Tình nguyện “vác tù và hàng tổng” với một Hội đồng quản
trị hiểu nhau, chung chí hướng và không nhận lương, ông Võ Quốc Thắng
không hứa hẹn nhưng tin tưởng VPF sẽ hoàn thành mục tiêu đưa bóng đá
Việt Nam tới bến bờ chuyên nghiệp.
> Bầu Thắng làm Chủ tịch VPF / 'VPF phải có cái tâm'
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng tin tưởng VPF sẽ đi đúng hướng. Ảnh: Thế Ngọc. |
Việc ông Võ Quốc Thắng được tín nhiệm giữ ghế Chủ tịch
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được
xem là bất ngờ lớn nhất ở cuộc Đại hội cổ đông công ty này bởi trước đó
dư luận gần như chắc chắn chiếc ghế này thuộc về Phó chủ tịch VFF, ông
Lê Hùng Dũng.
“Anh Dũng, anh Đức, anh Kiên đã gặp trực tiếp và trao
đổi với tôi về vị trí này từ hôm trước. Tôi đã phải thức đến 4h sáng để
suy nghĩ. Nếu tôi không nhận, thì quá vô trách nhiệm. Ngược lại, nếu tôi
làm, các CLB cũng phải ủng hộ, góp ý xây dựng để mọi việc tốt đẹp hơn,
NHM đến với bóng đá đông hơn. Đây là vinh dự lớn đồng thời cũng đặt tôi
vào trọng trách rất lớn”, Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của VPF
phát biểu.
Ông Thắng là Ủy viên Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phó
chủ tịch Hội thanh niên Việt Nam, Chủ tịch hội doanh nhân trẻ Việt Nam.
Trong lĩnh vực bóng đá, bầu Thắng là Chủ tịch CLB Long An – đội mới bị
xuống hạng. Kiêm nhiệm nhiều chức vụ nhưng ông Thắng cho rằng mình có
thể làm tốt nhiệm vụ ở VPF bởi giữa ông và các thành viên còn lại của
Hội đồng quản trị VPF rất hiểu nhau.
“Chúng tôi đã rất hiểu nhau ngoài đời. Giữa tôi và các
Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, các thành viên và các cổ đông có thể
tìm được tiếng nói chung bởi tất cả đều có cùng chí hướng đem đến một
tương lai tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam. Công việc của VPF không phải là
quá sức bởi bây giờ, với cơ chế mới cùng công nghệ hiện đại, chỉ cần một
chiếc Ipad, một điện thoại, các thành viên Hội đồng quản trị có thể gặp
nhau để bàn bạc và đưa ra những quyết sách kịp thời”, ông Thắng nói.
VPF là sản phẩm hiện thân của ước vọng xây dựng một
nền bóng đá sạch, đẹp, hấp dẫn và chuyên nghiệp. Nhưng sau khi Công ty
này nhận được sự đồng thuận của VFF và 28 đội bóng, đã có những ý kiến
cho rằng, vì là doanh nghiệp, VPF cần phải quan tâm tới việc sinh lợi.
Cụ thể, nhiều ông bầu đề nghị xem xét lại hợp đồng bản quyền truyền hình
có thời hạn 20 năm mà VFF bán cho AVG. Bên cạnh đó, có ý kiến đề xuất
các phương án kiếm tiền cho VPF.
Những thông tin này khiến dư luận lo ngại VPF có thể
đi lệnh tôn chỉ sạch, đẹp, hấp dẫn và chuyên nghiệp cho bóng đá Việt
Nam. “Đây không phải là vấn đề cần tranh cãi bởi bản thân các thành viên
của Hội đồng quản trị đều là những doanh nhân thành đạt. Với mô hình
doanh nghiệp, trước sau thì chuyện kiếm tiền cho VPF cũng được tính đến.
Nhưng trước hết phải thực hiện bằng được các tôn chỉ mà VPF đặt ra. Nếu
V-League, hạng Nhất hay Cup Quốc gia sạch sẽ, đẹp mắt và chuyên nghiệp,
bài toán kiếm tiền cho VPF sẽ được giải quyết”. Ông Thắng nói.
Ông Thắng là một doanh nhân, việc ông ngồi lên chiếc
ghế quyền lực nhất của VPF nhận được sự ủng hộ của các cổ đông, giới
chuyên gia, HLV và CĐV. Nhưng ở những vị trí khác, vẫn có những ý kiến
nghi ngờ về năng lực. Ông Thắng không cho đây là vấn đề. “Có thể nhân sự
của VPF là những cái tên cũ. Chưa thể nói họ có làm được việc hay không
bởi mọi thứ còn ở phía trước. Cơ chế mới thông thoáng hơn, ai có năng
lực sẽ được dịp phát huy. Nếu không được việc, VPF hoàn toàn có thể thay
đổi bất cứ vị trí nào”.
VPF mới khai sinh và đang đối diện vô vàn khó khăn. Sự
trì trệ, tiêu cực đã ăn sâu vào các giải đấu V-League, hạng Nhất mà VFF
đã bất lực trong việc loại trừ. “Bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng
không giống bất cứ quốc gia nào. Vì thế không thể bê nguyên mô hình của
Hàn Quốc, Nhật Bản hay ngoại hạng Anh vào áp dụng. Cần có sự tiếp thu
hợp lý, một cách từ từ để tìm ra được cách hoạt động tốt nhất. Cái gì
tốt sẽ được tiếp thu, cái dở tất yếu bị loại trừ. Sai đâu sửa đấy, vừa
đi vừa dò sẽ thành đường. Có quá nhiều khó khăn đang chờ đón nhưng tôi
tin VPF sẽ vượt khó, đến bến bờ thành công. Bản thân tôi và các thành
viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát VPF tình nguyện không nhận lương.
Chỉ cần có cái tâm sáng, cùng chung một chí hướng, mục tiêu đưa các giải
bóng đá Việt Nam tới độ sạch, hấp dẫn, chuyên nghiệp, đưa tuyển Việt
Nam và đội U23 tới tầm đội mạnh… tất sẽ thành”. Người quyền lực nhất VPF
tỏ ra tự tin sau khi nhận chức.
Được bầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nhưng CLB
Đồng Tâm Long An của “bầu” Thắng lại đang sa sút và mùa này phải xuống
hạng Nhất. Điều này từng khiến dư luận nghi ngờ rằng, bầu máu nóng của
bầu Thắng với bóng đá đã cạn.
“Tôi chưa từng và sẽ không chán bóng đá. Có điều cần
phải nhận biết đâu là giá trị thật. Thử hỏi giá cầu thủ Thái Lan,
Indonesia là bao nhiêu? Tìm được câu trả lời sẽ rõ giá cầu thủ Việt Nam
bị đẩy lên cao quá mức. Không thể làm bóng đá theo cách ăn xổi được. Cầu
thủ phải trở về với giá trị thật của mình. Đồng Tâm Long An chấp nhận
chậm lại một vài năm nhưng chúng tôi sẽ trở lại một cách chắc chắn theo
hướng đi của riêng mình”. “Bầu” Thắng chia sẻ.
Khoa Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét