Với Nguyễn Hữu Thái Hoà, nhạc Trịnh không chỉ cứu rỗi những giây phút quyết định trong cuộc đời, mà còn đưa anh đến với triết lý kinh doanh “hướng đến tận cùng bản chất sự thật, hướng thiện để phục vụ cộng đồng”, đưa anh trở về với nguồn cội.
Cuộc đời anh có ba đam mê: nhạc Trịnh, học võ và kinh doanh. Chúng hoà quyện trong đời sống, giúp anh rèn luyện mình thành một người có nhân tâm và lãng tử.
Tuy nhiên, mê nhạc Trịnh là khởi nguồn cho mọi đích đến.
Từ tài tử hát nhạc Trịnh...
“Đi nhiều, gặp đủ loại người, tôi hiểu rằng, hội nhập mà giữ được cho mình một cốt cách riêng, đam mê riêng là chuyện sống còn”, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT mở đầu câu chuyện bằng giọng nói trầm ngâm.
Dáng cao gầy, nước da trắng trẻo, gọng kính thời trang, tóc vuốt keo bóng bẩy, chiếc khăn len đặt hờ trên cổ sành điệu. Trông anh giống một tài tử hơn một doanh nhân, nhất lại là một người chuyên sâu về chiến lược vốn chứa đựng nhiều toan tính.
Vẫn biết nhạc Trịnh chứa đựng vô vàn điều kỳ diệu, nhưng khi nghe anh kể về nhạc Trịnh, về cái gọi là “tâm tự thoại” khi hát nhạc Trịnh (nghĩa là độ hồn nhiên trong nghệ thuật), về khoảng không vô hạn mà lời ca, ý nhạc của nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn đem lại, tôi mới thấu hiểu phần nào của cái gọi là giải phóng bản ngã, tự tôn dân tộc và sự thăng hoa của tài tử mê nhạc Trịnh. Và cũng lần đầu tiên, tôi biết về một doanh nhân đã ứng dụng tư tưởng đó vào kinh doanh, mà lại rất thành công.
Anh cũng tự nhận mình là một người trẻ đa năng, nhiều đam mê và may mắn làm việc gì cũng để lại dấu ấn nhất định. 
Sinh năm 1969, Thái Hòa từng theo học Khoa thanh nhạc và piano cổ điển tại Nhạc viện TP.HCM, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp TP.HCM (1986 - 1990); rồi học kiến trúc nội thất tại Đại học Bách khoa Ryerson, Toronto (Canada) trong thời gian 1991-1995.
Mang sẵn trong mình niềm đam mê âm nhạc, năm 1996, anh về nước tham gia các dự án kiến trúc, xây dựng và hợp tác của 1 công ty kiến trúc của Canada - cơ duyên cho Thái Hoà không chỉ gặp mà còn thường xuyên đi hát cùng người nhạc sỹ mình yêu thích, được chính nhạc sỹ lựa bài cho chất giọng mà nhạc sỹ họ Trịnh đánh giá là hơi non nhưng lạ và ông rất thích.
Mối nhân duyên này khiến chàng Việt kiều Canada Thái Hòa quyết định ở lại Việt Nam cho đến khi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn qua đời vào năm 2001, anh mới rời hẳn Việt Nam sang Pháp.
Lại nói về đợt chuyển dịch tới Pháp, Thái Hoà nhận thấy cuộc đời mình có những điểm mốc đáng gọi là bản lề. Cuộc gặp tình cờ với vị Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp điện Schneider Electric (Pháp) vào năm 1997 với lời khẳng định mà ông tổng giám đốc dành cho chàng kiến trúc sư trẻ rằng, “tôi tin là tôi chọn đúng người”, đã thổi bùng tự tôn dân tộc trong người trẻ đầy đam mê và đậm chất nghệ sỹ, để rồi sau này, bằng cách nỗ lực hơn người, người trẻ được chọn đó trở thành Tổng giám đốc chất lượng Công nghệ ISC khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Schneider Electric.
Đến truyền lửa đam mê cho FPT
Quyết định trở về Việt Nam làm giám đốc chiến lược cho Công ty cổ phần FPT của Thái Hòa, một vị trí vốn chưa có tiền lệ với anh, khiến những người biết anh bất ngờ.
Lịch sử dường như lặp lại khi xung quanh câu chuyện này là những đồn đoán và nhận định từ giới kinh doanh trong nước về tài chọn cộng sự của Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình. Có phải một lần nữa, anh là người được chọn?
Thái Hòa rất thật khi cho rằng, thời điểm này đã khác và thật khó để nói ai đã chọn ai khi cả hai đều có chiến lược tiếp cận nhau. Theo anh, nhận lời làm việc cho FPT là một quyết định thay đổi lớn trong đời, nhưng khác với thời điểm anh về đầu quân cho Schneider Electric, bởi mấu nối giữa anh và vị Chủ tịch HĐQT FPT là tầm nhìn và khao khát vươn ra thế giới.
Anh kể lại: “Trong buổi trình bày về kết quả dự án BiC hỗ trợ chương trình năng suất chất lượng (Best-in-Class) cho FPT sau 2 năm vận hành, vào khoảng cuối tháng 11/2010, anh Bình có mặt và tôi là người trình bày. Tôi vẫn nhớ cảm giác khi thấy anh Bình gật đầu với những điều tôi nói. Và tôi hiểu rằng, anh ấy có chung khát vọng với tôi – đưa FPT đạt đến đỉnh cao của công nghệ mang tầm quốc tế. Khi đó, anh Bình đang chuẩn bị Hội nghị chiến lược FPT, và đã đề nghị tôi về làm giám đốc chiến lược”.
2 tháng sau lời mời, Thái Hoà chính thức nhận việc mới, mà theo anh là với tâm thế đầy tự tin vì những hiểu biết về lợi thế và thách thức mà anh phải đối mặt.
Không ngờ, thách thức vượt ngoài dự đoán. Khoảng cách khá xa về tư duy và hệ thống công việc tại Việt Nam so với các tập đoàn đa quốc gia khiến anh nhiều lúc cảm thấy phân vân với sự trở về của mình. “Doanh nghiệp Việt Nam thường viện đủ lý do khó khăn để rồi kết luận là “không thể” và dễ dàng buông xuôi”, anh nói.
Điều anh nói không mới, bởi lâu nay, người ra vẫn kể về hình ảnh “chiếu dưới” của nhiều doanh nghiệp Việt trước đối thủ ngoại khi họ thường ở thế bị động, chỉ biết phản ứng yếu ớt với sự chuyển biến của thị trường vốn đang ngày càng phức tạp và tinh vi hơn của thế giới.
Cũng phải nhắc thêm, khi anh quyết định trở thành một thành viên của FPT, có nghĩa là anh đã quyết định đưa cả gia đình vợ con về Việt Nam định cư sau 14 năm bôn ba trên cương vị một tổng giám khu vực của Schneider Electric.
Trở về là điều nhiều người Việt Nam thường chọn khi đã trải một chặng đường dài ở xứ người, ngay cả bố mẹ anh đã về Việt Nam từ năm 2007. Nhưng khi biết con trai mình có ý định về nước định cư, ông bà lại ngăn cản. Đơn giản vì ông bà quan niệm, làm việc ở tập đoàn đa quốc gia tốt hơn nhiều so với tập đoàn trong nước, dù tập đoàn đó là ai. Rồi thì kinh tế Việt Nam đang khó khăn…
“Tôi là người Việt Nam, sớm muộn tôi cũng sẽ trở về. Và đây là thời điểm thích hợp nhất”, anh chia sẻ khi nói về lần trở về này. “Cuộc sống của tôi rất tốt, bận rộn đến mức tôi chỉ được ngủ có 4,5 tiếng/ngày. Tôi nghĩ, trở về ở độ tuổi còn sung sức là cách nắm cơ hội.
Từ chối trả lời sâu về chiến lược của FPT vì lý do bảo mật, song không vì thế mà câu chuyện về OneFPT kém phần rôm rả. Vẫn đầy đam mê và chất chứa nhiều niềm tự tôn dân tộc khi anh nói về OneFPT với nội hàm của một cuộc cách mạng.
Tất nhiên, quá sớm để nói nhiều về thành công. Và cũng đúng như anh nói, cần có những con người cùng chiến tuyến để thực thi nghiêm túc theo đúng lộ trình đề ra, song chỉ cần nhìn đích đến của Chiến lược OneFPT về một tập đoàn toàn cầu hàng đầu Việt Nam, lọt vào Top 500 trong Forbes Global 2.000 sau 12 năm nữa, cũng có thể hiểu phần nào sự sốt ruột của người đang gánh trọng trách dẫn hướng.
Hiện Chiến lược OneFPT giai đoạn 2011-2014 với mục tiêu xác lập vị trí trọng yếu trong phát triển hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam đã qua năm “bản lề”. Chưa có đối thủ nào đến gần vị thế của FPT, nhưng ban lãnh đạo đang lo lắng về sự đủng đỉnh... trên đỉnh chiến thắng. Những con người FPT dám mạo hiểm, xông pha vì một dự án mới hình như đang vơi đi. Mặc dù ban lãnh đạo đã đưa ra nhiều chính sách hợp lực về cổ phiếu, về hệ thống lương thưởng (nếu hợp tác nội bộ) nhưng cũng chưa có tín hiệu cải thiện. Hạn chế này đang đe dọa đến mục tiêu của OneFPT với mức tăng trưởng gấp 4 lần trong 4 năm từ nay đến 2014...
Vậy làm thế nào để tinh thần hợp lực trở thành “cơm ăn áo mặc hàng ngày” của người FPT? Ban lãnh đạo FPT sẽ có đáp án, nhưng với Thái Hoà, anh chọn cách truyền lửa đam mê hát nhạc Trịnh từ lãnh đạo cao nhất trong tới 12.000 nhân viên.
Mỗi ngày tôi chợt ngồi thiệt yên.
Chợt nghĩ quê hương, nghĩ lại mình.
Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống.
Vì đất nước cần một trái tim.
“Biết đâu những ý tưởng “điên rồ” hay hoài bão mang tính đột phá và tầm nhìn chiến lược táo bạo lại lẩn khuất đâu đó trong mỗi ca từ của nhạc Trịnh”, Thái Hòa mỉm cười và ngân nga câu hát “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Đúng là chất rất riêng của Thái Hòa. Thú vị thật!
Chia sẻ cùng giám đốc chiến lược của FPT
Anh nghĩ sao về cách tận dụng mối quan hệ với truyền thông trong việc xử lý khủng hoảng của doanh nhân Việt?
Cũng có đồng nghiệp khuyên tôi đừng “nổ” quá với truyền thông, vì “nói trước, bước không qua”. Tôi lại suy nghĩ cởi mở với truyền thông là trách nhiệm của người trí thức và doanh nhân. Đó là những mối quan hệ tốt cần duy trì. Và thật sự những gì tôi nói đều là người thật, việc thật, đánh động đáng kể đến một bộ phần quan trong của xã hội là giới doanh nhân và giới trẻ.
Vậy minh bạch với truyền thông là để doanh nhân tự điều chỉnh?
Đúng vậy! Nếu doanh nhân nào nắm chắc được công cụ SWOT (phân tích điểm mạnh, điểm yếu, nguy cơ tiềm ẩn, cơ hội), thì doanh nghiệp đó nắm trong tay chìa khóa giải toả những khủng hoảng truyền thông. Đây là công cụ đơn giản nhất, nhưng nhiều doanh nhân không làm hoặc làm rất qua loa.
Không nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam có giám đốc chiến lược. Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến họ hay gặp sai lầm về chiến lược?
Tôi thấy họ thường không có tầm nhìn xa và chỉ làm chiến thuật, không phải là chiến lược. Họ không hiểu rằng, đầu tư ngắn hạn, thu lợi nhuận trước mắt cũng là chiến lược “lướt sóng” tốt nếu có tư duy rõ ràng. Hay xây thương hiệu để bán cũng là chiến lược chủ động rất khôn ngoan, nếu có định hướng rõ từ trước, khả năng thắng cuộc sẽ rất cao.

Theo Anh Hoa 
Báo đầu tư