Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

ĐỐI THOẠI TRONG TRUYỆN LÊ XUYÊN: “KHO BÁU” NGÔN NGỮ NAM BỘ? (KỲ 3)

Tác giả : Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước).
“… Nói xong, Tư Cầu vội vàng chống xuồng về chòi mình, nhưng Phấn kêu giựt ngược lại:
- Nhớ qua nghe hông. À mà anh còn chút dầu lửa nào không cho tui mượn đỡ.
- Hết ráo rồi. Còn ba cái rọi mù u để chút nữa tao đem qua.
- Qua mau mau nghen!
- Ừa mà!”
(…)
Hoặc nữa:

Ngồi nín thinh một hồi, Phấn mới lên tiếng gợi chuyện:
- À anh Tư, anh có biết đến cuối tháng chạp này con Thắm nó đi lấy chồng không anh?
- Ừ…
- Ừa!... cái gì anh cũng ừ ừ mà không biết cái khỉ khô gì hết!
- Đừng làm bộ tài khôn hoài mầy! Tao nói ừ là ừ. Con Thắm nó lấy thằng Năm Tôn con ông Biện Dưỡng ở trên kinh Bang Chang bộ tao không biết hả?
- Dữ hông! Chắc trời mưa nên cóc mới mở miệng!
Tư Cầu hứ một tiếng rồi quăng mạnh cái tàn thuốc ra trước sân chòi.
Phấn lấy cây rọi mù-u gạt bớt tàn để cho thêm ánh sáng và nhích lại gần bên cạnh Tư Cầu. Cô với tay quơ một nhánh củi điên điển vừa dập dập tàn rọi còn lên khói vừa nói:
- Hai vợ chồng con Thắm cũng bằng tuổi tụi mình đó...
Tư Cầu ngước mắt nhìn lại:
- Hứ! người ta chưa ăn chưa ở gì hết mà mầy đã kêu là hai vợ chồng! Sao mày gấp quá vậy Phấn. Mà tụi nó bằng tuổi tao với mầy rồi có sao hông?
- Còn có sao nữa. Người ta cũng như mình mà... vậy đó! bộ anh không biết lo sao?
- Lo cái móc xì gì hả? Chừng nào tới rồi hãy hay chớ tao không lo gì ráo.
Phấn ngập-ngừng một lát rồi đắm đuối nhìn Tư Cầu và giọng cô ta trầm dịu xuống.
- Bộ anh không... không... nghĩ đến tui hả?
- Thì mầy chình ình ra đó chớ còn nghĩ ngợi gì nữa?
Cô nhích lại gần Tư Cầu thêm một chút nữa:
- Anh nầy nói kỳ quá! Bộ anh không nghĩ tụi mình cũng như... vợ chồng con Thắm sao?
Nghe nói vậy, Tư Cầu ngồi thẳng lưng nhìn Phấn từ đầu đến chân: một gương mặt bầu bĩnh với đôm mắt long lanh, với đôi môi hơi dầy một chút, ướt láng bên ánh lửa rọi chập chờn, đôi cánh tay tròn trịa ló ra khỏi chiếc áo túi cụt tay và một thân mình chắc nịch như thân cây chuối hột...
Tư Cầu như vừa ý và thấy sao dễ chịu trong mình! Anh ta vừa cười vừa nói với Phấn:
- Ừ, mầy coi cũng được!... Ối thôi, tới đâu hay tới đó chớ tao không nghĩ nghiếc gì hết... Còn tía má tao nữa chi?
- Nói như anh vậy hết chuyện rồi! Bộ ai cấm cản tía má anh lo cho anh sao? Còn tụi mình ở đây làm gì hả?
- Coi ba con vịt chớ làm gì nữa!
- Hứ lãng òm! Anh sao vậy hoài... Bộ anh không thấy người ta cũng như mình mà nên vợ, nên chồng, sung sướng tấm thân, bộ anh không... không... muốn, không thèm hả?
- Ý cha thèm! Ừ sung sướng đâu được vài tháng như hai vợ chồng anh Hai tao đó, rồi chưởi bới đập lộn nhau rùm trời, rồi đẻ xòn xọt cả bầy cả lũ để lo chạy gạo cho sói đầu hả?
- Bàn ngang như anh vậy thì nói làm gì cho thêm tổn. Bộ ai cũng vậy hả? Chớ anh không thấy vợ chồng anh Hai tui sao...
Tư Cầu cười lớn:
- Ối thôi, vợ chồng anh Hai mầy thì hết chỗ chê... Thiệt như ếch bắt cặp!
Và Tư Cầu thấp giọng hỏi luôn:
- Ê Phấn, bộ hai ảnh chỉ tối ở nhà bị ai cản mũi cản lái gì hay sao mà tao thấy cứ chạy tọt ra sau vườn chuối xà nẹo với nhau hoài vậy hả?
Phấn nghe hỏi vậy mắc cỡ nhưng thấy thinh thích trong lòng vì Tư Cầu đã hưởng ứng câu chuyện của nó. Cô ta làm bộ gạt ngang:
- Bậy nà!...Mà sao anh thấy? Anh dóc tổ!
Tư Cầu hấp tấp trả lời:
- Ừ thì dóc! Tao đi bẫy cò ở mấy cái mương sau vườn chuối nhà mày hoài mà sao lại không thấy!
Phấn chêm thêm:
- Bộ anh thấy họ rồi họ không thấy anh chắc?
- Con nầy ngu quá! Bộ mầy nói tao đi ngờ ngờ đó để cho họ thấy hả? Tao còn phải đi rình bẫy cò nữa chớ mầy quên sao? Như vậy họ dễ gì thấy tao được?
- Rồi anh rình ếch bắt cặp luôn?
- Đâu có mầy! Thì sẵn tao ngồi núp rình bẫy cò tao cũng nín luôn, chớ chẳng lẽ la làng lên hay sao?
Phấn nghe Tư Cầu nói vậy, cười hăng hắc:
- Anh nầy nói nghe ngộ quá ta!
Tư Cầu cũng bắt cười xòa theo, Phấn vẫn chưa chịu buông lơi câu chuyện:
- Bộ anh mà dám ngó họ!
- Tao mà không dám ngó! Thì nó ngờ ngờ trước mắt tao đó mà dám ngó hay không dám ngó gì mầy!
Phấn vẫn chưa chịu tha:
- Vậy anh thấy cái gì anh kể tui nghe coi! (…)

(Nđd.)
Cứ thế, tần số đối thoại ngay nơi chương một của truyện “Chú Tư Cầu” gia tăng theo mạch chảy của câu chuyện giữa hai nhân vật.
Tuy nhiên, cách gì thì người đọc cũng không thể phủ nhận khả năng sử dụng ngôn ngữ “miệt vườn” của Lê Xuyên thật hấp dẫn vì lạ lẫm, nhấm nhẳng, có duyên và, phong phú hiếm thấy nơi truyện của các nhà văn Nam Bộ khác.
Người đọc không thể bắt gặp loại ngôn ngữ văn chương “bác học” nào, trong truyện Lê Xuyên, ngoài những ngôn ngữ “bình dân”, hàng ngày như “bá láp”, “nói chuyện dần lân”, “chạy tọt”, “hắt tẹt nước còn”, “bờ xẻo”, “nói nghe sướng hông”, “hết ráo rồi”, “dữ hông”…Ngay khi phải tả thân thể “con Phấn”, Lê Xuyên cũng so sánh với một cách mộc mạc, rất miệt vườn, là hình ảnh của một “cây chuối hột”…
Tôi nghĩ nhiều phần độc giả đã đọc “Chú Tư Cầu” dù ngay từ đầu hay nhảy ngang giữa truyện, đều rất khó kiềm chế ý muốn đọc tiếp vì những đối thoại như đã dẫn chứng.
Phải chăng vì thế mà Thủy Tinh, một người bạn văn trẻ của nhà báo Hồ Ông (8) đã ví đối thoại của nhà văn Lê Xuyên, như một “kho báu” ngôn ngữ Nam Bộ cổ:
“…Trong một lần nói chuyện thân mật với cây bút trẻ Thủy Tinh, mới 37 tuổi, kỹ sư điện toán ở Adelaide, Thủy Tinh cho biết anh rất khoái thứ ngôn ngữ đặc thù của người dân quê Nam Bộ qua các tác phẩm tiêu biểu của Lê Xuyên như Chú Tư Cầu, Rặng Trâm Bầu, Vợ Thầy Hương, Thủy Tinh nói rằng anh đọc sách của Vương Hồng Sển nói về cái thú chơi đồ cổ, anh cũng khoái lắm, nhưng không đủ khả năng tiền bạc để chơi thứ của nhà giàu đó. Nhưng theo anh có một thứ "đồ cổ" vô cùng quý giá không thể để mai một đi và ai cũng có thể "chơi" được - đó chính là thứ ngôn ngữ của người dân quê Nam Bộ như những hạt ngọc quý lấp lánh trong các tiểu thuyết đồng quê của Nhà văn Lê Xuyên. Người ta có thể đọc bất cứ trang nào, cuốn tiểu thuyết nào của tác giả này cũng vẫn dễ dàng bắt gặp…” Nđd)
(Còn tiếp 1 kỳ)
_______
Chú thích:
(8) Nhà báo Hồ Ông hiện cư ngụ tại thành phố Sydney, Úc châu.

 http://dutule.com/D_1-2_2-105_4-7699_5-10_6-1_17-306_14-2_15-2/doi-thoai-trong-truyen-le-xuyen-kho-bau-ngon-ngu-nam-bo-ky-3.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét