Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

CẢNH SÁT ANH NÓI CÁC NẠN NHÂN CHẾT TRÊN CONTAINER LÀ NGƯỜI VIỆT

Cảnh sát hạt Essex tin rằng các nạn nhân trong vụ 39 người chết trong xe container là công dân Việt Nam, nhưng chưa công bố danh tính.
"Ở thời điểm này, chúng tôi tin rằng các nạn nhân là người Việt Nam và chúng tôi đang liên hệ với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cũng đang liên lạc trực tiếp với gia đình một số nạn nhân ở Việt Nam và Anh, cũng như tin rằng đã xác định được một số nạn nhân mà hành trình của họ chấm dứt trong bi kịch trên lãnh thổ Anh", cảnh sát hạt Essex, đông bắc London ra thông cáo lúc 19h20 ngày 1/11 (2h20 ngày 2/11 giờ Hà Nội) cho hay, đề cập đến vụ 39 người thiệt mạng trong thùng container ở hạt này hôm 23/10.
Cảnh sát hạt Essex cho biết các bằng chứng nhận dạng cần thiết để trình chính thức sự việc lên Viện trưởng Viện Pháp y Hoàng gia Anh vẫn đang được thu thập thông qua các quá trình pháp lý toàn cầu, nên nhà chức trách Anh chưa thể thông báo danh tính của bất cứ nạn nhân nào.
Cảnh sát đưa xe tải đi khi phát hiện có người thiệt mạng hôm 23/10. Ảnh: Reuters.
Cảnh sát đưa xe container chở 39 thi thể rời khỏi hiện trường hôm 23/10. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam và các nước khác để nhận dạng nạn nhân và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng trong thảm kịch này. Ngay từ đầu, chúng tôi đã và vẫn luôn hướng về những người đã mất đi người thân yêu trong thảm kịch", thông báo cho hay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong thông cáo sáng nay cho biết Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan cảnh sát Anh đang nỗ lực phối hợp để xác minh danh tính các nạn nhân, nghi là người mang quốc tịch Việt Nam và sớm công bố thông tin.
Các cơ quan chức năng Việt Nam đã hợp tác với phía Anh, cung cấp thông tin liên quan từ Việt Nam để hỗ trợ xác nhận quốc tịch nạn nhân, mở đường dây nóng, tiếp nhận thông tin và chuẩn bị các biện pháp bảo hộ trong trường hợp có nạn nhân là công dân Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã chuyển kết quả nhận dạng nạn nhân từ cảnh sát Anh cho các cơ quan chức năng Việt Nam để kiểm tra chéo.
Việt Nam cảm ơn và đánh giá cao chính phủ Anh, các cơ quan liên quan và địa phương của Anh đã triển khai khám nghiệm, cung cấp thông tin về nhận dạng và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam thời gian qua. Việt Nam hy vọng phía Anh sớm hoàn tất điều tra sự việc, nghiêm trị những kẻ phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này.
Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng. Việt Nam kêu gọi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không để tái diễn những thảm kịch đau lòng tương tự.
"Đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng. Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này", bà Hằng nói.
Hôm 23/10, cảnh sát Anh tìm thấy 39 thi thể trong thùng xe container tại khu công nghiệp Greys ở Thurrock, hạt Essex, đông bắc thủ đô London. Chiếc container được đưa từ Bỉ sang Anh bằng phà từ đêm 22/10. Nhà chức trách Anh đến nay đã truy tố hai tài xế xe đầu kéo và bắt ba người khác có liên quan đến vụ án.
Việt Anh

Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

BẢO VỆ LAO ĐỘNG VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI MỚI LÀ VẤN ĐỀ ‘QUỐC THỂ’

Vụ việc đau lòng khi nữ lao động quê ở Hà Tĩnh được trình báo mất tích, cùng nhiều trường hợp nghi vấn mất tích khác -  có thể là nạn nhân trong vụ việc 39 người thiệt mạng khi nhập cư bất hợp pháp từ Bỉ sang Anh, một lần nữa gióng lên hồi chuông khẩn thiết về vấn đề bảo vệ lao động người Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận sửa đổi luật lao động – đây là cơ hội tốt để đánh giá một cách nghiêm túc về hệ thống chính sách và thị trường xuất khẩu lao động.
Trường hợp nữ lao động quê ở Hà Tĩnh được trình báo mất tích, cùng nhiều trường hợp nghi vấn mất tích khác -  có thể là nạn nhân trong vụ việc 39 người thiệt mạng khi nhập cư bất hợp pháp từ Bỉ sang Anh, một lần nữa gióng lên hồi chuông khẩn thiết về vấn bảo vệ lao động người Việt Nam ở nước ngoài. Mới cách đây chưa tròn một năm, vụ việc 152 lao động Việt Nam sang Đài Loan dưới hình thức du lịch rồi bỏ trốn gây ra thiệt hại cho thị trường du lịch và xuất khẩu lao động Việt Nam - Đài Loan; ‘vấn đề quốc thể’ được nêu lên ồn ã, nhưng cuối cùng, cũng không có một động thái xem xét nghiêm túc nào cho gốc rễ vấn đề.
Bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài mới là vấn đề ‘quốc thể’  - ảnh 1
Chiếc container nghi chở 39 nạn nhân
Và chuyện lao động Việt Nam ‘bỏ trốn’, ‘ăn cắp’, ‘làm ăn phi pháp’ – thường xuyên được phản ánh, không chỉ trong các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội mà cả trên mặt báo và truyền thông quốc tế. Vì thế, không nên nhìn vụ việc đau lòng hôm nay như một sự kiện đơn lẻ mà cần coi đây như cơ hội để đánh giá lại chính sách ở tầm quốc gia và cải cách một cách nghiêm túc, có hệ thống thị trường xuất khẩu lao động nói chung.
Trong bối cảnh thách thức về việc làm, đặc biệt ở khu vực nông thôn còn rất gay gắt, đi ‘xuất khẩu lao động’ – tuy cực chẳng đã, vẫn là lựa chọn tốt nhằm giải quyết vấn đề sinh kế cho rất nhiều lao động trẻ. Nhưng sự gia tăng vụ việc và số lượng lao động Việt Nam bỏ trốn; làm việc bất hợp pháp; thậm chí rủi ro hơn – bị bóc lột sức lao động hay rơi vào bẫy của các nhóm tội phạm buôn người, cho thấy an toàn của công dân Việt Nam làm việc ở nước ngoài đã trở thành vấn đề cấp bách mang tầm quốc gia. Bởi bảo vệ an toàn cho công dân bao giờ cũng là trách nhiệm trực tiếp và quan trọng nhất của mọi nhà nước, đặc biệt là khi công dân gặp những sự cố và rủi ro ở nước ngoài. Và an toàn đó đương nhiên không thể phó mặc cho doanh nghiệp và bản thân người lao động.
Vì vậy, trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về vấn đề sửa đổi luật lao động – đây là cơ hội tốt để đánh giá một cách nghiêm túc về hệ thống chính sách và thị trường xuất khẩu lao động. Một loạt những câu hỏi lớn cần được nghiên cứu, đánh giá, bàn thảo kỹ lưỡng và nhất thiết phải dựa trên những khảo sát, phân tích, những bằng chứng xác thực.
Thứ nhất, vấn đề an toàn và thực trạng bảo vệ người lao động ở nước ngoài hiện nay đang như thế nào? Thứ 2, vai trò của Nhà nước ở đâu trong thị trường xuất khẩu lao động – nhất là trong việc cung cấp thông tin và trợ giúp người lao động? Vấn đề cấp phép, giám sát việc tuân thủ quy định pháp lý để bảo vệ người lao động của các công ty xuất khẩu lao động đang như thế nào? Các cơ chế hợp tác giữa nước sở tại, nơi người lao động làm việc, với các cơ quan của chính phủ Việt Nam để xử lý những sự cố liên quan đến người lao động hiện nay đang thực thi ra sao? Vấn đề buôn bán người và những tội phạm liên quan đến lừa đảo, buôn bán, tội phạm hóa người lao động hiện nay đang ở mức độ ra sao? v.v.
Bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài mới là vấn đề ‘quốc thể’  - ảnh 2
Những dòng tin nhắn cuối cùng được cho là của nạn nhân Phạm Thị Trà My, nữ lao động quê ở Hà Tĩnh.
Với mức độ phức tạp của vấn đề lớn đặt ra, cần thiết có một phiên ‘điều trần’ tại Quốc hội, trực tiếp là Ủy ban các vấn đề xã hội để trả lời các câu hỏi chính yếu làm căn cứ cho việc thay đổi chính sách và thực thi chính sách. Và trách nhiệm trả lời không phải chỉ thuộc riêng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội. Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chung giúp cho Chính phủ trong công việc khó khăn này.
Với mọi người Việt, tâm lý gắn bó với quê hương, ước muốn được làm việc và sinh sống ở quê hương luôn là tình cảm nổi trội. Vì sinh kế mà phải ‘xuất khẩu lao động’ – thậm chí ‘lao động chui’, ‘làm việc phi pháp’ ở nước ngoài, chắc chắn không phải là mong muốn hay chủ động lựa chọn của mỗi người. ‘Trốn’ để lao động bất hợp pháp bao giờ cũng là lựa chọn ‘cực chẳng đã’ – bởi những rủi ro của việc làm ‘chui’ là không cần bàn cãi: rủi ro bị bóc lột lao động; bị trả tiền công rẻ mạt; không có bảo hiểm khi tai nạn lao động xảy ra, bị trục xuất nếu bị cơ quan chức năng sở tại phát hiện v.v. Nhưng động lực để ‘đánh đổi’ chính là lợi ích thu được: ví dụ, ở lại bất hợp pháp vẫn kiếm được nhiều tiền hơn nếu trở về làm việc ở quê nhà; hoặc thu nhập từ làm chui – vẫn lớn hơn làm chính thức mà bị ‘trừ’ đi quá nhiều chi phí cho công ty môi giới lao động.
Khi ‘lợi ích’ thu được từ cư trú và lao động ‘chui’  cao hơn ‘rủi ro’ – thì đương nhiên người lao động sẽ chọn làm chui. Vì vậy, không nên ‘áp đặt’ lên họ trách nhiệm về ‘quốc thể’, về ‘danh dự’ quốc gia: ở lựa chọn khó khăn nhất, mọi cá nhân sẽ phải hành động vì lợi ích của mình trước tiên.
Nhưng mọi đồng tiền từ lao động ở nước ngoài đều đáng ghi nhận, đều là đóng góp thiết thực cho bản thân người lao động, cho gia đình họ, và cho cả quốc gia nữa. Ở một quốc gia còn nghèo, người dân còn thiếu việc làm, ‘xuất khẩu lao động' là thực tế cần được thừa nhận và cần coi đó là chính sách quốc gia. Và vì thế, “quốc thể’ phải giải quyết ở tầm ‘vĩ mô’, gắn với trách nhiệm của Nhà nước. Khi Nhà nước hoàn thành được nghĩa vụ quan trọng nhất của mình --  bảo vệ công dân – thì đó chính là sự suy tôn cao nhất cho ‘quốc thể’.

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

"QUAN TÀI BAY": BÍ MẬT BẨN THỈU CỦA TẬP ĐOÀN BOEING

Phiên điều trần "An ninh hàng không và tương lai của máy bay Boeing 737 MAX" đã bắt đầu tại Thượng viện Hoa Kỳ, tưởng niệm 1 năm ngày xảy ra vụ tai nạn của hãng hàng không Lion Air ở Indonesia.
Đã phát hiện ra những gì về sự gian lận của Boeing trong quá trình điều tra thảm kịch này và về số phận tương lai của tập đoàn Mỹ - trong tài liệu của Sputnik.

Cỗ máy chống lại con người

Chuyến bay Lion Air JT 610 khởi hành từ sân bay Quốc tế Jakarta lúc 6:20 sáng ngày 29 tháng 10 năm 2018. Sau 13 phút, máy bay rơi xuống biển, toàn bộ 189 người trên máy bay đều thiệt mạng.
Một năm sau, các thượng nghị sĩ đang cố gắng chứng minh ban lãnh đạo công ty đã nhận thức được các vấn đề thiết kế của máy bay trước khi xảy ra sự cố.
Trước hết,  đó là chương trình máy tính MCAS, khi mũi máy bay bị kéo cao quá mức, hệ thống sẽ tự động hạ xuống, khiến máy bay bổ nhào. Theo một báo cáo chính thức được Cơ quan Hàng không Indonesia công bố vào tuần trước: chương trình này tự động bật hơn 20 lần trong 13 phút chuyến bay. Trong đó -  hai giây sau khi có kích hoạt cảnh báo về nguy cơ va chạm với mặt đất . Một khoảnh khắc sau đó, máy bay đâm xuống nước với tốc độ 800 km/h.
Thân nhân của hành khách Lion Air flight JT610
© AP PHOTO / HADI SUTRISNO
Thân nhân của hành khách Lion Air flight JT610
Chưa đầy 5 tháng sau, vào tháng 3, một vụ tai nạn máy bay tương tự đã xảy ra ở Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng.
"Mặc dù cuộc điều tra đang diễn ra, chúng tôi biết cả hai thảm họa đều đi kèm với việc kích hoạt phần mềm điều khiển MCAS,"- Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muilenburg nói tại phiên điều trần Thượng viện hôm thứ Ba.
"Chúng tôi đã phạm sai lầm và đang sửa chữa chúng",- ông nói thêm. Kể từ tháng 8, phần mềm đã được cập nhật. MCAS sẽ trở nên "nhẹ nhàng và nhạy cảm hơn với hành động của phi công".

Cuộc đua vì lợi nhuận

Tuy nhiên, vụ việc của Boeing từ lâu đã vượt quá khuôn khổ phần mềm. Vấn đề là tập đoàn lớn nhất nước Mỹ cố tình gây nguy hiểm cho mạng sống của người dân vì lợi nhuận.
Năm 2011, đối thủ cạnh tranh chính của Boeing, hãng Airbus của châu Âu đã ra mắt dòng máy bay Neo với động cơ hiệu quả hơn.
Người Mỹ có hai lựa chọn để duy trì vị thế dẫn đầu: hoặc bắt đầu chế tạo mẫu mới từ đầu - chi 32 tỷ đô la cho dự án, hoặc trang bị cho Boeing 737 động cơ với tuabin đường kính lớn hơn, hứa hẹn tiết kiệm nhiên liệu 20%. Họ chọn phương án thứ hai và vào năm 2016, 737 MAX đã xuất hiện.
Tuy nhiên, do kích thước tăng lên, các động cơ mới không thể lắp đặt vào vị trí trước đó - chúng phải được đưa về phía trước, gắn vào chỗ cao hơn. Hậu quả là trọng tâm liên kết  bị phá vỡ và máy bay bắt đầu bị “ vểnh mũi”.
Người thân của Lion Air JT 610 bị rơi ở Indonesia
© REUTERS / WILLY KURNIAWAN
Người thân của Lion Air JT 610 bị rơi ở Indonesia
Để khắc phục khuyết điểm này, họ đã phát triển chương trình MCAS, khi mũi máy bay vểnh lên quá mức, chương trình sẽ tự động hạ mũi xuống. Hệ thống hóa ra rất ẩm ương – tự bật ngay cả trong chuyến bay với chế độ bình thường. Hơn nữa chương trình hạ mũi máy bay mạnh hơn bốn lần so với các nhà thiết kế đã dự kiến. Có nghĩa  là MCAS đã không điều chỉnh cân bằng cho máy bay, mà làm nó chúi xuống.
Tìm thấy “bãi tha ma” của máy bay Boeing 737 Max
© AFP 2019 / MARIO TAMA/GETTY IMAGES
Hơn nữa, hệ thống này được thiết kế theo cách rất khó phát hiện: MCAS im lặng kích hoạt khi máy tính cảm thấy mũi máy bay vểnh lên quá mức, nó làm việc trong vài giây, hướng máy bay xuống đất, và tiếp tục “giấc ngủ” cho đến tín hiệu nguy hiểm lần sau, theo đánh giá của chương trình .
Phần mềm phải được FAA cấp giấy chứng nhận và đây là một thủ tục tốn kém và lâu dài. Để không lãng phí thời gian, tiền bạc, ban lãnh đạo tập đoàn chỉ đơn giản che giấu sự thật về sự tồn tại của hệ thống này: MCAS đã được đề cập chính xác chỉ một lần trong bản hướng dẫn bay Boeing 737 MAX - trong danh sách các chữ viết tắt.
Thân nhân vụ Ethiopian Airlines
© AP PHOTO / MULUGETA AYENE
Thân nhân vụ Ethiopian Airlines
Như vậy họ đã tiết kiệm một lần nữa và đẩy mọi người đến cái chết: nếu biết về sự hiện diện của MCAS, phi hành đoàn có thể chỉ cần tắt chế độ điều khiển tự động và tiếp tục chuyến bay ở chế độ điều khiển bằng tay. Nhưng các phi công đã không nghi ngờ về một chương trình máy tính xảo quyệt. Thấy mũi máy bay đang chúi xuống, và không hiểu tại sao điều này lại xảy ra, họ kéo tay lái về phía mình, cố gắng vượt qua sự kháng cự của chế độ bay tự động.
Sau vài giây, MCAS tắt, lực cản ở cần lái biến mất - chiếc máy bay nhấc mũi lên một cách mạnh mẽ thật sự.  Chế độ tự động lại “tỉnh dậy” một lần nữa, điều khiển chúi mũi máy bay xuống. Đây là  bức tranh toàn cảnh mà  bản báo cáo chính thức về vụ tai nạn của hãng Lion Air mô tả.
Câu hỏi chính mà các nhà lập pháp Hoa Kỳ hiện nay đang quan tâm là liệu ban lãnh đạo Boeing có nhận ra sự nguy hiểm liên quan đến MCAS hay không. Vào giữa tháng 10, tờ The New York Times đã công bố các tài liệu thư tín nội bộ của nhân viên công ty, cho thấy vào năm 2016, phi công trưởng về kỹ thuật của Boeing trong dự án 737 MAX, Mark Forkner, đã thông báo cho một chuyên gia (tên của người này không được tiết lộ) về các vấn đề "kinh khủng" với hệ thống MCAS. 
"Nó làm mưa làm gió hoành hành trong trình giả lập”, - Forkner  khẳng định.
Trả lời câu hỏi tại Thượng viện: ông phát hiện ra điều này khi nào, Tổng giám đốc Muilenburg nói: trước vụ tai nạn 737 MAX ở Ethiopia. Điều đó đã gây ra một cơn bão phẫn nộ trong các nhà lập pháp.
"Sau vụ tai nạn ở Indonesia, đại diện Boeing đã đến văn phòng chỗ tôi và nói đó là hậu quả sai lầm của phi công, -Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal  phẫn nộ. Còn bây giờ, hóa ra những phi công đó không có cơ hội nào cả. Họ ở trong những chiếc quan tài bay, bởi vì  Boеing quyết định che giấu thông tin về MCAS".

Quả báo cho lòng tham

Không phụ thuộc kết quả các phiên điều trần tại Thượng viện sẽ ra sao, các vấn đề của Boeing sẽ không kết thúc sớm. Việc nối lại các chuyến bay của 737 MAX, bị cấm sau thảm họa ở Ethiopia, bị trì hoãn chưa biết đến bao giờ. Nhà sản xuất máy bay hy vọng lệnh cấm sẽ kéo dài không quá ba tháng, nhưng bây giờ thời hạn đề cập đến tháng hai năm sau.
Boeing trả tiền bồi thường cho nạn nhân các vụ tai nạn hàng không, nhưng con số này không là gì so với số tiền mà các hãng hàng không dự định yêu cầu vì  không có khả năng vận hành máy bay. Theo dánh giá của giới chuyên gia, tổng thiệt hại của họ lên tới gần 10 tỷ đô la.
Trong khi đó, vấn đề tài chính của Boeing rơi vào tình trạng không tốt: trong quý 3 doanh thu giảm 21% (xuống còn 19,98 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái (25,1 tỷ USD). Các khoản nợ trong năm tăng 5,5 tỷ USD, trong khi các khoản tiền khả dụng chỉ tăng 1,3 tỷ USD còn dòng tiền lưu thông đã  bị âm.
Những máy bay hãng American Airlines
© AFP 2019 / ROBYN BECK
Những máy bay hãng American Airlines
Nhưng ngay cả các hãng hàng không sẵn sàng nối lại các chuyến bay 737 MAX ngay sau khi dỡ bỏ lệnh cấm, vẫn rất nghi ngờ điều này có thể được thực hiện nhanh chóng. Danh tiếng của máy bay bị hủy hoại, và liệu hành khách có muốn bay trên phi cơ này hay không- vẫn là một câu hỏi lớn. Các hãng hàng không lớn nhất của Mỹ American Airlines và Southwest Airlines thông báo cho biết họ sẽ cho khách hàng quyền từ chối bay trên 737 MAX.
Các nhà phân tích chứng khoán cũng không tin hãng sản xuất máy bay có thể giải quyết các vấn đề của mình trong tương lai gần. Thứ Hai tuần trước, ba công ty có ảnh hưởng ở Phố Wall đã hạ dự báo giá của cổ phiếu Boeing.
"Chúng tôi không thể bảo vệ cổ phiếu trong bối cảnh những phát hiện gần đây, điều này làm tăng đáng kể hồ sơ rủi ro cho các nhà đầu tư, các chuyên gia Credit Suisse lưu ý trong bản ghi nhớ dành cho khách hàng. - Theo giải thích của chúng tôi, kết luận chính là Boeing dường như biết về hoạt động sai lầm của MCAS trước khi làm chứng nhận chất lượng cho máy bay 737 MAX".
Các chuyên gia của UBS "không còn tự tin rằng sau khi trở lại thị trường, 737 MAX sẽ được hành khách lựa chọn".
Bank of America Merrill Lynch chỉ ra sự không chắc chắn ngày càng tăng về thời điểm MAX sẽ quay trở lại hoạt động.
"Vấn đề chính đối với các nhà đầu tư - quản lý rủi ro và công bố thông tin - có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của cổ phiếu Boeing trong tương lai gần", - chuyên gia ngân hàng cảnh báo.
https://vn.sputniknews.com/world/201910318194448-quan-tai-bay-bi-mat-ban-thiu-cua-tap-doan-boeing/ 

Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

BỈ - 'ĐIỂM TRUNG CHUYỂN' TRÊN TUYẾN ĐƯỜNG BUÔN NGƯỜI

Sau khi Pháp dỡ trại tị nạn Calais hồi năm 2016, những người di cư muốn tới Anh buộc phải chọn con đường nguy hiểm hơn từ bờ biển Bỉ.
Thùng container đông lạnh chứa 39 thể đi từ cảng Zeebrugge, Bỉ trên một chiếc phà của công ty Cobelfret Ferries, trụ sở ở thành phố Brugge, và cập cảng Purfleet ở hạt Essex, phía đông London, Anh vào lúc 0h30 sáng 23/10.
Văn phòng Công tố Liên bang Bỉ cho biết "tới thời điểm này" không có bằng chứng nào cho thấy các nạn nhân bắt đầu hành trình định mệnh của họ từ Bỉ. "Cuộc điều tra nhằm xác định họ đã chết bao lâu. Khi chiếc container được vận chuyển qua biển, họ có thể đã chết ở bên trong", Francois Gemenne, nhà nghiên cứu về di cư tại Đại học Liege, Bỉ và Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, cho hay.
Tuy nhiên, theo ước tính, khoảng 800 - 1.000 người di cư đang có mặt tại Bỉ, đất nước chỉ cách bờ biển Anh 100 km, để chờ thời cơ sang "miền đất hứa" bằng cách vượt biển thông qua cảng Zeebrugge hoặc các cảng của Pháp. Việc Pháp đóng cửa trại tị nạn Calais, khu lều tồi tàn ở phía bắc nước này, khiến 6.000 người di cư buộc phải tìm chỗ trú ẩn mới, tạo thêm gánh nặng cho Bỉ.
Cảng Zeebrugge ở phía tây bắc Bỉ hôm 24/10. Ảnh: Reuters.
Cảng Zeebrugge ở phía tây bắc Bỉ hôm 24/10. Ảnh: Reuters.
"Người di cư di chuyển trong tam giác Paris, Brussels và Calais", Mehdi Kassou, người dẫn dắt một mạng lưới chăm lo cho những người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Đông, Sudan hoặc Eritrea, cho biết. Chuyên gia Gemenne bổ sung rằng cảnh sát cũng đang nỗ lực xác định các tuyến đường di cư.
Trong số 39 thi thể được tìm thấy trong xe container ở Essex, cách London 32 km, có 31 người đàn ông và 8 phụ nữ. Cảnh sát Anh ban đầu tin rằng tất cả nạn nhân là người Trung Quốc, nhưng giới chức nước này đang điều tra nghi vấn có nạn nhân mang quốc tịch ngoài Trung Quốc. Sự việc này được cho là một vụ buôn người.
Đây không phải "chuyến đi chết chóc" đầu tiên di chuyển qua cảng Zeebrugge. Hồi năm 2000, một xe container chở 60 người di cư Trung Quốc "ngụy trang" bằng các thùng cà chua cũng đi qua cảng này để tới cảng Dover ở hạt Kent, đông nam nước Anh. Tuy nhiên, tài xế đã đóng lỗ thông hơi ngay trước khi xe tới cảng Zeebrugge, khiến 58 người trong container thiệt mạng.
"Tuyến đường đã thay đổi. Trước đây người di cư thường đi từ Calais tới Anh, nhưng bây giờ chuyển sang cao tốc E40 ở Bỉ", Stef Janssens, người làm việc tại trung tâm di trú liên bang của Bỉ, cho hay. Các băng đảng buôn người kiểm soát những điểm đỗ xe tập trung người di cư dọc theo tuyến cao tốc nối thủ đô Brussels với cảng Zeebrugge này.
Cảng Zeebrugge chủ yếu xử lý các xe vận chuyển hàng hóa và rất ít du khách đi qua đây. Chó đánh hơi và máy quét nhiệt được sử dụng để phát hiện những người trốn vé, nhưng các biện pháp này không có hiệu quả đối với những container đông lạnh như chiếc chứa 39 thi thể.
Hồi năm 2014, thi thể một người di cư Afghanistan được phát hiện trong chiếc container cập cảng Tillbury ở Anh, trong khi 34 người đi cùng sống sót. Chiếc xe di chuyển qua cảng Zeebrugge vào thời điểm máy quét không hoạt động. Do mỗi ngày có tới 4.000 xe đi qua cảng này, các nhân viên cũng không đủ khả năng kiểm tra từng container.
Janssens cho biết những kẻ buôn người vẫn kiểm soát các điểm trên đường cao tốc E40, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm những nơi an ninh lỏng lẻo hơn, nên đã tiến xa hơn về phía bắc trong hai năm qua. "Tuyến đường cũng chuyển hướng tới thành phố Antwerp và các cảng như Hook of Holland ở Hà Lan, bởi những nơi này vắng vẻ hơn và ít bị kiểm soát hơn", ông giải thích.
Tuyến đường xe container chở 39 người vào Anh (bấm vào hình để xem chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành.
Tuyến đường xe container chở 39 người vào Anh (bấm vào hình để xem chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành.
Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM), trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ, cho biết ngày càng nhiều người di cư còn cố đến Anh bằng những chiếc xuồng nhỏ và có 5 vụ chìm xuồng trong năm nay. 39 thi thể được phát hiện tại Essex khiến tổng số người di cư thiệt mạng trên hành trình vượt lục địa châu Âu năm nay tăng lên 97, nhiều hơn 5 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng việc buộc tội những kẻ buôn người khá dễ dàng, nhưng các giải pháp về mặt hệ thống thường bị bỏ qua. Quá trình cải cách vấn đề tị nạn trên toàn EU đang bị đình trệ. Điều luật Dublin, trong đó quy định người xin tị nạn phải đăng ký tại quốc gia châu Âu đầu tiên mà họ đến, đang dồn gánh nặng lên Hy Lạp và Italy và không hiệu quả.
"Chúng ta đang mắc kẹt trong tình huống mà chắc chắn sẽ dẫn tới cái chết của những người tị nạn, hoặc đẩy họ vào tay những kẻ buôn người", Kassou bày tỏ ý kiến.
"Chừng nào nước Anh vẫn là điểm đến hấp dẫn thì sẽ còn những người di cư sẵn lòng vượt biên. Điều này đã diễn ra trong thời gian dài và có lẽ sẽ vẫn duy trì kể cả khi Anh rời EU", Gemenne cho hay, nói thêm rằng "những kẻ buôn người chẳng mảy may quan tâm đến số phận người di cư".
"Đặc điểm vô nhân đạo của việc buôn người là nếu 'mặt hàng' biến mất, không ai lên tiếng đòi lại", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo Reuters, AFP)

TRUY TÌM TÀI XẾ THỨ HAI TRONG VỤ 39 THI THỂ TRÊN XE CONTAINER

Cảnh sát Bỉ đang truy tìm tài xế đã chở container chứa 39 người đến cảng Zeebrugge trước khi nó được đưa lên phà sang Anh.
Cảnh sát Bỉ đang tập trung truy tìm tài xế chở container trên đến cảng Zeebrugge và sử dụng video từ camera giám sát để xác định danh tính người này, theo tờ Times.
Tài xế này được cho là đã bỏ qua thủ tục thông thường khi đến cảng, không báo cáo danh tính hay trình vận đơn, loại giấy tờ chứng minh anh ta được công ty vận tải thuê chở hàng.
"Chúng tôi hy vọng sớm bắt được anh ta. Xe tải của anh ta được ghi nhận 10 lần trong camera giám sát tại cảng", tờ Het Nieuwsblad của Hà Lan dẫn một nguồn tin giới chức Bỉ, cho biết thêm.
Cảng Zeebrugge, Bỉ, nơi container chứa 39 người được chở đến trước khi lên phà sang Anh. Ảnh: PA
Cảng Zeebrugge, Bỉ, nơi container chứa 39 người được chở đến trước khi lên phà sang Anh. Ảnh: PA
C.RO, công ty quản lý cảng Zeebrugge, được tin là đã bàn giao cho cảnh sát các video trên và đây là một diễn biến quan trọng có thể hé lộ ai là người đứng sau hành trình của 39 người xấu số trong xe container.
Cảnh sát trước đó cho biết thùng container đến cảng Zeebrugge vào 14h39 ngày 22/10, trước khi được đưa lên phà vượt biển đến cảng Purfleet, hạt Essex, Anh vào 1h sáng 23/10. Tại cảng Purlfeet, nó được tài xế xe đầu kéo Mo Robinson tiếp nhận và chở đi, đến 1h40 thì phát hiện 31 người đàn ông và 8 phụ nữ chết trong container. Robinson, 25 tuổi, đã bị bắt cùng 3 người khác với cáo buộc buôn người và ngộ sát.
Video Player is loading.
Hiện tại 1:37
/
Thời lượng 1:37
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%
Vụ container chứa 39 thi thể được phát hiện như thế nào. Video: ITV News
Thùng container thuộc sở hữu công ty GTR Europe tại thủ đô Dublin, Ireland, và cho một doanh nghiệp khác thuê lại. Theo dữ liệu định vị GPS, container rời Ireland từ hôm 15/10, qua Anh rồi vượt biển đến Pháp và Bỉ. Từ ngày 17 đến 22/10, nó hai lần đi lại giữa Anh và lục địa châu Âu.
Việc tài xế chở container chứa 39 người đến cảng Zeebrugge trót lọt làm dấy lên những nghi vấn về an ninh tại các cảng châu Âu. Phát biểu vào tối 25/10, một cảnh sát Bỉ cho biết có 4.000 xe tải và container đi qua Zeebrugge mỗi ngày mà không được camera ghi nhận và người di cư thường xuyên được giấu trong các container để trốn qua Anh. Ông thêm rằng các di dân thường được những kẻ buôn người đưa lên xe tải từ Đức và Luxembourg trước khi lên đường tới Anh.
Cảng Zeebrugge cho biết đã triển khai chó đánh hơi và các thiết bị cảm nhiệt để phát hiện người trong các container, tuy nhiên, các thiết bị này không có tác dụng với những container đông lạnh. 
Hành trình của container chở 39 thi thể trước khi được phát hiện. Đồ hoạ: Tiến Thành
Hành trình của container chở 39 thi thể trước khi được phát hiện. Bấm vào ảnh để xem ảnh đầy đủ.
Một nguồn tin giấu tên nói với tờ Mirror rằng khi mở cửa container, nhân viên phản ứng khẩn cấp bị sốc khi thấy "hàng chục thi thể chồng chất lên nhau", Các nạn nhân có thể đã tử vong khoảng 3-4 giờ trước. Họ cũng phát hiện máu xung quanh một số thi thể và trên sàn container. 
"Có những dấu tay máu dọc theo cánh cửa, họ có lẽ đã đập mạnh vào đây để kêu cứu. Các nạn nhân mặc ít quần áo", nguồn tin nói thêm. Cảnh sát và nhân viên y tế tại hiện trường cho biết ngoài các nạn nhân, không có hàng hóa trong conntainer.
Cảnh sát hạt Essex ban đầu tin rằng các nạn nhân gồm 31 nam và 8 nữ đều là người Trung Quốc, tuy nhiên nhà chức trách đang điều tra nghi vấn có nạn nhân mang quốc tịch khác. Giới chức Việt Nam cũng phối hợp với Anh để xác minh về quốc tịch các nạn nhân. Quá trình khám nghiệm tử thi và nhận dạng nạn nhân đã bắt đầu nhưng dự kiến mất nhiều thời gian.
Anh Ngọc (Theo Daily Mail)