Giới thiệu đến các bạn " 70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam - Lê Uyên Phương"
Xin cám ơn những biên khảo của Hoài Nam, SBS Radio, Australia và Nguyễn Đình Toàn đã được lồng vào trong phiên bản này.
Tất cả những ca khúc trong phiên bản này đều do chính Lê Uyên và Phương trình bày.

Tracks List:

Đá Xanh
Buồn Đến Bao Giờ
Tình Khúc Cho Em
Hãy Ngồi Xuống Đây
Ngồi Lại Trên Đồi
Uống Nước Bên Bờ Suối
Chiều Phi Trường
Dạ Khúc Cho Tình Nhân
Đưa Người Tuyệt Vọng
Vũng Lầy Của Chúng Ta
Một Ngày Vui Mùa Đông
Lời Gọi Chân Mây
Cho Lần Cuối
Không Nhìn Nhau Lần Cuối
Hãy Ngồi Xuống Đây
Cho Lần Cuối version 2




Lê Uyên Phương sinh ngày 2/7/1941, tại Đà Lạt, bắt đầu sáng tác năm 1960 với ca khúc "Buồn đến bao giờ."

Nhạc của Lê Uyên Phương là chứng tích cuộc tình của ông và ca sĩ Lê Uyên, nhưng đó là chuyện riêng của hai người. Chúng ta hãy nghe nhạc của ông như những tác phầm thuần túy
Ngay từ khi Lê Uyên Phương và một nửa của ông từ Đà Lạt "xuống núi" về Sài Gòn, trình diễn đêm nhạc đầu tiên và sau khi chương trình NHẠC CHỦ ĐỀ của đài phát thanh Sài Gòn giới thiệu với thính giả, nhạc của ông đã được yêu mến ngay. Cũng trong thời gian ấy chúng ta đã có một lớp nhạc sĩ trẻ, nay đã thành danh như Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên.


Trong nhạc tình và thơ tình, người ta khó phân biệt khi nào sự thật hóa thân từ tưởng tượng, khi nào khổ đau chen lẫn vào hạnh phúc. Tình sầu ai oán lắm khi lại trở thành " phía bên kia của hạnh phúc ", nhưng cái vui buồn trong những tình khúc của Lê Uyên Phương có vẻ gần gũi với thực tế hơn, đời thường hơn, da thịt hơn:

Theo em xuống phố trưa nay
Đang còn nhức mỏi đôi vai


Âm điệu như được rút ra từ những khắc khoải hiện tại mà hiện tại là cuộc tình. Và cuộc tình là những gì đang trải nghiệm trong cuộc sống, đang cảm nhận từng giây phút, đang vây quanh từng hơi thở. Trong nhạc tình, ngoài những đau thương có thật, đôi khi chúng ta còn cảm tưởng con người còn đau nỗi đau sắp sửa, buồn cái buồn chưa đến.

Vì lời em sớm muộn gì cũng một lần gian dối,
Còn tình anh, sớm muộn gì, cũng đưa vào tăm tối

( Từ Công Phụng )

Nếu về sau em có qua cầu,
Không chẳng vì sầu, thương chẳng còn đâu mà nói chuyện quên nhau?

( Phạm Duy )

Lê Uyên Phương thì khác, nhưng đúng ra thì ông cũng chẳng nói gì khác !
Ông ôm lấy hiện tại, đau thương cùng hạnh phúc nhưng đôi tay quá ngắn nên ông phải tháp bằng âm nhạc.

Hạnh phúc mong manh như tơ nên phải vây bọc bằng thơ, nâng niu bằng nhạc, phải hát lên, hát to lên, hát đến khi lạc giọng, hát đến lúc cạn hơi, hát như không có ai quanh ta, hát để nhắc nhở rằng những điều có thật trong chính cuộc đời ta, đừng để nó biến mất. (đoạn này tặng riêng cho Việt Linh )

Những ca khúc của Lê Uyên Phương bài nào cũng được bắt đầu bằng những dây đàn căng thẳng và kết thúc bằng một tiếng thở dài. Khi đó tơ đã chùng, lòng đã mỏi, phải se lại, phải so lại, phải dỗ dành, phải bắt đầu lại; và bắt đầu lại, không phải từ lúc khởi đầu mà từ lúc dở dang. Trong những tác phẩm của ông, ta vẫn nghe ra một cơn đau bất tận.

Huyền thoại Lê Uyên và Phương bắt đầu năm 1969 khi Lê Uyên Phương và Lâm Phúc Anh chính thức chung sống và nhanh chóng trở thành đôi song ca nổi tiếng. Lâm Phúc Anh không muốn lấy tên thật của mình nên Lê Uyên Phương cắt chữ "Lê Uyên" tặng cho người bạn đời và mình chỉ giữ lại chữ "Phương".
Và đôi song ca "Lê Uyên và Phương" được biết đến từ đó và vì vậy, "Lê Uyên Phương" trở thành hai tên chứ không phải một, nhưng một mà hai, chắc nhiều người cũng đã biết.
Lê Uyên và Lê Uyên Phương có với nhau hai người con gái, Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My. Năm 1979 họ rời Việt Nam sang Hoa Kỳ, định cư tại California.
Sau gần 15 năm chung sống, hai người chia tay nhau năm 1984. Nhiều người cho rằng phần lỗi thuộc về Lê Uyên. Thực, hư thế nào không rõ, nhưng chắc chắn ngay sau đó, Lê Uyên đã có thời gian sống với một người đàn ông khác. Mối quan hệ đầy tai tiếng này chắc hẳn không như ý Lê Uyên nên sau đó cô đã quay về với Phương và tái kết hợp trong lĩnh vực ca hát.
Ông vẫn tiếp tục sáng tác sau khi ra hải ngoại nhưng buồn thay, biến cố 1975 không những chỉ ảnh hưởng Lê Uyên Phương trong những sáng tác của ông sau này, mà hình như nó biến đổi cả chúng ta, ít ra với những người đã trưởng thành vào thời điểm ấy, thành những người khác. Khác với ta lúc trước, khác với người về sau, khác từ suy nghĩ, khác với nhân sinh quan, khác đến cách sống.

Thời gian sẽ tiếp tục có những thay đổi, những đòi hỏi. Không biết chúng ta nên quên đi hay nhớ kỹ mọi chuyện để có thể sống được với nhau nhỉ?
Năm 1999, Phương qua đời ở tuổi 58, vì ung thư phổi, không liên quan gì đến " ung thư ở ngón tay ".


http://www.fshare.vn/file/M5K6TE6E6GIX


P.S.
1.- Sở dĩ kẻ này không dùng bất cứ ai ngoại trừ Lê Uyên & Phương trong phiên bản này vì một lý do dễ hiểu: Không ai ngoài đôi song ca huyền thoại này hát được nhạc của chính họ.

2 - 45 năm trước ...... họ hát hay hơn, nhưng nếu post lên thì các bác nghe xong sẽ ... phê, mắt nổ đom đóm, tay bắt chuồn chuồn, hai tai lùng bùng vì hồi đó âm thanh quá tệ. Nghe không biết là lời ca, nhạc đệm hay tiếng ồn và nếu, theo tôi biết, các bạn biết được họ thâu âm ở đâu thì tôi cá là các bạn tối nay khỏi .... ăn tối.

3.- Có nghe phong phanh rằng tối thứ năm, 8/10/2015, sẽ có một chương trình chủ đề "Lê Uyên Phương" tại cà phê Mộc Xưa, Trần Quốc Hoàn, Q. Tân Bình do Việt Linh cùng nửa kia của cô và ban nhạc 85 trình bày. Chắc chắn là không thể nào ngồi chung chiếu được với huyền thoại Lê Uyên Phương , nhưng Phạm Duy cũng đã nói rằng: " ..... có còn hơn không, có còn hơn không ".

4.- Link dưới đây chỉ có phần nhạc, không lời dẫn giải, nhưng nếu chỉ download link này mà không nghe trọn vẹn phiên bản đầy đủ ở trên thì giống như ăn bún bò không nêm mắm ruốc, uống cà phê mà phải cai thuốc lá và nhất là, sex thiếu foreplay.

http://www.fshare.vn/file/OSMH9IIUD3YD