Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

ĐẾ CHẾ ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ NHÂN LOẠI ĐÃ SỤP ĐỔ VÌ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU NHƯ THẾ NÀO?

Giờ nếu anh em gõ cụm từ “first empire in history” vào Google, nó sẽ hiện câu trả lời là Akkadian Empire. Đế chế Akkad nằm ở khu vực Mesopotamia cổ đại, giờ là vùng Cận Đông. Nó tồn tại hơn 4.000 năm về trước, thống nhất những thành phố độc lập, thống nhất cả những tộc người nói tiếng Akkad và tiếng Sumer lại dưới sự trị vì của vua Sargon sau khi chiến thắng trận đánh Uruk.

Đang tải Tinhte_Akkad3.jpg…
Sargon, vị vua đầu tiên trị vì đế chế Akkad.

Theo sách sử, vào thế kỷ 22 trước Công Nguyên, sau khoảng 180 năm tồn tại, đế chế Akkad sụp đổ. Con người ở đây bắt đầu sống trong thời kỳ tăm tối không có ai cai trị sau khi tộc người man di Gut, gốc Sumer đến từ dãy núi Zagros tấn công xuống vùng đồng bằng.

Cũng có một luồng tư duy cho rằng, không chỉ riêng sự tấn công của người Gut, mà một thảm họa tự nhiên được đặt tên là “Hạn hán 4.200 năm trước” đã khiến người dân Akkad không thể trồng trọt. Thiếu lương thực và nước uống, đế chế đầu tiên của lịch sử nhân loại sụp đổ. Mới đây, những nhà khoa họcnghiên cứu sự thay đổi của hóa chất tạo nên những mảng măng đá bên trong hang động Gol-e-Zard, phía sau ngọn núi Damavand đã xác nhận rằng, đế chế Akkad sụp đổ một phần lớn nguyên nhân vì biến đổi khí hậu.

Đang tải Tinhte_Akkad6.jpg…

Thời kỳ hoàng kim, đế chế Akkad trải dài theo hai con sông Tigris và Euphrates. Nó là một vùng đất rộng lớn. Giờ đây lãnh thổ đế chế Akkad bao trùm từ miền nam Iraq, xuyên qua cả Syria sang đến Thổ Nhĩ Kỳ. Vùng đất này có sự đa dạng khí hậu rất cao, từ vùng đất phụ thuộc vào mưa ở phía bắc (được mệnh danh là vựa bánh mỳ của châu Á), cho đến vùng đất trù phú nhờ phù sa bồi đắp ở phía nam. Lúc này, Babylon cũng mới chỉ là một thành phố nhỏ thuộc sự cai quản của đế chế Akkad.

Nhờ vào sự trù phú của nó, vùng đất phía nam được chính quyền Akkad sử dụng để trồng ngũ cốc nuôi sống quân đội và phân phối đến những thành phố khác. Thế rồi hơn 1 thế kỷ sau khi được hình thành, đế chế Akkad bất ngờ sụp đổ, kéo theo đó là chiến tranh liên miên. Thời kỳ này được ghi lại trong văn bản cổ đại có tên “Lời nguyền Akkad”: “…đất trồng trọt không trồng ra hạt, cánh đồng ngập nước không có cá, vườn cây không tạo ra rượu vang, và những đám mây thì không có mưa.”

Đang tải Tinhte_Akkad1.jpg…

Lãnh thổ đế chế Akkad hơn 4.000 năm về trước.

Lý do cho sự sụp đổ của đế chế này giờ vẫn đang là chủ đề tranh cãi của các nhà sử học, khảo cổ và các nhà khoa học. Một trong những cách nhìn nhận vấn đề được đông đảo khoa học gia đồng thuận là của nhà khảo cổ học Harvey Weiss của trường đại học Yale, dựa trên ý kiến của Ellsworth Huntington: Người dân Akkad bị ảnh hưởng bởi một đợt hạn hán nghiêm trọng, khiến toàn bộ miền bắc lãnh thổ đế chế này không có mưa, không thể trồng trọt được.

Weiss biện luận cho ý kiến của mình bằng những chứng cứ, rằng ở khu vực phía bắc Syria, dân Akkad bỏ nhà ra đi khoảng 4.200 năm về trước, dựa vào việc không tìm thấy dấu tích đồ gốm cùng những chứng tích khảo cổ khác ở khu vực này sau khi cơn hạn hán tấn công. Lớp đất màu mỡ bị thay thế bởi cát bụi mà gió thổi tới, một hiện tượng điển hình của hạn hán. Kiểm tra lớp trầm tích dưới đáy biển ở vịnh Oman và biển Đỏ cũng cho thấy lớp cát bụi tương tự đã bị thổi ra biển, hoàn thiện luận cứ của nhà khảo cổ này.

Đang tải Tinhte_Akkad7.JPG…
Tượng nữ giới Akkadian, đặt tại viện bảo tàng của Viện nghiên cứu phương Đông, đại học Chicago

Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu khác tiếp cận cách nhìn của Harvey Weiss cẩn trọng hơn vì coi bằng chứng này là chưa thực sự đầy đủ để biến hạn hán trở thành nguyên do trực tiếp dẫn tới sự sụp đổ của Mesopotamia.

May mắn thay mới đây, dữ liệu lấy từ măng đá bên trong hang động Gol-e-Zard ở Iran đã củng cố thêm cơ sở cho nhận định nói trên. Dù nằm cách lãnh thổ vốn có của đế chế Akkad cỡ vài trăm dặm, nhưng hang động này nằm đúng hướng gió thổi xuống. Kết quả cho thấy, 90% lượng cát bụi thổi vào bên trong hang động này đều đến từ những sa mạc ở Syria và Iraq.

Đang tải Tinhte_Akkad4.jpg…
Lối vào hang đá Gol-e-Zard, Iran.

Bụi sa mạc thu thập được có lượng magnesium cao hơn hẳn so với loại đá vôi vốn hình thành nên những trầm tích bên trong hang động Gol-e-Zard. Các nhà khoa học đánh giá lượng bụi theo từng thời kỳ một cách chính xác dựa vào lượng magnesium có ở từng lớp măng đá mà họ nghiên cứu, sử dụng kỹ thuật tính niên đại bằng uranium-thorium. Nhờ đó, họ đã nhận ra hai giai đoạn khô hạn nghiêm trọng ở khu vực Cận Đông, diễn ra cách đây lần lượt 4.510 và 4.260 năm. Giai đoạn đầu, khô hạn diễn ra trong 110 năm, nhưng đến giai đoạn thứ hai, toàn bộ vùng đất phải trải qua 290 năm không có một giọt mưa nào.

Quay trở lại với lịch sử. Những người dân phía bắc lãnh thổ đế chế Akkad di cư hàng loạt xuống phía nam để sinh sống, và gặp phải sự kháng cự của người dân ở đây. Một bức tường dài 180km có tên “Repeller of the Amorites” được dựng lên giữa hai con sông Tigris và Euphrates để kiểm soát người dân di cư, chẳng khác gì những chiến lược của thế kỷ XX cả. Vài trăm năm sau, cũng tại đây, một đế chế mới trỗi dậy và tồn tại vài trăm năm, mang tên Babylon.

Đang tải Tinhte_Akkad5.jpg…
Tường thành Babylon và đền thờ thần Bel, một vị thần cổ đại xứ Mesopotamia.

Và như vậy chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, không như nhiều đế chế sụp đổ vì chiến tranh, bệnh dịch, Akkad, đế chế đầu tiên của nhân loại sụp đổ vì chính hiểm họa mà con người hơn 4.000 năm sau vẫn phải đối mặt: Biến đổi khí hậu.

Tham khảo Inverse

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét