http://www.dongnhacxua.com/pleiku-con-chut-gi-de-nho
Pleiku: còn chút gì để nhớ!
Chúng tôi dù sinh sau 1975 nhưng có may mắn được ba mẹ kể về những năm tháng sống ở Pleiku (những năm 1970, 1971) khi gia đình theo ba về đóng quân tại thành phố cao nguyên này. Rồi khi chúng tôi lớn lên, các anh chị hát cho nghe những giai điệu và ca từ bất hủ của bản ‘Còn chút gì để nhớ’ của nhạc sỹ Phạm Duy mà mãi sau này mới biết là phổ thơ Vũ Hữu Định.
ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ VŨ HỮU ĐỊNH (Có tham khảo Wikipedia)
Vũ Hữu Định (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ Còn chút gì để nhớ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.
Lê Quang Trung sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế trong 1 gia đình nghèo. Ông từng sống qua nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sài Gòn, lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng. Ông làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Tên Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến từ khi bài thơ Còn chút gì để nhớ của ông được Phạm Duy đem phổ thành nhạc vào năm 1970.
Vũ Hữu Định vào đời sớm, lập gia đình sớm và nghèo nàn trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Ngoài làm thơ, ông từng làm cán bộ xây dựng nông thôn ở Đà Nẵng. Ông từng trốn quân dịch nhưng rồi bị bắt lại.
Ông được biết đến là một người mê rượu, tuy nghèo khó nhưng có máu giang hồ, tính tình phóng khoáng.
Ngày 3 tháng 4 năm 1981, sau 1 chầu nhậu với bạn bè, ông bị té cầu thang (có thông tin cho rằng bị té lầu) và qua đời, hưởng dương 40 tuổi.
Nghe nhạc phẩm bất hủ ‘Còn chút gì để nhớ’ – Nhạc sỹ Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định – Ca sỹ Thái Thanh thể hiện
BÀI VIẾT CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN VỀ NGUYỄN HỮU ĐỊNH VÀ BÀI THƠ ‘CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ’
(Nguồn: XuQuang.com)
Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy. Nghe rồi mới đọc.
Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.
Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử.
Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa… cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy.
Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.
Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính hay đang trốn lính.
Phạm Duy cho biết ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.
Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bầy bài hát này.
Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng?
Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì.
Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao?
Thắc mắc nữa mà chi ?
Đọc bạn bè và những người quen biết kể lại cách sống, những cuộc gập gỡ của họ với Vũ Hữu Định, người ta luôn cảm thấy một nỗi vui buồn lẫn lộn, một cái gì đó hình như quá đà, làm rợn người.
Chỉ sau này, trong một bữa nhậu trên sân trời một căn gác với bạn bè, Vũ Hữu Định cầm ly rượu của mình, không biết say tới cỡ nào, bước ra khỏi hàng lan can của cái sân trời, rớt xuống đất và chết tại chỗ, người ta mới biết, hình như cái chết kinh khủng của Vũ Hữu Định đã được báo trước?
Đinh Trầm Ca hiện còn ở trong nước, đã viết về Vũ Hữu Định [trên báo Khởi Hành số 96, tháng 10, 2004] như sau :
“ Tôi chưa được lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vũ Hữu Định
chẳng làm được gì cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang, phiêu bạt. Nghe nói chị vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã ‘lẫn’ và tật bệnh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận… Hai mươi năm nay, tôi lạïi giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh hơn! Khi tôi hiểu được thì không còn Định, để mời
một chén rượu cảm thông. Tôi không còn nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn, như các bạn tôi rằng, anh là người say đắm thơ rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối, đời anh không nhờ thơ, rượu thì con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ và rượu đã cứu rỗi anh.
Cũng có khi nào anh trở lại
Mai đây, mốt nọ biết đâu chừng
Và có một lời anh sẽ nói
Giữ giùm nhau một chút hồn chung
Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoang thoảng hương mùa đã muốn say
Anh đã mất 17 năm tròn. Nhưng anh cũng vừa trở lại với chúng ta bằng tập thơ ‘Còn Chút Gì Để Nhớ’. Trong thơ anh, tôi đã nhìn thấy rõ anh hơn những ngày tháng giang hồ lang bạt. Tôi thấy anh quằn quại khổ đau. Tôi thấy cả tấm lòng anh đầy ắp yêu thương gia đình, vợ con. Thơ anh nhân ái, cao cả mà hồn anh thì ray rứt, ngậm ngùi”. Nhân ngày giỗ đầu Vũ Hữu Định, A Khuê đã có một bài thơ khóc bạn và Trần Quang Lộc một người bạn khác của Vũ Hữu Định, đã phổ nhạc thành ca khúc Mộ Trăng.
Đêm không trăng mổ ngực chơi
Giữa tuyệt cùng
Sương hoa đỏ
Linh hồn linh hồn ơi
Mệt bước chân vu
Đi ngất ngất đi lặng lẽ trong đêm dài
Đêm không trăng
Của phố núi cao
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Có thật đã ngủ yên
Trên ngọn núi cao kia
Trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần
Độc giả, thính giả, được đọc, được nghe một bài thơ, một bài hát hay, thường thắc mắc tự hỏi, không biết những sáng tác khác của các tác gỉa ấy ra sao?
Đó cũng là điều người ta muốn biết về Vũ Hữu Định.
Trước 75 Vũ Hữu Định có nhiều thơ đăng trên báo chí ở Sài Gòn, nhưng chưa có một tập thơ nào được in thành sách.
Và cũng có thể nói rằng, ngoài bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ, khôngthấy một bài thơ nào khác của Vũ Hữu Định được độc giả nhắc nhở, truyền tụng.
Dù thế nào, chỉ căn cứ vào những bài thơ đăng báo để nói về thơ của một người, không thể tránh được thiếu sót.
Nhất là trường hợp Vũ Hữu Định.
Sau tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ vừa được bằng hữu của ông ở trong nước góp công sức xuất bản, người ta mới được biết Vũ Hữu Định còn nhiều tập thơ khác nữa, chưa biết lúc nào mới in ra được.
Dưới đây là bài thơ Đứng Giữa Đồng Không trích trong tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định :
một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn
một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang
một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng
DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc!
Lương Y Hòa
hoa@dongnhacxua.com
Huỳnh, Kim-Giám on said:
Tôi nghe bài Còn Chút Gì Để Nhớ năm 1971, khi đang sống ở Sài Gòn. Tôi là người khách lạ đi về giữa Sài Gòn hoa lệ, và có cùng tâm trạng về thân phận mình như Vũ Hữu Định, người khách lạ đi lên đi xuống thành phố sương mù miền cao nguyên. Người bàng quang có thể không thấy sự tương đương nào giữa một người lính bât-đắc-dĩ phải đóng đồn trên cao nguyên và một bác sĩ với hoản dịch gia cảnh sống tự do ở thủ đô nhưng chúng tôi giống nhau trong thân phận người. Chúng tôi là những người “xui xẻo” có tâm huyết, có đầu óc và luôn luôn tự vấn về ý nghĩa của sự hiện hữu của mình trên đời. Nghĩ về thân phận mình nhưng không phải là ích kỷ vì chúng tôi cùng thấy sự hẩm hiu của thân phận người. Thân phận của người Việt tương tàn lẫn nhau trong một cuộc nội chiến phi lý, cuộc nội chiến yểm trợ bởi một chủ nghĩa vô thần phi nhân và một chủ nghĩa tư bản phi nhân.
Vũ Hữu Định gặp một người con gái “má đỏ môi hồng” của Pleiku và tìm được một ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình. Tôi được nghe bài Còn Chút Gỉ Để Nhớ và chợt nghĩ ra rằng “an phận” sống ở Sài Gòn hay chấp nhận sống làm ngưòi trong thời buổi này có thể là một thái độ tích cực tuỳ thuộc vào khả năng nhìn nhận những nét đẹp, những điểu đáng yêu quanh ta. Nhờ bài thơ của họ Vũ, tôi vượt qua được nỗi buồn làm người tha hương sau khi kẹt lại ở Mỹ (tôi xuất ngoại năm 1974).
thân,
hkg