Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019

PHÍA SAU BỨC ẢNH GHI LẠI SỰ KIỆN NGÀY 11/9 GÂY TRANH CÃI CỦA THOMAS HOEPKER

Bức ảnh chụp những người dân New York đang thư giãn khi Toà tháp đôi đang cháy âm ỉ nói lên nhiều điều về lịch sử và những ký ức.
Đang tải 11-9-thomas-hoepker-magnum.jpg…
Ảnh chụp bởi Thomas Hoepker/Magnum
Trong tấm hình nhiếp ảnh gia Thomas Hoepker chụp ngày 11 tháng 9 năm 2001, một nhóm người New York đang ngồi trò chuyện dưới ánh nắng mặt trời ở công viên Brooklyn. Phía sau họ, qua mặt nước trong xanh, dưới bầu trời xanh ngắt là một luồng khói bụi khủng khiếp đang bốc lên từ Manhattan, nơi hai toà tháp bị tấn công bởi những chiếc máy bay khủng bố ngay trong sáng hôm ấy. Hai toà tháp đã sụp đổ, giết chết gần 3000 người bởi khói lửa, những nạn nhân ngã hoặc nhảy xuống từ trên cao, bị nghiền nát.

10 năm sau, bức ảnh đã trở thành một trong những bức hình biểu tượng của sự kiện 11/9 nhưng lịch sử về nó thật kì lạ và nhiều uẩn khúc. Hoepker, một nhân vật quan trọng của hãng ảnh uy tín Magnum đã không công bố tấm ảnh vào năm 2001 ấy. Chỉ tới năm 2006, vào ngày tưởng nhớ 5 năm vụ tấn công, nó mới xuất hiện trong một cuốn sách và gây ra rất nhiều tranh cãi. Nhà phê bình Frank Rich đã viết về nó trên tờ New York Times. Ông nhìn thấy một bức tranh tuy đáng lo ngại nhưng không thể chối cãi về thất bại của Mỹ, để rút ra bài học từ thảm kịch đó và để thay đổi, cải cách một quốc gia: “Những người trẻ trong tấm ảnh của Hoepker không hẳn là những người vô tâm. Họ chỉ là người Mỹ mà thôi.”

Nói cách khác, một đất nước tin vào việc họ phải tiếp tục tiến về phía trước và họ đã làm điều đó, tận hưởng ánh nắng mặt trời bất chấp vụ việc đã tàn sát hàng loạt người Mỹ, trở thành một vết sẹo trong lịch sử. Thật vậy, tôi không hề nghĩ rằng rằng cảm xúc của năm người dân New York đó không bị lay chuyển giống như các nhân vật trong bộ phim truyền hình hài nổi tiếng Seinfield, trong tập cuối họ bị buộc tội vì không quan tâm tới người khác.

Góc nhìn của Rich ngay lập tức gây tranh cãi. Walter Sipper, nhân vật trong tấm ảnh nói rằng anh và bạn gái mình hiển nhiên là đang tắm nắng nhưng thực sự họ đã rất sốc và mất niềm tin. Hoepker đã chụp mà không có sự chấp thuận từ họ, thể hiện một hình ảnh gây hiểu nhầm về hành vi và cảm xúc của họ.

Bạn không thể chụp ảnh được cảm xúc. 5 năm sau ngày công bố năm 2006, dường như thật vô nghĩa khi tranh luận về đạo đức của những người trong ảnh cũng như của nhiếp ảnh gia, hay về quyết định của ông khi quyết định không xuất bản. Bức ảnh đã trở thành một trong những định nghĩa của ngày đó.

Đó là bức ảnh duy nhất trong ngày hôm đó để nói lên tính nghệ thuật của nhiếp ảnh gia: giữa hàng trăm tấm hình tàn khốc được chụp bởi những người nghiệp dư cũng như nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ghi lại sự kinh hoàng và tác động mãnh liệt tới chúng ta vì họ ghi lại chi tiết của một tội ác vượt xa trí tưởng tượng. Thậm chí cả Osama bin Laden cũng không trông chờ một hậu quả như vậy - bức ảnh trở nên nổi bật, như một sự châm biếm, xa cách và đầy nghệ thuật. Có lẽ lý do thực sự mà Hoepker vượt qua vào thời điểm đó là vì cái tôi của ông, mỉa mai nó như tính cách của một nghệ sĩ giữa một cuộc tàn sát hàng loạt.

Ngày nay, ý nghĩa của bức ảnh không liên quan gì tới việc đánh giá các cá nhân. Nó đã trở thành một tấm hình chứng nhân của lịch sử và kí ức. Đại diện cho một khoảnh khắc lịch sự thảm khốc, nó đồng thời ghi lại những gì thật nhất: cuộc sống không ngăn cản được những cái chết vì một cuộc chiến hay hành động khủng bố nào đó vẫn đang diễn ra. Các nghệ sĩ và nhà văn đã nói lên sự thật này qua từng thời đại. Trong bức tranh “Cú rơi của Icarus”, hoạ sĩ Phục hưng Pieter Bruegel miêu tả một người nông dân đang cày thuê khi cậu bé đang rơi xuống biển, đó là một quan sát rất giống với Hoepker. Trong bài thơ Musée des Beaux Arts, WH Auden đã nói ra những gì tương đồng với bức ảnh: “Cách mọi thứ quay lưng lại/ Khá là dửng dưng với thảm hoạ …”

Tương tự, Stendhal nắm bắt sự bất hoà của lịch sử trong cuốn tiểu thuyết “The Charterhouse of Parma” của mình. Một chàng trai trẻ tình nguyện chiến đấu cho Napoleon tại Waterloo, nhưng thay vì cảm thấy dù chỉ một giây phút của sự dũng cảm, tất cả những gì anh trải qua là cảm giác đứng ngoài lề và sự vô nghĩa của ngày trọng đại.

Lịch sử không phải là một câu chuyện anh hùng, cũng như không phải là một khối đá cẩm thạch được khắc ghi trên đó những lời nói đau buồn và giận dữ. Như Tony Blair, người có phản ứng với hành động vô nhân đạo này đã nói về ngày hôm đó trong cuốn sách “A Journey”: “Thật đáng kinh ngạc khi cái sốc được tiếp nhận, nhịp điệu tự nhiên của tinh thần con người khi chúng ta tự trấn an bản thân… Chúng ta nhớ về điều ấy, nhưng nó không giống như cảm giác tại thời điểm đó.”

Cá nhân tôi cực kì nhớ cú sốc tại thời điểm đó. Tôi nằm mơ thấy ác mộng, thật kì lạ vì tôi không phải người Mỹ và tôi chỉ chứng kiến nó qua tivi ở Hackney, London. Nhưng tôi có một tình yêu dành cho New York và điều đó giống như một cuộc tấn công vào những gì tôi yêu quý nhất. Tuy nhiên, những tranh cãi về ý nghĩa hay phản ứng đối với hành động bạo lực khủng khiếp đó đã gần như bắt đầu ngay lập tức. Đối với mọi thông tin bạn đọc được ngày hôm đó, một cách trực tiếp hay gián tiếp, “cuộc chiến chống khủng bố” đã dẫn tới 12.000 người bị giết bởi những kẻ đánh bom tự sát ở Iraq…

Chúng ta vẫn đang sống, tách biệt khỏi trung tâm của thảm kịch bởi dòng chảy thời gian và nó là bất khả để vượt qua. Để cảm nhận được nỗi buổi đó, bạn cần xem một bộ phim tài liệu, rồi sau đó chuyển sang một thứ gì đó nhẹ nhàng hơn vì đã quá nhiều người hi sinh trong thảm hoạ này, hoặc đơn giản, chúng ta cần chuyển kênh vì đó là những gì chúng ta cần làm. Những con người trong tấm ảnh này không thể làm được gì ngoài việc tiếp tục sống và cho thé giới thấy điều đó.

Theo The Guardian

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét