Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

HÌNH ẢNH NGƯỜI LÍNH TRONG 20 NĂM TÂN NHẠC MIỀN NAM.

Nhìn lại 20 năm tân nhạc miền Nam (1954-1975), theo tôi, có hai đề tài lớn; chiếm giữ phần trăm cao nhất về số lượng là, Tình ca và Người lính.
Riêng đề tài người lính còn tràn lấn sang cả đề tài nhạc quê hương. Vì, căn bản, vai trò người lính là gì, nếu không phải là bảo vệ quê hương, phục vụ đất nước?



Vì thế, trừ những nhạc sĩ có số lượng sáng tác quá ít, hoặc không sinh hoạt liên tục, đa số còn lại, đều bước vào thể tài người lính, để thi thố tài năng, giãi bày tâm cảm. (Như những người làm thơ, sớm muộn gì, cũng bước vào thể thơ lục bát vậy).
Ngay Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thành danh từ những ca khúc mang tính khước từ cuộc chiến miền Nam, cũng đã có ít nhất một ca khúc viết về người lính. Ca khúc “Hát cho một người nằm xuống.” Ông viết ngay sau cái chết của cố Đại tá Không quân Lưu Kim Cương (trong biến cố tết Mậu Thân, 1968).

Tôi không biết vì nội dung ca khúc đã lãng mạn hóa cuộc đời và, cái chết của người lính nêu trên, hay vì lòng cảm thương chân thành của ông dành cho người vừa năm xuống mà, ca khúc ấy, lập tức được quần chúng đón nhận rộng rãi. Tuy ca khúc này không được chính quyền Hà Nội cho phép hát công khai, nhưng ở những họp mặt “tự phát” và, nhất là ở hải ngoại, “Hát cho một người năm xuống” vẫn được trình bày, đón nhận như một trong những rung cảm nhân bản nhất của sự nghiệp âm nhạc của họ Trịnh:

“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi!...”

Trước Trịnh Công Sơn nhiều chục năm, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã lãng mạn hóa hình ảnh người thương binh miền Nam trong ca khúc “Ngày trở về.” Nội dung ca khúc mang tính biểu tượng, nhưng đó là một trong những ca khúc viết về người lính, tạo được những đợt sóng xúc động không nhỏ trong tâm hồn người nghe:

“…Mẹ lần mò, ra trước ao
Nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ
Tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ

(…)
“Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ…”

Cũng vậy, với nhạc sĩ Tuấn Khanh là ca khúc “Hoa soan bên thềm cũ,” thời chiến tranh chưa bộc phát dữ dội ở miền Nam. Đó là tương quan đằm thắm giữa người lính và người dân:

“…Tới trước ngõ cũ nghe kể rằng:
Giặc tràn qua thôn xóm
Gieo bao đau thương bao điêu tàn
từ ngày anh vắng xa.
Nay qua đau thương, yên bình rồi,
Tình ta lên hương ngát
Như hương hoa soan vang bên thềm
Nhẹ nhàng như ngát say…”

Cùng “game” màu ấy, chúng ta có ca khúc “Tình quê hương,” nhạc sĩ Đan Thọ phổ thơ Phan lạc Tuyên:

“Anh về qua xóm nhỏ,
Em chờ dưới bóng dừa.
Nắng chiều lên mái tóc,
Tình quê hương đơn sơ.

Quê em nghèo, cát trắng,
Tóc em lúa vừa xanh.
Anh là người lính chiến,
Áo bạc màu đấu tranh…”

Ngay nhạc sĩ Phạm Đình Chương, người nổi tiếng với những tình khúc chất ngất đam mê, hoặc vĩ đại như trường ca “Hội trùng dương,” cũng có không ít những sáng tác viết về người lính miền Nam. Thí dụ ca khúc “Anh đi chiến dịch”:

“Anh đi chiến dịch xa vời,
lòng súng nhân đạo cứu người lầm than.
Thương dân nghèo ruộng hoang cỏ cháy.
Thấy nỗi xót xa của kiếp đoạ đầy anh đi.

“Không quên lời xưa đã ước thề,
dâng cả đời trai với sa trường.
Nam nhi cổ lai chinh chiến hề,
nào ai ngại gì vì gió sương.
Hôm nay ruộng đồng trong chiến dịch,
kìa sáu chốn miền Đồng Nai lên niềm tin.
Nghe như lúa reo đời sống lành,
nghe như đất vui nhịp quân hành…”

Khi cuộc chiến miền Nam có những chỉ dấu gia tăng cường độ và, nhất là sau khi chính phủ ban bố tình trạng tổng động viên thì, nền tân nhạc Việt Nam lại càng có thêm nhiều những ca khúc phản ảnh ưu tư, hàm chứa những câu hỏi lớn về chiến tranh, thân phận sinh, tử bất trắc của người lính.
Điển hình như một số sáng tác của Nguyễn Văn Đông:

“Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa

“Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng,
Chờ mùa Xuân tươi sáng, nhưng mùa thắm chưa sang
Anh đến đây, rồi anh như bóng mây,
Chốn phương trời ấm lạnh hòa chung mái nhà tranh…”
(Trích “Mấy dặm sơn khê”)

Hay “Phiên Gác đêm xuân” cũng của Nguyễn Văn Đông:

“Đón Giao Thừa một phiên gác đêm,
Chào xuân đến súng xa vang rền.
Xác hoa tàn rơi trên báng súng,
Ngỡ rằng pháo tung bay, ngờ đâu hoa lá rơi!

“Bấy nhiêu tình là bao nước sông,
Trời thương nhớ cũng vương mây hồng.
Trách chi người đem thân giúp nước,
Đôi lần nhớ bâng khuâng, gượng cười hái hoa xuân…”

Cũng có tác giả đề cập tới cuộc đời của người lính một cách trần trụi không son phấn, như ca từ trong ca khúc “Kẻ ở miền xa” của Trúc Phương:

“…Đơn vị thường khi nằm trên đất giặc
Thèm trong hãi hùng tiếng hát môi em
Tiếng hát ngọt mềm…
Người nâng lính khổ viết bởi câu ca,
vì tiền hay thiết tha?

“Xin đối diện một lần bên tôi
Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi
Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời!...”

Nhưng số ca khúc “Kẻ ở miền xa” có thể đếm trên đầu ngón tay, trong khi những ca khúc phản ảnh tinh thần thanh niên miền Nam bị động viên, ra chiến trường mà, vẫn bình thản chấp nhận thì, gần như không ai có thể đếm hết được. Cụ thể như ca khúc “Chúng mình ba đứa” của Song Ngọc và Hoài Linh:

“Mình có ba người, vừa đúng nét đôi mươi
Những chiều mây lưng đồi, tầm mắt hướng xa xôi,
Ngày sau một hai trong ba đứa không chung đường
Chắc nhớ nhau nhiều lắm

“Người lướt mây trời, vui kiếp sống không trung
Với một kẻ đi tìm vào sóng nước mênh mông
Còn riêng mình tôi vai ba lô về khu chiến
Nghe đường dài thêm…”

Nhưng, người có cả một gia tài ca khúc viết về người lính (bên cạnh tình ca), tôi e rằng không ai giầu có hơn cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Du Tử Lê

http://dutule.com/D_1-2_2-105_4-4900/hinh-anh-nguoi-linh-trong-20-nam-tan-nhac-mien-nam.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét