NHỮNG TÌNH KHÚC
TỪ THƠ QUA NHẠC
- NGUYỄN VIỆT
Khi những người yêu thơ Nguyên Sa thì
không một ai không biết đến tên Ngô Thụy Miên, một nhạc sĩ phổ thơ của
Nguyên Sa đạt đến đỉnh điểm tâm hồn của ý thơ. Như trong các bài viết về
nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, Linh Phương, từ vô danh nhưng qua những tác
phẩm âm nhạc của Phạm Duy được phổ biến từ thơ, trở thành nổi tiếng.
Hoặc như “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan, “Trăng Vàng Trăng ngọc”
của Hàn Mặc Tử, nếu không có một Dzũng Chinh, một Trần Thiện Thanh vừa
lấy ý thơ vừa lấy cả cuộc đời của nhà thơ đưa vào nhạc, có lẽ những bài
thơ đó chỉ vang bóng một thời rồi chìm vào quên lãng.
Nên khi nói đến thơ Nguyên Sa, nếu không
nhắc đến tên nhạc sĩ Ngô Thụy Miên thật thiếu xót vô cùng. Bởi thơ
Nguyên Sa quá cao sang, nên đã có thời kỳ có nhiều người lên tiếng nhận
xét, chỉ thích hợp cho giới trí thức, những sinh viên học sinh, nó không
thể đi vào tâm hồn của đại đa số người ái mộ thơ thuộc thành phần bình
dân ít học. Nhưng từ khi có những nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên ra đời phổ
từ thơ Nguyên Sa, thì thơ Nguyên Sa mới trở nên rộng khắp, đi vào tâm
hồn đại đa số công chúng nhiều hơn.
Một chút tiểu sử về Nguyên Sa
Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1/3/1932 tại
Hà Nội, và theo gia phả thì tổ tiên của nhà thơ người có gốc Thuận Hóa
(Huế), ông cố là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong
triều đình thời vua Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội sinh sống.
Tên thật của nhà thơ Nguyên Sa là Trần
Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc, thuộc trường phái thơ lãng mạn với
những tác phẩm nổi danh như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em”,
“Tuổi mười ba”, “Tháng Sáu trời mưa”, v.v.
Vào những năm kháng chiến, năm 1949 gia
đình cho Nguyên Sa qua Pháp du học. Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên
Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Vì thế đã có nhiều bài
thơ nổi tiếng của Nguyên Sa, được ông sáng tác trong thời gian này. Năm
1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, cả
hai ông bà về nước.
Ở Sài Gòn, nhà thơ Nguyên Sa dạy ban C,
môn triết học tại trường công lập Chu Văn An (cùng với Vũ Hoàng Chương
dạy môn văn học), ông còn dạy triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ngoài
ra hai vợ chồng nhà thơ Nguyên Sa cũng mở hai trường tư thục là Văn Học
và Văn Khôi, đồng thời cộng tác với nhiều trường trung học tư thục khác
như Văn Lang, Nguyễn Bá Tòng, Hưng Đạo, Thủ Khoa, Thượng Hiền. Ngoài
việc dạy học, nhà thơ Nguyên Sa còn chủ trương tạp chí Hiện Đại, một tạp
chí sáng tác văn học, cùng thời với nhóm Sáng Tạo và Thế Kỷ 20.
Năm 1975, gia đình nhà thơ Nguyên Sa di
tản sang Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình mới qua bang California, Mỹ,
sinh sống. Ở vùng đất mới, ông chủ trương tạp chí Đời, băng nhạc Đời và
nhà xuất bản Đời. Nhà thơ Nguyên Sa ở California từ đó cho tới ngày ông
qua đời, mất vào ngày 18/4/1998.
Tác phẩm Nguyên Sa đã in :
Thơ Nguyên Sa tập 1, 2, 3 và 4,Thơ Nguyên Sa toàn tập. Về truyện dài có
Giấc mơ 1, 2 và 3, Vài ngày làm việc ở Chung Sự Vụ. Về truyện ngắn có
Gõ đầu trẻ, Mây bay đi. Trong thể loại bút ký có Đông du ký. Thể loại
hồi ký có Hồi ký Nguyên Sa, Cuộc hành trình tên là lục bát.
Trên đây là những sáng tác phẩm văn học
của nhà thơ Nguyên Sa. Còn về sách viết biên khảo triết học và văn học
có cuốn Descartes nhìn từ phương Đông, Một mình một ngựa, Một bông hồng
cho văn nghệ. Sách giáo khoa có Luận lý học, Tâm lý học
Trong cuốn hồi ký của mình, Nguyên Sa viết :
- “Tôi thích được giới thiệu bằng cách
đọc lên một bài thơ Nguyên Sa. Đó là cách giới thiệu được cả Nguyên Sa ý
thức và vô thức, cho thấy bản ngã của người làm thơ tương đối đầy đủ
nhất, cả bản ngã đã có, bản ngã đang có, và bản ngã muốn có. Những bài
thơ khác biệt mang lại bản ngã khác biệt…”. Vì vậy, để hiểu Nguyên Sa
không có phương pháp nào đáng tin cậy bằng sự nghiêm túc đọc lại thơ
Nguyên Sa…”.
Khi sang Pháp du học và thi đậu bằng Tú
tài ngay tại xứ sở hoa lệ này, nhà thơ Nguyên Sa ghi danh vào khoa Triết
của ĐH Sorbonne.Tại đây ông gặp gỡ bà Trịnh Thị Nga, và người phụ nữ
này đã biến ông thành thi sĩ từ đó. Bài thơ nổi tiếng đầu tiên của
Nguyên Sa cũng là bài thơ đính hôn. Bài thơ có tên “Nga” được in ngay
vào thiệp cưới năm 1955.
Năm 1956, nhà thơ Nguyên Sa đưa vợ về Sài
Gòn sống bằng nghề dạy học và làm thơ. Với quan niệm bản thân “vốn dĩ
chỉ là hạt cát”, Trần Bích Lan mới lấy bút danh Nguyên Sa và ngay lập
tức lừng lẫy trên thi đàn. Có thể do sự tình cờ hữu duyên, những bài thơ
của Nguyên Sa được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc đã lan tỏa rất nhanh
vào đời sống văn hóa mọi người lúc đó, và cho đến tận hôm nay, nên khi
nhắc đến Nguyên Sa là người ta lại nghe vang lên trên môi những lời hát
từ nhạc Ngô Thụy Miên :
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
(Áo lụa Hà Đông)
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc.
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
(Tuổi mười ba)
Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm.
Chả biết tay ai làm lá sen
(Paris có gì lạ không em)
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn.
Nếu em sợ thời gian dài vô tận
(Tháng sáu trời mưa)
Theo một nhà văn nhận định về cuộc đời thi ca của Nguyên Sa đã nói :
- “Những bài thơ được phổ nhạc ấy cứ bồng
bềnh từ thế hệ này sang thế hệ kia, khiến nhiều bài thơ khác của Nguyên
Sa ít nhiều bị che khuất, kể cả những câu thơ độc đáo miêu tả chiếc áo
dài dân tộc “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần
mây/Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay”.
Tuy nhiên, nếu đọc thơ Nguyên Sa viết sau
năm 1975 ở hải ngoại, mọi người vẫn nhận ra nét hào hoa riêng biệt
trong trường phái thơ lãng mạn của ông. Trong tập “Hoa sen và hoa đào”
được sáng tác khoảng thời gian 1982 đến 1988, có những bài thơ còn mang
đậm phong cách Nguyên Sa của thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước. Có những
câu thơ mềm mại, linh hoạt và ấm áp theo suốt cả cuộc đời ông, và cho
lúc đến chặng đường hoàng hôn của kiếp làm thơ, ông mới chợt ngộ ra căn
bệnh ung thư dạ dày đang hành hạ từng ngày, nhưng vẫn không rời bỏ thơ.
Bài thơ “Hóa học trị liệu” có thể xem như một cột mốc để đánh dấu những
sáng tác tạ từ nhân gian của ông.
Khi những chiếc lá phong buông tay ra
Làm thành những vòng tròn nhỏ
Những chiếc lá phong màu rượu chát rơi xuống một vị trí tên là mặt đất
Gió đưa những chiếc lá phong sang một vị trí khác cũng tên là mặt đất
Như thể vật nào cuối cùng cũng chỉ có cùng một tên”
Hay khi Nguyên Sa chột dạ biết ông sẽ đi về miền đất chết không xa nữa, đã làm ra bài “Mật khẩu đời mình” :
“Mỗi lần Thượng đế mở toang lồng ngực và bước vào
Tôi sợ đến nín thở
Tôi sợ ông gọi cửa không được
Tôi sợ ông quên mật khẩu
Tôi sợ ông quay ra hỏi
Tôi sẽ không biết trả lời sao
Hoặc lúc Nguyên Sa viết sáu câu nhằm ly biệt mọi người :
“Ngọn đèn chiếu xuống bức tranh
Cầm lên Hà Nội thấy đình miếu xưa
Tiễn nhau nhớ Tháng Giêng,
mưa Sông Hồng nước động bóng chưa nhập hình
Tiễn anh linh hiển u linh
Cấu vào da thịt thấy mình bỏ đi”
Đó là những vần thơ cuối đời của nhà thơ
Nguyên Sa sáng tác trước khi qua đời, nhưng tiêu biểu cho những bài thơ
tình lãng mạn của ông có những bài đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thơ
thành nhạc như đã nói :
ÁO LỤA HÀ ĐÔNG
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa
Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
Em không nói đã nghe lừng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
Để anh giận mắt anh nhìn vụng dại
Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
Những ngày tháng trên vai buồn bỗng nặng
Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.
THÁNG SÁU TRỜI MƯA
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận
Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng…
Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ
Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rượu vào môi
Hãy cầm tay nhau bằng ngón tay bấn loạn
Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt
Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
Trời không mưa em có lạy trời mưa ?
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn cầu mưa mặc dầu mây ảm đạm.
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc
Anh sẽ vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay em cho ngọc sát vào môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Anh sẽ nhớ suốt đời mưa tháng sáu.
CHỈ CÓ NGÔ THỤY MIÊN
PHỔ NHẠC HAY
Tiếp tục loạt bài viết về “TÁC PHẨM – TÁC GIẢ”, trang “Văn nghệ người Sài Gòn” đã nói đến thơ của T.T.Kh.,
Hữu Loan, Nguyễn Tất Nhiên, Hàn Mặc Tử. Về thơ Nguyên Sa là bài thứ năm
nằm trong chủ đề này. Và khi viết về thơ có kèm với nhạc đi cùng, những
nhạc sĩ từng đưa những bài thơ trở thành bất hủ, như khi nói thơ Hàn
Mặc Tử chỉ có Trần Thiện Thanh phổ nhạc là được khán thính giả yêu thích
nhất, hay “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan chỉ có nhạc phẩm “Những đồi
hoa sim” của Dzũng Chinh mới xâm nhập hồn người v.v… Nên khi nói về thơ Nguyên Sa chỉ có nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc là đạt đến đỉnh điểm tâm hồn mọi người.
Ngô Thụy Miên người nhạc sĩ tài hoa
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tên thật là Ngô
Quang Bình, sinh 26/9/1948 tại Hải Phòng, là con thứ nhì trong một gia
đình có bảy người con. Ông lớn lên với sách vở, thơ văn, vì gia đình có
mở một nhà sách tên Thanh Bình ở thành phố Cảng, và sau này trên đường
Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Sài Gòn, trước trường tiểu
học Pháp Aurore.
Sau khi gia đình vào Sài Gòn ở, Ngô Thụy
Miên theo học và tốt nghiệp về hai bộ môn vĩ cầm và nhạc pháp do các
nhạc sĩ Hùng Lân và Đỗ Thế Phiệt giảng dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc
vào năm 1965, tuy nhiên ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1963.
Tình khúc đầu tiên mà nhạc sĩ Ngô Thụy
Miên sáng tác là bài “Chiều nay không có em” (1965), được giới sinh viên
học sinh thời gian đó hưởng ứng rất nồng nhiệt. Vài năm sau, ông cho
xuất bản một tập nhạc đầu tay lấy tựa “Tình Khúc Đông Quân” in ronéo
phát hành tại Sài Gòn (1969). Đông Quân chính là bút hiệu đầu đời của
ông trước khi đổi qua bút hiệu Ngô Thụy Miên bây giờ.
Trong tuyển tập “Tình Khúc Đông Quân”,
nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã ghi lời tâm bút thay cho lời ngỏ trên trang
đầu, là những tình khúc viết cho bạn bè và tình yêu, trong đó gồm 12 bản
tình ca gồm Giáng ngọc, Mùa thu này cho em (sau đổi là Mùa thu cho em),
Gọi nắng (sau đổi là Giọt nắng hồng), Dấu vết tình yêu (sau đổi là Dấu
tình sầu), Cho những mùa thu (sau đổi là Thu trong mắt em), Tình khúc
tháng 6, Nhạt Tình (sau đổi là Dấu vết tình yêu), Mây hồng (sau đổi là
Tuổi mây hồng), Gọi tên em, Ái xuân, Mùa thu về trong mắt em (sau đổi là
Mắt thu) và Ngày mai em đi. Ca khúc mới nhất của Ngô Thụy Miên có tên
“Một lần là mãi mãi”
Sau những sáng tác từ năm 1963, đến với
công chúng vào năm 1965, sau đó nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có những nhạc phẩm
phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa như, Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ
không em, Tuổi 13… Còn
trong thời gian theo học đại học, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã nhiều lần
trình diễn và phổ biến những sáng tác của mình tại các hội quán văn
nghệ, các trung tâm văn hóa và giảng đường đại học. Năm 1974, Ngô Thụy
Miên thực hiện băng nhạc đầu tay “Tình Ca Ngô Thụy Miên” gồm 17 tình
khúc đã được viết trong khoảng thời gian 1965 – 1972. Với sự góp mặt của
các ca sĩ và nhạc sĩ như Khánh Ly, Duy Trác, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh
Lan, Duy Quang…
Sau ngày 30/4/75 đến tháng 10/78, nhạc sĩ
Ngô Thụy Miên mới vượt biên đến tị nạn tại đảo Pulau Bidong của Mã Lai,
và chính thức ra mắt một sáng tác viết từ năm 1975 là bài “Em còn nhớ
mùa xuân” gởi tặng riêng cho người yêu là Đoàn Thanh Vân, là con gái của
nam tài tử Đoàn Châu Mậu (trong một gia đình gồm những người hoạt động
về âm nhạc như Đoàn Châu Nhi, Đoàn Châu Bào, Đoàn Thanh Sâm, Đoàn Thanh
Tuyền một thời cùng với nhạc sĩ Đức Huy, kết hợp thành cặp song ca Đức
Huy – Đoàn Thanh Tuyền nổi tiếng trong những sinh hoạt nhạc trẻ vào đầu
thập niên 70.
Tình yêu giữa Ngô Thụy Miên và Đoàn Thanh
Vân bắt đầu khi cả hai gặp gỡ nhau tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn,
bị ngắt quãng một thời gian để sau đó lại tái hợp vào năm 1973 rồi đi
đến quyết định thành hôn. Nhưng ngày 30/4/75 đến như một sự chia cách,
khiến dự định thành hôn của hai người đã không thành, vì Đoàn Thanh Vân
theo gia đình di tản trong những ngày đầu tiên, trong khi Ngô Thụy Miên ở
lại Sài Gòn. Chính niềm thương nhớ đó đã tạo thành cảm xúc cho ông sáng
tác ra ca khúc “Em còn nhớ mùa xuân”.
Sau sáu tháng ở trại tị nạn, nhạc sĩ Ngô
Thụy Miên được nước thứ ba bảo lãnh cho sang Montréal, Canada, vào tháng
Tư năm 1979. Đoàn Thanh Vân từ San Diego, được tin người yêu đã đến
được Canada, đã bay sang nối kết lại cuộc tình, đưa đến cuộc hôn nhân bị
dở dang vì thời cuộc. Cùng năm 1979, cả hai qua sống tại San Diego rồi
dời lên Orange County. Qua năm 1980, Ngô Thụy Miên bắt đầu đi làm về
ngành điện toán cho trường UCLA, tại thành phố Olympia thuộc tiểu bang
Washington”.
Trong
thập niên 1990, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên tiếp tục sáng tác với những ca
khúc mới như Cần thiết, Em về mùa thu, Trong nỗi nhớ muộn màng… và nhất
là Riêng một góc trời (1997). Năm 2000, nhạc phẩm “Mưa trên cuộc tình
tôi” của ông được khán thính giả đón nhận một cách đặc biệt. Tổng cộng
đến nay, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã sáng tác được trên 70 ca khúc, với
khoảng 20 bài từ trong nước.
Có những nhận xét từ mọi người khi nói
rằng nhạc Ngô Thụy Miên chứa đựng đầy chất lãng mạn, chịu nhiều ảnh
hưởng từ thơ Nguyên Sa. Có người biện giải, những suy nghĩ đó chỉ đúng
phần nào đó khi ông phổ thơ Nguyên Sa. Còn những nhạc phẩm khác, nhạc
của Ngô Thụy Miên vẫn mang đậm chất tình ca riêng biệt như những nhạc
phẩm đầu tay trong tập nhạc “Tình Khúc Đông Quân”. Vì nhạc của Ngô Thụy
Miên nếu đứng riêng biệt cũng không kém chất lãng mạn, trữ tình, vẫn có
sắc thái độc đáo, như nhạc phẩm “Mùa thu cho em” sau này đã lên hàng top
hit.
Tuy nhiên không ai có thể phủ nhận, khi
Ngô Thụy Miên phổ thơ Nguyên Sa thì sự giao duyên này là một cuộc giao
hưởng trường cửu, như “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi 13”, “Áo lụa Hà
Đông”, “Nắng Paris nắng Sài Gòn”, “Tình khúc tháng 6”, “Tháng 6 trời
mưa”… Sự giao hưởng này làm thăng hoa sự tuyệt tác từ thơ qua nhạc và
ngược lại. Để mọi người lúc đó mới chợt nhận ra, hiện hữu có một nhà thơ
tên Nguyên Sa hay một nhạc sĩ tên Ngô Thụy Miên đang thăng hoa trong
đời sống văn hóa nghệ thuật.
Như Ngô Thụy Miên từng nói “…Trong thời
gian đi học, mình đọc thơ của Nguyên Sa nhiều nhất, ngâm nhiều nhất
thành ra nó đã thấm vào hồn mình… Trong bốn thập niên viết nhạc của tôi
thì thơ của ông ấy lúc nào cũng bàng bạc ở trong dòng nhạc của tôi. Ngay
cả như bên này như tôi viết “Nắng Paris, Nắng Sài Gòn” cũng mang một âm
hưởng của Áo Lụa Hà Đông hay Paris Có Gì Lạ Không Em?” nhạc sĩ Ngô Thụy
Miên đã tâm sự như vậy khi nói về mối giây ràng buộc giữa nhạc của ông
với thơ Nguyên Sa.
Và chúng ta hãy nghe những lời tự bạch
của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên khi tình tự gửi cho người yêu Đoàn Thanh Vân
lúc chưa cưới, đó là ký ức một thời Sài Gòn của ông :
“Rồi đến là những mùa Xuân của tuổi trẻ,
của những háo hức, đợi chờ, của những môi hôn vội vã, vòng tay quấn quít
trao nhau trên đường phố thân thương, quán hàng quen thuộc. Em nhớ
không, La Pagode, Givral của những sáng hẹn hò, Hoàng Gia, Pôle Nord của
những chiều đưa đón, dạo phố tết Nguyễn Huệ, Lê Lợi tấp nập người qua,
và những tối ghé quán Bà Cả Đọi, rồi Đêm Mầu Hồng. Cái không khí ấm áp
tràn đầy tình thương của quê hương đó, làm sao có thể ngờ được chỉ trong
vài tháng đã chỉ còn để lại một mùa Xuân, một mùa Xuân cuối cùng của
những đổi thay…”
Hay
đoạn đầu nói về gia đình Ngô Thụy Miên khi chia tay thành phố Cảng :
“Tôi sinh ra tại Hải Phòng, một thành phố ở miền Bắc, cũng là nơi sinh
trưởng của 2 người nhạc sĩ tôi yêu quí nhất, Văn Cao và Đoàn Chuẩn. Nếu
Văn Cao là người nhạc sĩ tôi quí trọng nhất, không phải chỉ về những
đóng góp của ông vào vườn hoa âm nhạc, mà còn về tác phong, đời sống cá
nhân ông, còn với Đoàn Chuẩn là người tôi yêu thích nhất với những tình
khúc bất hủ, và những đóng góp lớn lao của ông vào việc tạo dựng một
dòng nhạc tình tự, lãng mạn nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Qua Đoàn
Chuẩn, tôi đã yêu mùa Thu, đã sáng tác nhiều nhạc phẩm về mùa Thu, và
vẫn mơ một ngày nào đó sẽ có dịp trở về thăm mùa Thu của ông…
“Rời Hải Phòng vào miền Nam, bố mẹ tôi đã
chọn thành phố Sài Gòn, đường Phan Đình Phùng để xây dựng lại tiệm sách
Thanh Bình làm nơi sinh sống. Tại đây tôi lại có dịp nhìn thấy những
chiếc tầu sắt khổng lồ với những ống khói cao ngất, phun ra những tàn
khí bụi than mù mịt bầu trời (đoạn đường sắt này chạy trên đường Phạm
Viết Chánh về đến Mỹ Tho thời Pháp, qua đến thời TT Ngô Đình Diệm vẫn
còn hoạt động). Nhà tôi ở gần góc đường Cao Thắng, trước cửa trường mẫu
giáo Aurore. Tôi còn nhớ trên đường Cao Thắng, thật là một sự tình cờ
trùng hợp, cũng có một lò bánh mì, là nơi cuối tuần tôi hay ra mua bánh
về cho cả nhà ăn sáng với thịt nguội. Ngoài ra còn có 2 rạp chớp bóng
Việt Long (sau là Văn Hoa Sài Gòn) và Đại Đồng. Ngôi chợ rất gần nhà là
chợ Vườn Chuối mà thỉnh thoảng mẹ tôi cho đi theo để xách giỏ thức ăn về
hộ mẹ…”
Cuối cùng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nói tiếp
“Tôi không viết nhạc để sống, nhưng sống để viết nhạc”, cho thấy ông là
người sống vì nghệ thuật hơn là nô lệ cho đồng tiền bằng những sáng tác
tác phẩm của mình, do ông còn có một nghề khác là chuyên viên của ngành
điện toán. Vì thế cho đến nay Ngô Thụy Miên chỉ đến với âm nhạc bằng
những cảm xúc riêng tư, không hề có mục đích thương mại, như ông đã
tuyên bố, do đó những tình khúc của ông đã thoát ra sự gò bó khi dùng âm
nhạc và lời ca làm sinh kế như nhiều nhạc sĩ cùng thời. Nhạc sĩ Ngô
Thụy Miên muốn viết cho chính ông, bằng những cảm xúc thật của mình,
“tôi không viết cho mọi người”.
Tuy
chủ trương không viết cho mọi người, nhưng dòng nhạc của ông đã nói lên
được tâm sự của những ai từng có những rung động trong tình yêu Trả lời
câu hỏi tại sao nhạc sĩ Ngô Thụy Miên không viết về những đề tài khác
ngoài tình ca, ông thú nhận là có nhiều khi cũng muốn viết đề tài khác,
nhưng không viết được. “Hơn nữa tôi không cảm thấy mình muốn viết về
những đề tài đó, cho nên tôi chỉ viết về tình ca không mà thôi “. Nhưng
có lẽ lý do đúng hơn hết là do bản tính lãng mạn của một nghệ sĩ vì “nếu
bây giờ tôi khô khan, mực thước, đâu vào đó cả thì tôi đâu có làm văn
nghệ được.”
Ngô Thụy Miên cũng cho biết, sáng tác của
ông không hề nhắm vào một giọng ca nào theo kiểu “đo ni đóng giày” như
một số nhạc sĩ đã thể hiện, như một Mạnh Phát viết cho Thanh Tuyền,
Phương Dung, một Phạm Đình Chương viết cho Thái Thanh, một Tâm Anh viết
cho Phương Hồng Quế v.v…vì vậy Ngô Thụy Miên từng cũng từng nói : “Như
bài “Riêng một góc trời”, tôi đâu có nghĩ là Tuấn Ngọc hát như vậy đâu,
thế mà ông ấy hát ra nó lại thành công như vậy thôi ! Tuấn Ngọc hát bài
đó tới lắm.”
Hơn 40 năm viết tình khúc, khi ở Mỹ nhạc
sĩ Ngô Thụy Miên có thêm một vài nhạc phẩm phổ từ thơ Nguyên Sa, dù đã
có nhiều thay đổi trong dòng nhạc và lời ca, nhưng những ai đã từng yêu
mến những nhạc phẩm của ông vẫn dễ dàng nhận ra những nét quen thuộc mà
chỉ riêng nhạc sĩ Ngô Thụy Miên mới có được. Nhiều người phong tặng Ngô
Thụy Miên là một nhạc sĩ tài hoa đích thực.
Những nhạc phẩm phổ thơ Nguyên Sa
- Những tình khúc bất hủ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
- Đêm Nhạc Tình Khúc Ngô Thụy Miên
Nguyễn Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét