Dường như lịch sử văn học, nghệ thuật của quốc gia nào, thời kỳ nào cũng có những tài năng lớn, được nhiều người cùng giới đánh giá cao. Nhưng mức độ phổ cập trong quần chúng, lại không tương ứng với những cống hiến lớn lao của họ. Tôi trộm nghĩ, cố nhạc sĩ Hoàng Trọng là một trong những trường hợp này.
Từ trái qua: Hoàng Trọng,
Duy Trác, Thanh Sơn, Kim Tước, Tuyết Anh, Ánh Tuyết, Mai
Hương (Nguồn Cỏ Thơm)
Tôi biết nhiều người thuộc
lòng một số ca khúc của họ Hoàng. Vậy mà khi hỏi tên
tác giả, thì họ lại không biết, hoặc không dám chắc
đó là sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Trọng.
Cụ thể như ca khúc “Hai Phương Trời Cách Biệt”, tôi nghĩ, đôi lần chúng ta đã nghe qua. Đã rung động với giai điệu và, ca từ lãng mạn tới nao lòng của họ Hoàng:
“Ánh nắng chiều thoáng phai rồi / Hoàng hôn khơi thương nhớ tới xa xôi / Nhớ mãi nhớ muôn đời / Một chiều em khóc trong hồn tôi / Góp hết lại những câu thề / Trả lại cho nhau lúc chia ly / Cố nuốt bao nhiêu lệ / Nhìn theo duyên kiếp đi không về…”
(Nhạc và lời Hoàng Trọng. Theo dactrung.com)
Hoặc:
“Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím / Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến / Chiều xuống áo tím thường thướt tha / Bước trên đường gấm hoa / Ngắm mây chiều lướt xa / Từ khi yêu anh anh bắt xa màu tím / Sầu thương cho em mơ ước chưa kịp đến / Trời đã rét mướt cùng gió mưa / Khóc anh chiều tiễn đưa / Thế thôi tàn giấc mơ (…) Từ khi xa anh em vẫn yêu và nhớ / Mà sao anh đi đi mãi không về nữa / Một bóng áo tím buồn ngẩn ngơ / Khóc trong chiều gió mưa / Khóc thương hình bóng xưa / Ngàn thu mưa rơi trên áo em màu tím / Ngàn thu đau thương vương áo em màu tím / Nhuộm tím những chuỗi ngày vắng nhau / Tháng năm càng lướt mau / Biết bao giờ thấy nhau…”
(Trích “Ngàn thu áo tím”. Nhạc Hoàng Trọng. Lời Vĩnh Phúc. Nguồn đd.)
Hoặc nữa:
“Bạn lòng thân mến / Đây giây phút hồn tôi / nghe chan chứa hương đời /Nhạc lời êm ái / tôi ca ấm vành môi / mong sao đến bên người /Bạn là trăng sáng /Trong đêm tối hồn tôi / Soi lên bao ánh tươi / Bạn là hoa thắm / trên hoang vắng tình tôi /
vun lên một mùa mới!...”
(Trích “Bạn Lòng”. Lời Hồ Đình Phương. Nguồn đd.)
Ngay ca khúc nồng nàn tình yêu quê hương, tổ quốc mà những ai từng lớn lên ở miền Nam, chí ít cũng đã có một lần nghe tới hoặc hát theo với xúc động, hãnh diện là người dân Việt, ca khúc “Bên Bờ Đại Dương” - - Nhưng vẫn có nhiều người không hề biết đó là một sáng tác khác của họ Hoàng:
“Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương / Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung / Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang / Vượt núi rừng già Trường Sơn / Vào tới ruộng ngọt phương Nam / Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm / Trên máu xương từng hát ca bài thành công / Dân nước tôi nòi giống hùng cường Lạc Long / Làm gái toàn là Trưng Vương / Làm trai rạng hồn Quang Trung…”
(Nhạc Hoàng Trọng. Lời Hồ Đình Phương. Trích. Nguồn đd.)
Cũng vậy, tôi nghĩ có dễ nhiều người hơn nữa, cũng không hề biết rằng nhạc sĩ Hoàng Trọng bước vào quảng trường tân nhạc Việt Nam rất sớm: Ngay tự những năm cuối thập niên (19)30.
Trong bài nói chuyện về cố nhạc sĩ Hoàng Trọng, nhân buổi tưởng nhớ tác giả “Hai Phương Trời Cách Biệt”, ngày 20 tháng 7 năm 2008, tại hí viện James Lee Theater, Virginia, Luật Sư Phạm Đức Tiến cho biết, nhạc sĩ Hoàng Trọng là một trong những nhạc sĩ có công khai phá nền tân nhạc Việt Nam; cùng thời với những tên tuổi lớn thuộc giai đoạn đó, như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát…
Diễn giả Phạm Đức Tiến nhấn mạnh:
“…Bản nhạc đầu tay của ông (Hoàng Trọng) được sáng tác vào năm 1938 khi ông mới 16 tuổi, là bài ‘Đêm Trăng’, còn có tên là ‘Vầng Trăng sáng’. Ngay từ những sáng tác đầu, nhạc của ông đã được sự chú ý. Phạm Duy sau này có kể lại là khi còn làm ca sĩ chính ông đã hát một trong những bài đầu tay của Hoàng Trọng là bài ‘Tiếng Đàn Ai’ và Phạm Duy thú nhận bài này đã gợi hứng cho ông viết nên bài ‘Tiếng Đàn Tôi’ sau này…” (Wikipedia – Tiếng Việt)
Nhạc sĩ Hoàng Trọng không chỉ là một trong những nhạc sĩ tiên phong khai phá nền tân nhạc Việt, dựa trên thang âm thất cung mà, ông còn là người nâng điệu Tango tương đối còn xa lạ với giới thưởng ngoạn ở những thập niên (19)30, (19)40 lên tới đỉnh ngọn nghệ thuật của điệu này.
Vì thế, những người cùng giới với họ Hoàng, đã không ngần ngại, đồng lòng phong tặng ông danh hiệu “Ông Hoàng Tango” tân nhạc Việt.
Phong tặng này là một vinh dự to lớn cho một nhạc sĩ. Nhưng nếu vì danh hiệu đó mà, lầm tưởng rằng họ Hoàng chỉ thành công với thể điệu vừa kể thì, tôi cho lại là một lầm lẫn và một bất công khác đối với tài năng, và những cống hiến giá trị khác của nhạc sĩ Hoàng Trọng, cho kho tàng tân nhạc của chúng ta.
Bằng cớ, bên cạnh những ca khúc được coi là tuyệt vời với điệu Tango, nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng có những ca khúc còn lưu truyền tới hôm nay - - Được ông viết với nhịp điệu chậm hơn Tango, như Slow, Bolero, Rumba. Hoặc những ca khúc được họ Hoàng viết với nhịp điệu nhanh hơn Tango như March, Fox, Paso…
Đừng quên tới nay, sinh hoạt tân nhạc của chúng ta, mỗi khi mùa xuân về, vẫn âm vang giai điệu tươi vui, ca từ lấp lánh tin yêu của ca khúc “Gió mùa xuân tới”:
“Gió mùa xuân tới cánh hồng tươi thắm trong nắng vàng / Muôn bướm tung bay mang sắc tươi phô cùng trời sáng / Gió mùa xuân tới bóng hồng tha thướt trong nắng đào /Kiếp sống cô đơn mơ ước ôm trong lòng hoa tươi / Xuân reo khắp nơi trời ngát hương trầm lòng mang vấn vương
Hồn say mộng ước cùng những đóa hoa /ấp ủ trái tim hướng những phút say mơ // “Với mùa hoa thắm khắp trời xuân sáng vui tưng bừng / Muôn sắc khoe tươi reo hát ca vang mừng trời Xuân…”
(Nhạc và lời Hoàng Trọng. Trích. Nguồn đã dẫn)
Cũng với nhịp điệu nhanh hơn Tango rất nhiều, điệu Paso, họ Hoàng, còn cho chúng ta một ca khúc bất hủ khác: Ca khúc “Dừng bước giang hồ”:
“Chiều nay sương gió, lữ khách dừng bên quán xưa / Mơ màng nghe tiếng chuông chiều, / vương về bên quán tiêu điều / Vầng trăng hoen úa, như lá vàng rơi cuối thu / Lững lờ soi mấy hàng cây u sầu đang ngắm trời mây…”
(Nhạc Hoàng Trọng. Lời Quang Khải. Trích. Nguồn đd.)
Chỉ mới là lược dẫn, chúng ta đã thấy dường như không một vạch phấn nào, giới hạn được đường bay nghệ thuật của tài hoa Hoàng Trọng. Chẳng qua, chúng ta biết được quá ít về ông. Phải chăng, chính sự biết được quá ít về tác giả “Dừng bước giang hồ”, nên tấm lòng biết ơn của chúng ta, dành cho ông, đã không được đúng mức?
Du Tử Lê,
(Kỳ sau tiếp)
http://dutule.com/D_1-2_2-105_4-5121/chung-ta-biet-gi-ve-nhac-si-hoang-trong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét