Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

NGUYỄN ĐỨC QUANG

Nguyễn Đức Quang (1944 - 27 tháng 3, 2011) là một nhạc sĩ người Việt.
Ông sinh ở Sơn Tây bắc Việt. Năm 1954 khi Việt Nam bị chia đôi thì ông theo gia đình di cư vào Nam, định cư ở Đà Lạt. Ông nhập học và tốt nghiệp trường Đại học Đà Lạt phân khoa chính trị kinh doanh.

Đóng góp vào nền tân nhạc Việt Nam

Bắt đầu từ thập niên 1960 ông được biết đến qua nhiều nhạc phẩm với chủ đề thanh niên, tranh đấu, và cộng đồng. Tác phẩm đầu tay của ông là "Gươm thiêng hào kiệt", viết vào năm 1961 cho phong trào Hướng đạo. Ông là một trong những người lập ra phong trào Du ca vào năm 1966 tại Miền Nam Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng của ông phải kể những bài "Chiều qua Tuy hòa", "Việt Nam Quê hương ngạo nghễ", "Về với Mẹ Cha", "Bên kia sông", "Xin chọn nơi này làm Quê hương". Trong tổ chức Hướng đạo Việt Nam, ông là một trong những cột trụ.
Năm 1979 ông vượt biên sang Hoa Kỳ tỵ nạn và định cư ở Little Saigon, California. Ông hợp tác với các Nhật báo Người Việt, Viễn Đông rồi sau đó đứng ra lập tuần báo Chí LinhNguyệt san Phụ nữ Diễn đàn. Một thời ông cũng đóng góp trên chương trình phát thanhtruyền hình VOC. Hướng đạo Việt Nam đã tặng ông giải thưởng cao quý nhất: Bắc đẩu huân chương.
Sau một thời-gian lâm trọng bệnh, ông từ trần lúc 04:00 sáng ngày 27 tháng 3 năm 2011 tại tiểu bang California, Hoa Kỳ.

WESTMINSTER (NV) - Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, một trong những người sáng lập Phong Trào Du Ca Việt Nam hồi thập niên 1960, vừa qua đời lúc 4 giờ sáng Chủ Nhật, 27 Tháng Ba, 2011, tại California, Hoa Kỳ, thọ 68 tuổi.
Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang trong buổi sinh hoạt kỷ niệm 40 năm Phong Trào Du Ca, tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt năm 2010. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Cách đây hơn một tháng, hôm 11 Tháng Hai, nhạc sĩ được đưa vào bệnh viện Fountain Valley chữa trị vì tai biến mạch máu não.
Thời gian trong bệnh viện, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang được chữa trị trong khu săn sóc đặc biệt, và không ai được phép vào thăm bệnh nhân.
Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang bắt đầu sáng tác năm 1961, với ca khúc “Gươm thiêng hào kiệt,” dành cho phong trào Hướng Ðạo.
Sau biến chuyển chính trị lớn ở miền Nam Việt Nam vào năm 1963, ông bắt đầu sáng tác các tác phẩm mang chủ đề thanh niên và những vấn đề đất nước. Đến năm 1964 thì chuyển hẳn sang chủ đề tuổi trẻ, quê hương, dân tộc; xây dựng đề tài mới cho tập “Trầm ca,” hát nhạc tranh đấu xã hội và nhạc sinh hoạt thanh niên.
Ông là người tham gia thành lập Phong Trào Du Ca Việt Nam tại Sài Gòn năm 1966.
Những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang trong số hàng trăm tác phẩm để lại, phải kể đến những bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ,” “Bên kia sông,” “Vì tôi là linh mục,” “Chiều qua Tuy Hòa,” “Về với mẹ cha,”  “Xin chọn nơi này làm quê hương”…
Năm 1979, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang định cư tại Hoa Kỳ và hoạt động liên tục trong ngành truyền thông ở Little Saigon.
Ông từng là giám đốc trị sự và chủ bút báo Người Việt và là tổng giám đốc đầu tiên của công ty Người Việt từ 1984 đến 1988. Trong thời gian này báo Người Việt phát triển từ tờ tuần báo lên 5 ngày một tuần. Ông cũng là người sáng lập nhật báo Viễn Ðông. Sau khi rời báo Viễn Ðông, ông cộng tác với bạn bè lập công ty báo chí QMS Media, xuất bản báo Chí Linh, Phụ Nữ Diễn Ðàn, đài phát thanh và truyền hình VOC.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sinh năm 1944 tại Sơn Tây, theo gia đình di cư vào Nam năm 1954, định cư tại Đà Lạt năm 1958. Ông tốt nghiệp đại học Ðà Lạt, phân khoa Chính Trị Kinh Doanh, khóa 1.
Vào lúc 3 giờ 30 chiều cùng ngày, Hội Ðồng Trung Ương Hướng Ðạo Việt Nam trao tặng cố nhạc sĩ này Bắc Đẩu Huân Chương trong chương trình “Chiều nhạc du ca Nguyễn Ðức Quang” tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana.
Đây là chương trình được dự trù thực hiện trước khi nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang qua đời.
Theo Hội Ðồng Trung Ương Hướng Ðạo Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang gia nhập Hướng Đạo năm 1956, sau này trở thành trưởng và là linh hồn của Liên Đoàn Lê Lợi.
Bắc Ðẩu Huân Chương là huy chương cao quý nhất của phong trào Hướng Ðạo Việt Nam trao tặng cho trưởng có công gìn giữ và xây dựng một phương pháp giáo dục thanh thiếu niên. (Đ.D.)

Nhạc sĩ Du ca Nguyễn Đức Quang và Hành Trình Của Một Mối Tình  


Người nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sau thời “Quê Hương Ngạo Nghễ” thì nay đang dồn sức vào cho một chuyến đi nhiều ngày mà anh gọi là Hành Trình Của Một Mối Tình.
Chuyến đi này anh dự trù tới bẩy nơi trên đất Mỹ và Canada. Đó là những miền đất mà người Việt đang có mặt và phần lớn đều chưa về Việt Nam kể từ ngày bỏ nước, nên cứ thao thức vì lòng nhớ quê. Lịch trình anh soạn ra và được bạn bè thân hữu từ các nơi đón nhận là tháng 6 ngao du ở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, Philadelphia và New Jersy từ 23 tháng 6 tới 2 tháng 7. Tháng Bẩy, anh lộn về Washington State loanh quanh ở Seattle, Tacoma và Vancouver hát rong với bạn bè khoảng từ 24 tháng 7 tới 4 tháng 8. Tháng Tám ông ở Portland với Denver. Tháng Chín ông vọt qua Toronto và Montreal. Tháng Mười ông về lại Mỹ ghé lại Minnesota và Chicago. Tháng 11 ông vọt xuống phía nam du ca ở Houston và Dallas. Để rồi tháng 12 ông ghé sang Orlando và Tampa ở Florida trước khi trở về nam California tạm dừng gót giang hồ.
Ngày xưa anh từ nam ra trung trên “quê hương ngạo nghễ” thì nay anh dọc ngang nước Mỹ cũng là một quê hương, quê hương “Rộng” của anh, trong cuộc “Hành Trình của Một Mối Tình.”
Xin được hiểu chữ Tình cho rộng nghĩa cũng như chữ Quê Hương với anh bây giờ.
Gặp người nhạc sĩ của Du Ca vào một buổi sáng hè không có nắng mà lại có mây nhiều và khí trời chợt lạnh như buổi sang thu tại “nhạc thất” của anh, Nguyễn Đức Quang đã thổi vào tâm hồn chúng tôi niềm tự tin vững chãi. Tự tin gì ? Xin thưa ngay tự tin về điều mình đang làm và mình sẽ làm.
Với một dáng vẻ thật hứng khởi Nguyễn Đức Quang cho biết :”Cuộc hành trình này là một ước nguyện của tôi từ năm 1999, năm mà sinh hoạt ca nhạc ở hải ngoại như khởi sắc. Trong cái không khí khởi sắc ấy bạn bè thân hữu thúc đẩy mình nẩy sinh lòng hứng khởi và sửa soạn cho một chuyến đi như thế này. Trong thời gian này mình cũng thử nghiệm một vài chuyến đi ngắn, ngắn cả lộ trình cũng như ngắn cả thời gian. Đó là hai chuyến đi Úc vào năm 2001 và 2003. Cả hai chuyến đi này đều mang lại cho tôi thêm hưng phấn trong sáng tác. Mười lăm bài hát được khai sinh sau đó tràn đầy nhạc điệu. Tôi viết về tình yêu. Anh hỏi tôi vào tuổi này còn yêu được nữa chứ. Ô hay, một câu hỏi lạ. Tình yêu nào có quá khứ, đâu có tương lai mà chỉ có hiện tại. Yêu là sư rung cảm, rung cảm cho mình, rung cảm cho người. Tôi viết về tình yêu không chỉ riêng của tôi, cho tôi mà tôi viết cho người của mọi người. Anh ơi hãy nghe bài “Về đây nhé” trong Album nhạc Về Đây Nhé tôi sắp phát hành. Này, bên Úc anh em đã phát hành cho tôi rồi đó.”
Tiếng nhạc lan toả trong không gian. Những giai điệu tình tứ. Những lời hát hẹn hò miên man. Những thoáng láy lẳng lơ trầm diệu. Tất cả hoà trộn vào nhau kỳ thú làm nên một Nguyễn Đức Quang mới, một Nguyễn Đức Quang của hoài niệm của rung cảm lắng xưa và cuả rung cảm bây giờ. Kìa là hiện hình  một con phố cũ, một dốc mơ xưa trong những ca khúc hẹn hò diụ vợi trong “Một lần thôi”, “Về con phố xưa”, “Tôi chờ điều ấy”, “Tình tôi con dốc nhỏ”.
Dứt giòng trầm nhạc, Nguyễn Đức Quang trở lại niềm hứng khởi của chuyến sắp đi. Anh mê say diễn tả như đang mê say trình diễn những khúc du ca ngày nào. Anh cho biết cái tâm ý của anh trong chuyến đi này. Anh bảo :”Mỗi chuyến đi là phải mang một cái gì. Cái gì ấy lại phải đáp ứng được từng đối tượng mà mình gặp gỡ hát ca với nhau. Đâu có cần phải một sân khấu vĩ đại đèn giăng hoa kết. Chỉ cần một không gian, một chỗ ngồi bên nhau, dăm bẩy chục người đồng điệu trao cho nhau những giòng cảm xúc về tình người, tình quê hương xứ sở, nơi cho mình được sống làm người ... Tôi có một mối tình. Tình ấy là tình cho quê hương, cho gia đình cho bạn bè, hàng xóm. Tôi cũng có một mói tình cho những ngày khổ đau phải rời bỏ đất nước đi sống một cuộc đời tị nạn. Không ai có thể xoá bỏ được cuộc đời tị nạn của tôi. Bây giờ tôi có một quê hương Lớn gồm cả quê hương cũ lẫn mới. Được sống cuộc đời như thế không là Hạnh Phúc hay sao. Cho nên trong chuyến đi này tôi mong đem được một thông điệp mới mẻ này cho bạn bè thân hữu, cho các bạn trẻ đến nghe tôi hát. Tại sao cho đến giờ người Việt chúng ta vẫn còn nhìn nhau sợ hãi mà chúng ta không đạp đổ được cái sợ hãi đó để hát cho nhau nghe mối tình lớn này. Có phải chính những cái đó đã làm cho cuộc đời chúng ta chật hẹp đi từ bao nhiêu năm nay không.”
Ngưng lại một lát như để thêm hơi sức, người nhạc sĩ du ca lại tiếp :”Ngày xưa, trên những nẻo đường đất nước, những chuyến du ca tôi có cùng bạn hữu đi theo. Bây giờ tôi cũng mong bạn bè thân hữu cùng nhau trong chuyến đi này. Nhưng tôi hiểu, cuộc sống nay có khác xưa, việc sinh kế nhiều khi cũng cản bước. Nhưng có điều tôi không nản vì tôi nghĩ bạn bè tôi dù có không cùng đi nhưng với kỹ thuật truyền thông bây giờ chúng tôi vẫn gửi được cho nhau nhanh chóng điều mình muốn nói muốn tuổi trẻ theo dõi. Đó là những mạng Website và có ai cấm ta gọi đó là du ca trên mạng không nhỉ?”
Tạm chia tay với người nhạc sĩ còn đầy tâm huyết cho đời, cho người chúng tôi chỉ mong những chuyến đi du ca của Nguyễn Đức Quang sẽ mở ra một giai đoạn như anh hằng ao ước là “Ba mươi năm chúng ta đã chia nhau đi mọi ngả thì nay từ mọi ngả chúng ta sẽ tìm về.”

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=5662&zoneid=3#.UMh-YKwqs1g 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét