Bão Haiyan quét dọc miền Trung, uy hiếp Bắc bộ
SGTT.VN - Ngày 9.11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện
số 1850/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ứng phó
siêu bão Haiyan.
Huy động tổng lực chống bão
Sơ đồ dự báo bão trong bản tin phát lúc 11g30 của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương
|
Công điện nêu rõ siêu bão số 14 (Haiyan) đã vào Biển
Đông đang di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Bắc, có khả năng
đổi hướng di chuyển dọc theo các tỉnh Trung Bộ và ảnh hưởng đến các tỉnh
Bắc Bộ.
Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến rất phức tạp. Để chủ
động đối phó với siêu bão, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành,
cơ quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh từ Bình Thuận đến Quảng Ninh:
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tìm mọi biện pháp
thông báo, kiên quyết kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên
biển về bờ hoặc đến nơi trú tránh an toàn; chủ động thực hiện cấm biển
và kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các tàu
du lịch, vận tải; tổ chức hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền; di
chuyển và có biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi trồng thủy
hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè.
Tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công
trình, kho tàng, bến bãi; có phương án cụ thể để sơ tán dân vùng cửa
sông, ven biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở không đảm bảo an toàn; chủ
động cho học sinh nghỉ học, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập
trung chỉ đạo phòng chống bão lũ.
Rà soát, kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp bảo
vệ đê điều, đập thủy lợi, thủy điện; thực hiện xả nước đón lũ các hồ
chứa thủy lợi, thủy điện nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạ du; kiểm
tra thực hiện tốt phương án thông tin cảnh báo, phương án sơ tán dân
vùng hạ du khi xả lũ.
Người dân Quảng Ngãi tại một nơi tập trung tránh bão. Ảnh: VnExpress
|
Các tỉnh miền núi phía Bắc, triển khai và rà soát ngay
các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để chủ động sơ
tán, di dời dân đảm bảo an toàn.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ sau bão; triển
khai phương án chủ động tiêu thoát nước, đô thị tại các thành phố lớn;
chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập để
bảo đảm sản xuất vụ Đông.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp
thời ứng cứu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát
giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông,
suối, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo chuẩn bị sẵn
sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi cần
thiết.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt nam, Thông
tấn xã Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa
phương cần tăng thời lượng phát sóng thường xuyên thông báo diễn biến
của bão, mưa, lũ và chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và
nhân dân biết, chủ động phòng, tránh.
Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức
thường trực, theo dõi, tổng hợp diễn biến bão, mưa, lũ, đôn đốc các bộ,
ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp đối phó với bão,
mưa, lũ.
Hơn 200.000 dân bỏ nhà tránh bão
Trong khi đó, theo các phương tiện thông tin đại
chúng, hơn 200.000 người dân ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam
và Đà Nẵng đang sơ tán đến các vùng trú bão khiến nhiều nơi quá tải.
Người dân chuẩn bị chạy bão ở Đà Nẵng. Ảnh: NLĐO
|
Nhiều người dân ra đi chỉ kịp mang theo chăn, màn.
Nhiều gia đình ở các làng chài vùng ven biển miền Trung di dời đến trú
tránh siêu bão ở những địa điểm được coi là an toàn như trụ sở ủy ban
xã, trường học, nhà văn hóa ...
Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên
cho biết, các địa phương từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận đã thông báo và hướng
dẫn cho gần 39.000 tàu cá với gần 167.000 lao động biết vị trí, hướng
di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động vào bờ tránh bão.
Tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến đã quyết
định sơ tán gần 20.000 hộ với hơn 73.000 người đi trú tránh bão trước
19h ngày 9.11. Bên cạnh việc khuyến cáo người dân không ra đường khi bão
đổ bộ, thành phố cũng cấm tàu, thuyền ra khơi.
Các cơ sở phục vụ du lịch ven biển được yêu cầu có biện
pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Các công trình xây dựng
phải lập tức hạ cẩu hoặc sơ tán người dân sống xung quanh. Điện lực lên
phương án cắt điện từng khu vực để đảm bảo an toàn cho người dân. Sở
Giáo dục căn cứ vào diễn biến của bão để cho học sinh nghỉ học.
Quân khu 5 thành lập Sở chỉ huy tại Đà Nẵng và hai sở
chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và tại Bình
Định. Thuốc, lương thực thực phẩm... được chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng
xử lý tình huống.
Siêu bão quét dọc miền Trung
Theo bản tin phát lúc 11g30 sáng 9.11 của Trung tâm dự
báo khí tượng thủy văn Trung ương (NCHMF), lúc 10g sáng nay, vị trí tâm
bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 220km về phía
Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15
(150-163 km/giờ), giật trên cấp 17.
Sơ đồ dự báo bão Haiyan của Cơ quan khí tượng Hong Kong (ảnh chụp màn hình)
|
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo
hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Đến 10g ngày 10.11,
vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị. Sức
gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (134-166 km/giờ),
giật cấp 16, cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng
đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc và đi dọc
theo các tỉnh trung bộ, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km. Đến 10g ngày
11.11, vị trí tâm bão ở trên khu vực các tỉnh bắc trung bộ. Sức gió mạnh
nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm
cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 -
12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17. Biển
động dữ dội.
Khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh
từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ
chiều tối nay có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10 - 11, vùng
gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12 - 14, giật cấp 15, cấp 16. Biển động dữ
dội.
Khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ từ ngày mai 10.11 có gió mạnh
cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Từ đêm nay các tỉnh từ Bình
Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - 13,
giật cấp 14, cấp 15. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ
chiều tối và đêm ngày 10-11 gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Sơ đồ dự báo bão Haiyan của Cơ quan khí tượng Nhật Bản (ảnh chụp màn hình)
|
Từ chiều tối nay ở khu vực Trung Trung Bộ có mưa vừa,
mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc
Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và
các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp
với triều cường cao từ 2.5 - 5m. Sóng biển 3 - 6m, vùng gần tâm bão 8 -
10m.
Như vậy, khác với dự báo phát lúc 5g30 sáng 9.11 cho
rằng bão có thể cập bờ ở khu vực Thừa Thiên - Huế, bản tin phát lúc 9g30
và 11g30 ngày 9.11 của Trung tâm khí tượng thủy văn dự báo bão sau khi
vào gần đến đảo Lý Sơn sẽ quét dọc bờ biển miền Trung, ra đến sát khu
vực Hà Tĩnh - Quảng Bình mới cập bờ.
Cơ quan khí tượng Hong Kong, Trung Quốc và Đài Loan
cũng dự báo bão tương tự hướng này khi cho rằng bão đổ bộ vào các tỉnh
Bắc trung bộ theo hướng từ Quảng Bình trở ra Thanh Hóa.
Trong khi đó, Trung tâm cảnh báo bão chung Hải quân -
Không quân Mỹ dự báo bão Haiyan sẽ cập bờ ở Quảng Ngãi, Cơ quan khí
tượng Nhật Bản thì dự báo bão bẻ lái đi ra đến vịnh Bắc Bộ mới đổ bộ vào
các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng sông Hồng.
Do bão đã suy yếu một ít nên bản tin sáng của các cơ
quan cơ quan khí tượng trong khu vực cũng không còn dùng từ siêu bão
(super typhoon) cho bão Haiyan. Nhật Bản cho rằng bão chỉ còn sức gió
167km/giờ còn Trung tâm cảnh báo bão chung Hải quân - Không quân Mỹ cho
rằng bão có sức gió 213 km/giờ (mức CAT 4 của bão Đại Tây Dương, tụt 1
cấp so với đêm qua).
Theo TTXVN/VNEXPRESS/TTOhttp://sgtt.vn/Thoi-su/184914/Bao-Haiyan-quet-doc-mien-Trung-uy-hiep-Bac-bo.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét