗi ngày nhiều hơn so với các loại nước giải khát khác. Có thể, người tiêu dùng sẵn sàng chi hơn rất nhiều tiền cho một chiếc xe hơi phiên bản giới hạn. Phiên bản giới hạn chỉ khác phiên bản thường ở 1 dòng chữ duy nhất trên thân xe: Limited Edition. Dù vậy, một số người dùng sẽ sẵn sàng trả thêm gấp đôi để sở hữu nó. Nhưng đối với một sản phẩm thiết yếu như sữa, việc sản xuất hộp tròn sẽ phát sinh thêm chi phí vật liệu và bảo quản, từ đó giá mỗi hộp sữa sẽ tăng lên. Điều này tác động không tốt đối với người dùng.
Kết
Cuối cùng, chúng ta đã có câu trả lời cho việc lựa chọn vật liệu và hình dáng để sản xuất vỏ hộp sữa. Và câu hỏi tại sao có sự khác nhau giữa hộp sữa tươi và lon nước giải khát đã có câu trả lời. Dạng trụ tròn cho phép chứa và bảo quản được lon nước ngọt có gas mà không làm biến dạng vỏ lon. Về vật liệu hộp sữa, việc chọn các tông sẽ kinh tế hơn rất nhiều so với chai thủy tinh để chứa sữa. Về hình dạng của hộp sữa tươi, dạng khối hộp chữ nhật sẽ tạo nên lợi ích kinh tế lớn hơn rất nhiều so với dạng lon tròn. Lợi ích này đã được giải thích cụ thể thông qua 2 khái niệm kinh tế là "Chi phí cơ hội" và "Lợi ích kinh tế nhờ quy mô" đã được phân tích bên trên. Ngày nay, không chỉ sữa mà các loại thức uống cần bảo quản lạnh như nước trái cây cũng được đóng hộp hình chữ nhật bằng bìa các tông với lý do tương tự.
Hy vọng qua bài viết các bạn có thể lý giải được một cách tổng quát hơn cho sự khác biệt giữa hộp sữa và lon nước giải khát. Qua đó, chúng ta có thể thấy, một sự khác biệt tưởng chừng nhỏ mà ít ai chú ý, nếu mang ra mổ xẻ bằng nhiều cách tiếp cận, nhiều góc nhìn khác nhau sẽ tạo nên nhiều lý do ẩn chứa đằng sau đó. Thật sự, một sự khác biệt tưởng chừng nhỏ nhưng để lý giải nó thì thật sự không hề đơn giản chút nào.
Last edited by a moderator: Hôm qua lúc 16:36
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét