Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

QUA “CHÚ TƯ CẦU”, ĐỊNH MỆNH MỞ CỬA KHÁC CHO LÊ XUYÊN.

Tác giả : Du Tử Lê

Nếu có một người không hề mơ ước hay, toan tính trở thành nhà văn nhưng, lại là một nhà văn nổi tiếng, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, thì đó là trường hợp của nhà văn Lê Xuyên / Lê Bình Tăng, tác giả những tiểu thuyết được nhiều người đọc, biết tới, như “Chú Tư Cầu”, “Rặng Trâm Bầu”, “Nguyệt Đồng Xoài”….

Nhà văn Lê Xuyên

Căn bản, họ Lê là một người làm chính trị, ông là đảng viên của đảng Đại Việt, trong nhiều năm, trước khi trở thành nhà báo chuyên nghiệp, rồi trở thành nhà văn trong một hoàn cảnh bất ngờ, ngoài dự trù của ông. Tôi muốn nói, giống như định mệnh đã chọn ông, để mở cho ông một cánh cửa khác hơn cánh cửa làm cách mạng: Cánh cửa văn chương, chữ, nghĩa.
Theo những tư liệu hiện có trong Bách Khoa Toàn Thư Mở - Wikipedia thì ngay từ khi con rất trẻ, nhà văn Lê Xuyên đã là một thành viên của đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐV/QDĐ) hệ phái Trương Tử Anh. (1)
Sinh trưởng ở miền Nam, ngày 1 tháng 11 năm 1927 tại Phong Điền, Cần Thơ, nhưng trước năm 1954, họ Lê đã được đảng của ông cử ra miền Bắc, tham gia sinh hoạt chống thực dân Pháp. Ông bị chính quyền Pháp ở Hà Nội bắt, giam tù nhiều năm...
Sau hiệp định Geneve tháng 7-1954, vẫn theo lệnh của đảng, họ Lê trở về miền Nam cùng với người bạn đời - - Vốn là một thiếu nữ Hà Nội khuê các; mà, theo nhà báo Ngọc Hoài Phương thì bà vốn có liên hệ gia tộc với nhà báo Hồ Anh / Nguyễn Thanh Hoàng. Chính vì thế mà sau này, cho tới ngày miền Nam bị sụp đổ, nhà văn Lê Xuyên đã giữ nhiều chức vụ quan trọng thuộc tòa soạn những tờ báo do ông Hồ Anh làm chủ, như các tờ Văn Nghệ Tiền Phong, Thời Thế, v.v…
Những năm tháng đầu tiên trở lại miền Nam, với bút hiệu Lê Nguyên (không phải Lê Xuyên), họ Lê đã viết nhiều bài bình luận chính trị, đả kích chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, thời Tổng thống Ngô Đình Diệm mới về nước chấp chánh - - Phản ảnh đường lối chính trị của đảng trưởng Trương Tử Anh thời đó. Những bài bình luận chính trị của ông xuất sắc, có tính thuyết phục cao, tới độ gây khó chịu cho chính quyền. Và, theo nhà báo Hồ Nam / Lê Nguyên Ngư thì Lê Xuyên bị đưa vào nhà giam Chí Hòa vì lý do đó. (2)
Về nguyên ủy trở thành nhà văn của Lê Xuyên / Lê Bình Tăng thì, theo một số tư liệu hiện có trên trang mạng Wikipedia – Mở đã ghi lại, đại ý như sau:
Đầu thập niên 1960, khi một số nhật báo ở Saigon lên cơn sốt với truyện chưởng “Cô gái Đồ Long” của Kim Dung do dịch giả Tiền Phong Từ Khánh Phụng mà, nhật báo Sài Gòn Mai lại chậm chân, không có! Vì thế, nhà báo Vương Hữu Đức, khi đó là Tổng thư ký Sài Gòn Mai, đã yêu cầu họ Lê viết một feuilleton (truyện dài đăng tải mỗi ngày) – đặc biệt về chuyện tình trai gái vùng Nam Bộ. Và, truyện “Chú Tư Cầu” được khai sinh từ đó. (3)
Sinh thời, trả lời một cuộc phỏng vấn về tiểu thuyết “Chú Tư Cầu”, nhà văn Lê Xuyên cho biết, sở dĩ ông mạnh dạn nhận lời vì ông sinh trưởng ở vùng quê miền Nam, bằng vào kinh nghiệm sống, tích lũy những dữ kiện có thật, cộng với những năm tù Chí Hòa, bị nhốt chung với đủ mọi thành phần cặn bã của xã hội, đa số là dân giang hồ, lắng nghe những chuyện họ kể, ông ghi nhận, sắp xếp, rồi đem vào truyện...(4)
Một điểm đáng chú ý nữa là, nhà văn Lê Xuyên cho rằng nếu chủ tâm làm văn chương thì nó sẽ không phù hợp với nhân vật cũng như nội dung truyện. Nói cách khác, nó sẽ không thể là một… “Chú Tư Cầu”. Ông viết thoải mái, dễ dàng, đúng phong cách kể chuyện nhẩn nha, tửng tửng, lững thững, kiểu của một ông già Nam Bộ, nhất là qua các mẩu đối thoại.
Đặc tính nhẩn nha, tửng tửng thấy rất nhiều trong phần đối thoại của Lê Xuyên, khiến ông được văn giới mệnh danh là người có khả năng viết liên tục 7 ngày mà vẫn “chưa cởi xong nút áo” của nhân vật nữ trong truyện. (5)
_________
Chú thích:
(1) Theo Bách Khoa Toàn Thư Mở - Wikipedia thì, năm 1934, ông Trương Tử Anh, người Phú Yên, ra Hà Nội theo học Luật khoa, Viện Đại học Đông Dương. Là một người có tinh thần dân tộc, trong thời gian học tập, ông chú ý nghiên cứu nhiều về các triết thuyết, các chủ nghĩa chính trị đang thịnh hành trên thế giới thời bấy giờ. Một trong các tiểu luận chính trị viết từ năm 1935, ông đã nhấn mạnh rằng: "Những triết thuyết, những chủ nghĩa chính trị đương thời đều không thích hợp với dân tộc Việt Nam và đều có sai lầm". Từ đó, ông manh nha việc xây dựng một chủ thuyết của riêng nhằm định hướng cho những hoạt động chính trị của mình về sau này. Ngày 10 tháng 12 năm 1938, ông Trương Tử Anh công bố một chủ thuyết tư tưởng về triết học và chính trị, gọi là Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn. Chủ thuyết này về sau được các đồng chí của ông phát triển thêm, khái quát thành những điểm chính như sau:
- Con người gồm những bản năng cơ bản là Vị kỷ, Tình dục và Xã hội.
- Để sinh tồn thì các bản năng này phải mạnh hơn những cá thể khác.
- Để bản năng mạnh mẽ cần có Sức mạnh, Biến cải và Hợp quần.
Tóm lại, để tồn tại, mỗi cá thể phải tạo cho mình sự vượt trội hơn đa số cá thể khác trong xã hội. Mở rộng ra, mỗi dân tộc, muốn sinh tồn phải có được ưu thế tương tranh để vượt lên được dân tộc khác. Điều này, về sau được ông nêu rõ trong Tuyên ngôn thành lập Đảng: "Chúng ta phải nhận thức rằng trên lập trường quốc tế, giữa các quốc gia chỉ có quyền và lợi mà thôi. Mọi hành động của nước này đối với nước khác không ngoài mục đích ấy".
Suốt thời gian học tại Viện Đại học Đông Dương, Trương Tử Anh đã truyền bá chủ thuyết Dân tộc sinh tồn và thu hút được một số bạn đồng chí trẻ. Ngày 10 tháng 12 năm 1939, ông tuyên bố thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng và lấy Chủ nghĩa dân tộc sinh tồn làm nền tảng lý thuyết.
Những đảng viên chủ chốt bấy giờ , có nhiều tên tuổi sau này vẫn còn được dư luận ở miền Nam cũng như hải ngoại, nhắc tới như các ông Nguyễn Tiến Hỷ, Nguyễn Tôn Hoàn, Đặng Văn Sung, Bùi Diễm, Trần Trung Dung, Phan Huy Quát, Hà Thúc Ký, Hoàng Xuân Tửu, Dương Thiệu Di. Nguyễn Tôn Hoàn v.v…
Đại Việt QĐĐ lấy ca khúc “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân (1922-1986) làm Đảng ca.
(2), (3), (4): Nđd.
(5) Hồ Ông, “Kho báu trong tác phẩm của Lê Xuyên”, Wikipedia Mở.

http://dutule.com/D_1-2_2-105_4-7667_5-10_6-1_17-306_14-2_15-2/qua-chu-tu-cau-dinh-menh-mo-cua-khac-cho-le-xuyen.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét