(Dân trí) - Từ những gốc tre thô sơ, tưởng như vô
giá trị, bằng đôi bàn tay khéo léo, người nghệ nhân già ở làng quê
nghèo Long Hội (Sơn Bình, Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã tạo nên những kiệt tác
đáng khâm phục.
Những ngày cuối năm, để có chút
thời gian ngồi trò chuyện với nghệ nhân Lê Mưu, SN 1924, trú xóm Long
Hội, xã Sơn Bình, quả là rất khó khăn. Dù sức khỏe không còn như trước,
tuổi cao sức yếu nhưng gần như từ sáng đến tối, đôi tay cụ Mưu không
ngưng nghỉ. Cụ dành cả khối óc tinh nhạy và đôi tay tài hoa để thổi hồn
vào những gốc tre, biến chúng từ một thứ vứt đi thành những tác phẩm
nghệ thuật đặc sắc.
88 tuổi cụ Mưu vẫn miệt mài tìm kiếm những gốc tre phục vụ chế tác các tác phẩm của mình
Thoáng lướt qua góc nhà đơn sơ của cụ Mưu, chúng tôi không khỏi ngỡ
ngàng trước những kiệt tác được làm từ những gốc tre xù xì, thô ráp. Có
thể điểm đủ các linh vật đến cóc, gà, nghê, voi, ngựa, rắn, hạc, thằn
lằn, chim muông và cả hình Tôn Ngộ Không. Tác phẩm nào cũng vô cùng sống
động nhưng có lẽ đẹp nhất vẫn là những con rồng.
Con đường trở thành một nghệ nhân chuyên sáng tạo trên gốc tre của
cụ Mưu cũng hết sức tình cờ. “Một hôm đi trên con đường làng nắng như đổ
lửa, tui dừng lại cạnh một bụi tre bên đường để trú nắng. Một gốc tre
xù xì nhưng có hình thù uốn lượn rất đẹp lọt vào mắt. Tui tự nghĩ sẽ
biến gốc tre này thành con rồng đang bay lượn trên bầu trời xanh biếc” –
cụ Mưu kể.
Bắt đầu là những gốc tre thô ráp...
Ý tưởng là vậy, nhưng khi cụ mang gốc tre khô khốc về nhà, người
thân đều bảo cụ... dở hơi, phí sức cho những việc vô nghĩa. Bất chấp
những lời ra tiếng vào, cứ rảnh rỗi là cụ Mưu lại dùng đục đẽo, gọt,
chạm trổ gốc tre; có hôm quên cả ăn uống. Cuối cùng sau một khoảng thời
gian dài khó nhọc, cụ Mưu cũng cho ra đời tác phẩm “rồng tre”. Hôm trình
làng tác phẩm, cụ nấu một ấm nước chè xanh và mời mọi người cùng sang
quây quần ngắm nghía. Chứng kiến tác phẩm đã hoàn thiện, mọi người mới
trầm trồ ngỡ ngàng, không ngờ con rồng tre lại đẹp như vậy.
Thành công với tác phẩm đầu tay đã giúp cụ Mưu có thêm động lực
tiếp tục cho ra đời nhiều kiệt tác khác bằng gốc tre, có sức hút và sống
động kỳ lạ. Những tác phẩm của cụ nhanh chóng vượt ra khỏi lũy tre
làng, đi tới nhiều vùng trong và ngoài tỉnh.
Năm 1968, nhân dịp khánh thành Công viên Nguyễn Tất Thành ở Hà Nội,
các tác phẩm của cụ Lê Mưu đã vinh dự được đem ra trưng bày. Tại cuộc
trưng bày này cụ Mưu đã bán được 30 tác phẩm nghệ thuật sáng tác từ gốc
cây tre cho Việt kiều từ Nga, Trung Quốc, Mỹ… Cũng sau đợt triển lãm
này, cụ được Hội VHNT Hà Tĩnh kết nạp làm hội viên.
Trong mấy năm qua cụ Lê Mưu đã tích cực truyền nghề cho một số học trò song tới nay chưa ai đạt tới trình độ điêu luyện như cụ.
Cùng ngắm một số tác phẩm nghệ thuật từ gốc cây tre do cụ Lê Mưu sáng tác:
Một con rồng tre sắp hoàn thành
Con rồng tre trị giá hàng chục triệu mà cụ Mưu đang sở hữu
Dưới bàn tay của người nghệ nhân già những gốc tre vốn thô ráp trở thành những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao
Cụ Mưu trình làng một chú voi bằng gốc tre
Thêm những hổ, cóc.
Văn Dũng - Sang Sang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét