Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

NGƯỜI DÂN THỊ TRẤN GIỮA BIÊN GIỚI 'DỞ KHÓC DỞ CƯỜI' VÌ LỆNH PHONG TỎA

Cuộc sống của 11.000 dân tại thị trấn Baarle nằm giữa Bỉ và Hà Lan bị ảnh hưởng khi mỗi nước áp dụng một quy định phong tỏa phòng dịch COVID-19.


Chú thích ảnh
Đường biên giới hai nước cắt ngang nhà ông Julien Leemans. Ảnh: CNN
Giống như nhiều chủ doanh nghiệp khác, công việc kinh doanh của cô Monic van der Krogt sinh sống tại thị trấn Baarle-Hertog (Bỉ) đang bị gián đoạn do dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Quán ca phê và vườn bia của cô không một bóng khách vì lệnh phong tỏa toàn quốc. Cô nói: “Chưa bao giờ cửa hàng yên ắng như thế này. Chưa bao giờ”.
Thị trấn Baarle-Hertog thuộc tỉnh Antwerp của Bỉ có chung biên giới với thị trấn Baarle-Nassau ở miền Nam Hà Lan. Tuy nhiên, thay vì là một thẳng, biên giới quốc tế chia tách hai thị trấn nói riêng và hai quốc gia nói chung rất phức tạp. Các phần thuộc địa phận của Bỉ và Hà Lan nằm rải rác trong hai thị trấn Baarle. Bên phía Hà Lan có 22 vùng lãnh thổ tách rời của Bỉ, trong khi đó phía Bỉ cũng có 8 vùng lãnh thổ tách rời của Hà Lan.
Trong cuộc sống thường ngày, đường ranh giới này không mấy quan trọng đối với ngươi dân sống tại đây. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch bùng phát khiến chính phủ các nước đóng cửa biên giới, những tình huống trớ trêu mới diễn ra. Có số ca tử vong vì COVID gấp đôi so với Hà Lan, Bỉ buộc phải áp dụng biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn.
“Tôi không được phép mở cửa hàng. Nhưng ở bên kia biên giới, chỉ cách có 50m, các quán cà phê và nhà hàng sẽ được phép mở từ ngày 1/6. Và tôi cũng không được phép sang đó, vì tôi sống tại Bỉ”, cô van der Krogt cho biết. Mặc dù các cửa hàng bán lẻ thuộc thổ Hà Lan vẫn mở cửa trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng COVID-19, song người Bỉ sống trong thị trấn bị cấm bước qua đường biên trắng để sang mua đồ.
Có đường biên giới chạy cắt ngang qua nhà, ông Julien Leemans (63 tuổi) trải qua tình huống tương tự. “90% nhà của tôi nằm bên lãnh thổ Hà Lan. 10% còn lại, là phòng vệ sinh, ở bên Bỉ”, ông hài hước chia sẻ. Do cửa trước nhà ông nằm bên Bỉ nên ông không thể ra khỏi nhà và tới các cửa hàng Hà Lan trong thị trấn để mua sắm, mặc dù bản thân ông sinh ra và lớn lên tại Hà Lan. Trong thời gian xảy ra khủng hoảng, Chính phủ Hà Lan cho phép mở cửa hàng bán lẻ.
Cũng có đường biên giới chạy xuyên qua phòng triển lãm, cô Sylvia Reijbroek bối rối vì không biết phải nghe theo quy định của quốc gia nào. Để an toàn, Reijbroek quyết định tuân theo luật Bỉ và tạm đóng cửa phòng tranh, vì cô đăng ký hoạt động kinh doanh tại Bỉ. Mỗi ngày nhìn thấy khách nườm nượp ra vào cửa hàng chăm sóc sắc đẹp ngay sát cạnh vì nằm bên lãnh thổ Hà Lan, cô luôn cảm thấy buồn bực.
Phản ứng trước những khúc mắc mà người dân trong thị trấn gặp phải khi quy tắc riêng áp dụng cho từng đối tượng, ông Marjon de Hoon-Veelenturf - một trong hai thị trưởng của Baarle - cho biết: "Trong tình huống xảy ra khủng hoảng, thị trưởng không phải là người có quyền quyết định. Chúng tôi phải đáp ứng quy định pháp luật từ cả hai bên".
Trong một văn bản chính sách công bố ngày 13/5, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ đang tìm cách mở cửa lại khu vực Schengen không biên giới và cảnh báo các quy định siết chặt biên giới giữa các quốc gia đang gây nguy hại cho cuộc sống châu Âu.
Bảo Hà/Báo Tin tức

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2020

TẠP CHÍ THE LANCET: “TỔNG THỐNG JAIR BOLSONARO LÀ MỐI ĐE DỌA LỚN NHẤT CỦA CUỘC CHIẾN CHỐNG DỊCH Ở BRAZIL!”

VietTimes – Mặc dù mãi đến ngày 25/2, Brazil mới có ca bệnh COVID-19 được xác nhận đầu tiên, nhưng tính đến ngày 8/5, số người bị bệnh ở nước này đã vượt quá 140.000 người, nhảy lên vị trí thứ 8 trên thế giới.
Tổng thống Jair Bolsonaro không đeo khẩu trang ho khi phát biểu trước những người biểu tình phản đối phong tỏa chống dịch (Ảnh: Voorp).
Tổng thống Jair Bolsonaro không đeo khẩu trang ho khi phát biểu trước những người biểu tình phản đối phong tỏa chống dịch (Ảnh: Voorp).
Theo trang tin Guancha ngày 10/5, nghiên cứu của Imperial College London cho thấy, trong số 48 quốc gia có dịch bệnh nghiêm trọng nhất, Brazil có tỷ lệ lây lan dịch cao nhất. Các thành phố lớn Sao Paulo và Rio de Janeiro là những điểm nóng và dịch bệnh đang lan sang các thành phố nhỏ trong nội địa thiếu nghiêm trọng ICU và máy thở ...
Tuy nhiên, tạp chí y học quốc tế nổi tiếng The Lancet ngày 9/5 đã đăng bài xã luận viết, so với tình hình trên, mối đe dọa lớn nhất của việc Brazil đối phó dịch bệnh chính là vị Tổng thống “chống dịch tiêu cực” Jair Bolsonaro.
Bài báo viết: “Như các quốc gia khác đã chỉ ra, đối với kết quả tồi tệ nhất của việc nhanh chóng tránh xảy ra dịch bệnh, sự lãnh đạo của cấp cao nhất của chính phủ là điều tối cần thiết”. Thế nhưng Jair Bolsonaro không chỉ gieo rắc sự hỗn loạn trong dân chúng, mà còn ngang nhiên giễu cợt và ngăn chặn các thống đốc bang và thị trưởng thực hiện các biện pháp phong tỏa hợp lý và các biện pháp cách ly vật lý. Ngoài ra, trong ba tuần qua, hai bộ trưởng quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong chính phủ Jair Bolsonaro đã từ chức.
Tạp chí The Lancet: “Tổng thống Jair Bolsonaro là mối đe dọa lớn nhất của cuộc chiến chống dịch ở Brazil!” - ảnh 1
Dân chúng Brazil biểu tình phản đối đeo khẩu trang và các biện pháp phong tỏa chống dịch (Ảnh: Voorp).
Vào ngày 16/4, Bộ trưởng Y tế Mandetta, người tích cực phòng chống dịch bệnh được đông đảo dân chúng hoan nghênh, đã bị cách chức sau khi chỉ trích các biện pháp chống dịch của tổng thống trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Ngày 24/4, đến lượt Moro, “Bộ trưởng Tư pháp minh tinh” chịu trách nhiệm chống tham nhũng, cũng tuyên bố từ chức. Tuy nhiên, trong tình hình chính phủ đang chìm trong sự hỗn loạn, Tổng thống Bolsonaro hôm 19/4 vẫn tham gia một cuộc biểu tình công khai phản đối các biện pháp phong tỏa để chống dịch. Ông bị chụp ảnh mà không đeo khẩu trang và thỉnh thoảng lại ho sù sụ trong khi phát biểu.
Vào ngày 28/4, khi được các phóng viên chất vấn về “số người chết nhiều hơn Trung Quốc”, ông Bolsonaro trả lời: “Thế thì sao? Tôi rất lấy làm tiếc, thế ông muốn tôi làm gì?”. Tạp chí The Lancet bình luận, trong sự kiện đột phát về sức khỏe cộng đồng này, sự hỗn loạn ở phần cốt lõi của chính phủ Brazil là một sự can nhiễu nghiêm trọng, cũng chứng tỏ rằng họ đã mất đi “kim chỉ nam đạo đức”, “nếu họ đã từng có thứ này”.
Tạp chí The Lancet: “Tổng thống Jair Bolsonaro là mối đe dọa lớn nhất của cuộc chiến chống dịch ở Brazil!” - ảnh 2
Tổng thống Jair Bolsonaro không đeo khẩu trang chụp ảnh tự sướng với đám đông dân chúng (Ảnh: Voorp).
“Ngay cả khi không có khoảng trống hành động chính trị ở cấp liên bang”, việc chống dịch của Brazil vẫn sẽ rất khó khăn. Theo thống kê của bài báo, khoảng 13 triệu người Brazil sống trong các khu ổ chuột, nơi một căn phòng nhỏ thường phải nhồi nhét từ 3 người trở lên và hầu như không có nước sạch dùng hàng ngày. Trong một môi trường như vậy, khuyến nghị duy trì cách ly và giữ vệ sinh gần như không thể thực hiện được.
Ngoài ra, chính phủ Brazil luôn phớt lờ hoặc thậm chí khuyến khích khai thác than và chặt cây bất hợp pháp ở vùng rừng nhiệt đới Amazon. Những người khai thác mỏ và chặt phá rừng này hiện có thể mang virus đến vùng rừng nhiệt đới Amazon, đe dọa thổ dân bản địa.
Tạp chí The Lancet: “Tổng thống Jair Bolsonaro là mối đe dọa lớn nhất của cuộc chiến chống dịch ở Brazil!” - ảnh 3
Đồ thị cho thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 tăng rất nhanh (Xanh: số người mắc, Đỏ: số người chết).
The Lancet trích dẫn đánh giá của tạp chí về Brazil năm 2009 ở cuối bài báo, nói: “Thách thức cuối cùng là chính trị hóa, đòi hỏi toàn bộ xã hội Brazil phải đoàn kết và tiếp tục tham gia để đảm bảo quyền được bảo vệ sức khỏe của tất cả người Brazil”. Bài báo tổng kết, cả nước Brazil phải đoàn kết và đưa ra câu trả lời rõ ràng cho tuyên bố “phải làm thế nào” của Tổng thống Bolsonaro. Ông Bolsonaro cần thay đổi hoàn toàn đường lối chống dịch của mình, “nếu không, ông ta chính là người tiếp theo phải rời khỏi (chính phủ)”.
Hãng Reuters đưa tin, Văn phòng báo chí của ông Bolsonaro đã từ chối bình luận về bài xã luận trên The Lancet. Hôm thứ Sáu (8/5), Bolsonaro còn tuyên bố ông dự định mời 30 người bạn đến Dinh Tổng thống để ăn thịt nướng. Ông cũng nói đùa rằng ông có thể mời hàng ngàn người, bao gồm cả những người ủng hộ và giới truyền thông tham gia. Nhưng một ngày trước đó, ông Baros, người phát ngôn của Dinh Tổng thống vừa được chẩn đoán đã bị nhiễm virus Corona mới.
Tạp chí The Lancet: “Tổng thống Jair Bolsonaro là mối đe dọa lớn nhất của cuộc chiến chống dịch ở Brazil!” - ảnh 4
Nhân dân y tế phun thuốc phòng dịch và người dân không mang khẩu trang ở khu phố nghèo (Ảnh: Guancha).
Một báo cáo từ trường Imperial College London hôm 8/5 cho thấy dịch bệnh COVID-19 ở Brazil vẫn “nói chung còn ở giai đoạn ban đầu”, “dịch bệnh còn chưa được kiểm soát và sẽ tiếp tục gia tăng”. Dữ liệu của Bộ Y tế Brazil cho thấy ngày 8/5, số lượng ca bệnh mới ghi nhận ở Brazil đã tăng 10.222 người trong một ngày, đưa tổng số người mắc bệnh lên 145.328 người với 9.897 người chết. Còn theo số liệu thống kê mới nhất của trang worldometers.info, đến cuối ngày 9/5, tổng số người Brazil bị bệnh đã là 156.061 (tăng thêm 10.169 người trong 24h) với 10.656 người tử vong (tăng 664 ca so với ngày hôm trước).

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

DỮ LIỆU CHỨNG MINH TRUNG QUỐC THAY ĐỔI DÒNG CHẢY MEKONG

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã thu thập dữ liệu vệ tinh thu trong 28 năm, cho thấy đập thủy điện Trung Quốc làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong.
"Trong năm 2019, mực nước của sông Mekong đo được ở trạm Chiang Saen thấp hơn rất nhiều so với dòng chảy tự nhiên theo ước tính", Alan Basist, Giám đốc Công ty Eyes on the Earth (EOE), đồng tác giả báo cáo "Giám sát khối lượng nước chảy qua thượng lưu Mekong", nói trong họp báo trực tuyến ngày 7/5. Sự kiện do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức. 
Theo Basist, EOE, được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, đã sử dụng dữ liệu từ vệ tinh để ước tính dòng chảy tự nhiên của sông Mekong từ 1992 đến 2019. Sau 28 năm, EOE tính toán mực nước của dòng Mekong tại trạm Chiang Saen giảm gần 127 m. Đường màu đen là lượng nước thực tế đo được tại Chiang Saen, đường màu đỏ là lượng nước ước tính của EOE. Chiang Saen là trạm đo thủy văn do Ủy hội sông Mekong (MRC) lập ra từ 1960, đặt tại tỉnh Chiang Rai, phía bắc Thái Lan. Dữ liệu tại trạm đo Chiang Saen do MRC cung cấp cho EOE. 
Dòng chảy sông Mekong từ tháng 1/2010 đến tháng 9/2019. Ảnh: EOE.
Mực nước sông Mekong từ tháng 1/2010 đến tháng 9/2019. Ảnh: EOE.
"Từ dữ liệu trên, chúng tôi suy đoán dòng chảy tự nhiên của dòng Mekong đã hoàn toàn bị chặn lại bởi các đập thuỷ điện ở Trung Quốc", Basist nói.
Trên thực tế, MRC hồi tháng 7/2019 công bố báo cáo cho thấy nước sông Mekong khi đó ở dưới mức thấp nhất trước đó. Ở Chiang Saen, mực nước sông là 2,1 m, thấp hơn mức trung bình 3,2 m cùng kỳ trong suốt gần 6 thập kỷ qua và dưới mức thấp nhất từng đo được 0,75 m. Tại Việt Nam, hạn hán khiến ruộng vườn ở miền Tây nứt nẻ, người dân không thể canh tác. Ước tính 50.000 hộ thiếu nước sinh hoạt vào tháng 9 năm ngoái.
Basist liệt kê 11 đập thuỷ điện Trung Quốc vận hành từ năm 1993 đến 2018 là Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng, Tiểu Loan, Noạ Trác Độ, Miêu Vĩ, Hoàng Đăng, Đại Hoa Kiều, Công Quả Kiều, Lý Để và Ô Nộng Long. Các dự án này có tổng sức chứa là 47,6 tỷ m3 nước, nằm trên đoạn sông Mekong dài hơn 2.100 km chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, còn được gọi là Lan Thương.
Theo Basist, Trung Quốc còn thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong bằng cách xả nước để vận hành các đập thủy điện. 
Dữ liệu của EOE cho thấy vào năm 2002, một lượng lớn nước bất thường của sông Mekong chảy xuống hạ nguồn. Khi đó, lượng nước đo được tại trạm Chiang Saen cao hơn dòng chảy của Mekong theo ước tính. Ghi nhận của EOE trùng với thời điểm đập thuỷ điện Đại Triều Sơn của Trung Quốc đi vào hoạt động.
"Nước sông Mekong trong mùa khô năm 2002 tăng và giảm đột ngột so với chỉ số dự báo dòng chảy tự nhiên", Basist nói.
Mực nước sông Mekong từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2009. Ảnh: EOE.
Mực nước sông Mekong từ tháng 1/2001 đến tháng 12/2009. Ảnh: EOE.
Sau 2012, khi đập Noạ Trác Độ vận hành, dòng chảy tự nhiên của sông Mekong bị điều chỉnh đáng kể. Noạ Trác Độ có sức chứa đến hơn 27,4 tỷ m3 nước, lớn hơn dung tích của tất cả các dự án trước đó cộng lại, theo Basist.
Trong báo cáo Giám sát khối lượng nước chảy qua thượng lưu Mekong, Basist và các đồng nghiệp chỉ ra rằng trong giai đoạn 1994 và 2008, dữ liệu về dòng chảy của sông Mekong đo được tại trạm Chiang Saen và dữ liệu ước tính dòng chảy tự nhiên về cơ bản như nhau. Sau 2012, xu hướng này thay đổi, khi đập Nọa Trác Độ xuất hiện. 
Basist cho rằng dòng chảy tự nhiên của Mekong là điều thiết yếu, để duy trì sức sống của con sông và tính toàn vẹn của cả lưu vực. Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến cả vùng châu thổ ở hạ lưu khi thay đổi nhịp đập của dòng sông dài hơn 4.800 km, chảy qua 6 nước gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Đập thuỷ điện Tiểu Loan của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: National Geographic.
Đập thuỷ điện Tiểu Loan của Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: National Geographic.
Lý giải thêm tác động khi Trung Quốc thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông Mekong, Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cho biết hệ sinh thái của sông Mekong đóng vai trò cực kỳ quan trọng với sự ổn định kinh tế của các nước ở hạ nguồn. Khi dòng sông không còn phù sa, mất lượng cá tự nhiên, các nước trong khu vực sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có bất ổn về đời sống kinh tế của người dân.
Eyler cho biết trong nhiều thập kỷ Trung Quốc giữ kín thông tin về hoạt động của đập thuỷ điện và lượng nước xả xuống hạ lưu, không chia sẻ với các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, ông cho rằng "thời kỳ bí mật của Trung Quốc" hiện đã chấm dứt, khi các nhà hoạch định chính sách trong khu vực có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu (trong đó có báo cáo của EOE) để xác định lượng nước họ cần có hoặc lẽ ra nên có từ thượng nguồn Mekong, theo dòng chảy tự nhiên của con sông. Khi hạn hán xuất hiện với tần suất dày hơn, Trung Quốc có dữ liệu tốt nhất và giúp các nước tiết kiệm thời gian tìm hiểu nguyên nhân. 
"Giờ là lúc Trung Quốc có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với các nước. Đó là bước đi tốt nhất để Bắc Kinh trở thành đối tác có tính xây dựng ở khu vực", Eyler nói, trả lời câu hỏi của VnExpress về dữ liệu của Trung Quốc. 
Việt Anh