Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Những bệnh dễ mắc trong mùa lạnh

Miền Bắc đã thực sự bước vào mùa rét, trời hanh khô, nhiệt độ chênh lệch lớn trong ngày, vì thế các bệnh do virus có điều kiện phát triển như cúm, viêm đường hô hấp...

Dưới đây là một số bệnh hay gặp khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh:
- Sổ mũi: Đây là bệnh dị ứng phổ biến nhất vào mùa lạnh. Bệnh nhân hắt hơi liên tục, chảy nhiều nước mũi trong và lỏng, không sốt. Dùng thuốc chống dị ứng thông thường trong vài ngày sẽ hết.
- Viêm họng: Đây là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn và trẻ em khi trời lạnh. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là do virus, sau đó là liên liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, kèm theo sốt, khàn tiếng.
Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, nếu bệnh do virus thì không cần dùng kháng sinh. Thay vào đó, người bệnh chỉ cần dùng các thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng. Chẳng hạn, nếu thấy ho thì dùng thuốc long đờm, giảm ho, nếu sốt và đau họng thì uống pracetamol và nghỉ ngơi, uống nhiều nước....
Đặc biệt lưu ý nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu tan máu nhóm A, có thể biến chứng dẫn đến bệnh thấp khớp, tim, phổi... ở trẻ.
- Cúm: Virus cúm lưu hành mạnh vào mùa đông. Bất kể ai cũng có thể mắc bệnh, thậm chí là một người hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể trở bệnh nặng chỉ sau 2 ngày nhiễm virus.
Hiện nay, virus cúm A(H1N1) từng gây thành đại dịch trong năm 2009 vẫn lưu hành quanh năm. Theo thống kê, trong tháng 11, trên địa bàn cả nước ghi nhận 25 trường hợp mắc, 3 trường hợp tử vong.
- Viêm mũi - xoang: Người bệnh có các biểu hiện bệnh như: ngứa và chảy nước mũi nhiều, có thể sốt hoặc không. Trẻ còn bú thì bị nghẹt mũi, thở khò khè, phải thở bằng miệng, khi bú phải ngưng lại nhiều lần để thở, ngủ không yên giấc. Đặc biệt, viêm mũi tái đi tái lại nhiều lần có thể là dấu hiệu của bệnh VA, Amiđan.
Viêm xoang thường xảy ra sau bệnh mũi như sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi. Người bệnh có thể thấy nhức đầu, nước mũi đặc...
- Viêm amiđan và VA: Đây là hai bệnh khá phổ biến ở trẻ 3-7 tuổi. VA và amiđan là nơi sản xuất ra kháng thể chống lại vi trùng xâm nhập vào cơ thể, đồng thời cũng là nơi tập trung vi trùng nếu không còn khả năng tiêu diệt. Trẻ viêm VA sẽ chảy nước mũi thường xuyên, ban đầu là nước mũi trong sau đục mủ vàng hoặc xanh, sốt vặt kèm ho nhiều, chảy mủ tai, mũi bị nghẹt...
Những biểu hiện khi bị viêm amiđan cấp là sốt cao, đau họng, khó nuốt, chảy nước miếng, mệt mỏi, biếng ăn. Bệnh dễ gây biến chứng nếu không điều trị đúng.
- Hen phế quản: Khó thở là biểu hiện điển hình của hen, hơi thở kéo dài làm phập phồng cánh mũi, gây co kéo hõm ức, tiếng thở khò khè, môi tím... Nhiều trường hợp khó thở cấp tính cần xử trí cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa Hô hấp Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn khuyến cáo, với những trẻ có sẵn tiền sử bị hen thì khi trời trở lạnh rất dễ bị tái phát cơn, bệnh thường trở nặng hơn. Các biểu hiện thường gặp là ho, thở khò khè, khó thở, co rút lồng ngực, trẻ nhỏ thì bỏ bú, quấy khóc...
- Tiêu chảy cấp: Trời se lạnh cuối năm là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Trong đó, tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp nhất và dễ có nguy cơ phát triển thành dịch, đặc biệt là tiêu chảy cấp do rotavirus. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 24 tháng tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu như không trẻ nào thoát khỏi tiêu chảy cấp do rotavirus. Virus gây tiêu chảy có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường phân-miệng.
Theo các bác sĩ, để phòng chống các bệnh vào mùa đông xuân, điều cơ bản là chống lạnh (mũ, áo lạnh, khăn quàng cổ, tắm nước ấm...) và đeo khẩu trang chống bụi. Bố mẹ cần lưu ý giữ ấm cho con, đồng thời thay trang phục cho trẻ phù hợp với nhiệt độ môi trường (buổi sáng và tối mặc ấm, trưa nắng nên cởi bớt đồ), hạn chế cho bé ra ngoài trời lúc có sương, gió.
Thường xuyên làm thông thoáng đường thở, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Ăn uống đủ chất để có năng lượng chống lạnh và súc miệng nước muối hằng ngày. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thêm các loại trái cây, kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức đề kháng. Đồng thời, cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, thông thoáng khí.
Phương Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét