“Nghệ thuật cải lương không chết”. Đó là lời khẳng định có cơ sở nếu bạn bước vào thế giới của những cư dân mạng yêu cải lương hiện nay.
Biểu hiện lòng yêu thích nghệ thuật cải lương qua những trang web rồi sau đó, những người có chung chí hướng tập hợp nhau lập nên các CLB yêu thích ca cổ và sân khấu cải lương. Hiện nay, có hàng chục trang web với hàng ngàn thành viên đang gắn kết với nghệ sĩ và tác động của họ không nhỏ đến sự phát triển của nghệ thuật cải lương trong đời sống xã hội và trên các sàn diễn.Khán giả văn minh
Các sàn diễn khó khăn vì vắng khách nhưng trên các trang web: cailuongvietnam.com ; cailuongvietnam.net ; dacohoailang.com ; conhacvietnam.com ; caovanlau.vn ; conhacquehuong.com …, nghệ thuật cải lương luôn sôi động. Nhiều vở tuồng, bài hát vọng cổ của các nghệ sĩ nổi tiếng qua hàng chục năm và của nghệ sĩ trẻ hiện nay đều được số hóa, chuyển tải cho mọi người thưởng thức, bình phẩm... Mỗi ngày, có hàng chục ngàn lượt người truy cập vào các trang web này.
Các thành viên CLB Yêu thích cổ nhạc Anh Em trong tiết mục ca cổ Võ Đông Sơ do CLB tự tổ chức (Ảnh do cailuongso.com cung cấp) |
Tại Liên hoan Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tổ chức tại TP Biên Hòa - Đồng Nai vừa qua, những chiếc áo hồng đồng phục của thành viên trang web này đã có mặt trực chiến để thông tin, bình luận về các vở diễn làm nóng các trang mạng cải lương. Soạn giả Hoàng Song Việt nói: “Sàn diễn cải lương rất cần họ, vì trên diễn đàn họ nói thẳng, nói thật, phê phán tới nơi và có trách nhiệm. Chưa lúc nào sàn diễn cải lương lại có đội ngũ khán giả trẻ có trình độ và nhận xét chính xác như hiện nay”.
|
Tương tác để đổi mới
Qua rồi cái thời những thông tin ảo trên mạng mà người viết phê phán nghệ sĩ vô tội vạ, đề cập chuyện đời tư nhiều hơn là góp ý về ca diễn. Các trang web cải lương, ca cổ đã có chung tiêu chí tẩy chay những thành viên ảo. Thay vào đó, họ giới thiệu rất rõ về bản thân và có ý kiến chính xác về các vai diễn, vở diễn từ màn ảnh cho đến các suất diễn hiếm hoi được sáng đèn tại TPHCM và các tỉnh. Bạn Nguyễn Văn Khanh (nhân viên phòng marketing một doanh nghiệp lớn) nói: “Có sự tương tác sẽ làm thay đổi nhận thức làm nghề của nghệ sĩ. Sàn diễn cải lương chết vì xem nhẹ yếu tố tương tác này. Một thời nghệ sĩ lạm dụng việc hát nhép, diễn ẩu, bị lên án, nay không còn dám vì cộng đồng mạng sẵn sàng tố cáo người nào hát nhép”.
Sự lớn mạnh của những sân chơi này đã khiến không ít nghệ sĩ cải lương phải quan tâm. NSND Lệ Thủy cho biết: “Nhiều năm qua, nhờ các CLB này mà giới nghệ sĩ được nghe những ý kiến đóng góp hết sức chân thành. Sàn diễn cải lương rất cần những khán giả đam mê nhưng có trình độ tri thức và có trách nhiệm với cộng đồng”.
Từ những diễn đàn này, khán giả trẻ đã định hướng cho nghệ sĩ trong nhiều sô diễn. Nghệ sĩ Vũ Luân cho biết: “Tôi dự định tổ chức live show cá nhân thì nhận được hàng trăm ý kiến góp ý rất tâm đắc của người hâm mộ. Vì thế, chương trình chuyên đề về người mẹ của tôi trên sân khấu được dàn dựng đúng như góp ý của khán giả trẻ” .
Đời sống sàn diễn cải lương rất cần sự tương tác công tâm giữa người sáng tạo và người hưởng thụ, vì từ đó nghệ sĩ nhận được sự phản hồi của chính người xem, bên cạnh sự bình phẩm của công luận để góp phần nâng cao tính thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật của từng tác phẩm, vai diễn.
Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121124/cai-luong-song-tren-internet.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét