Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam - Trịnh Công Sơn in acoustic, phần 2 và 3.

Giới thiệu đến các bạn: 70 năm trong tình Ca Việt Nam: Trịnh Công Sơn in Acoustic, Phần 2.


Tracks List:
12.- Phôi Pha...............................Thái Hòa
13.- Vuờn Xưa.............................Thái Hòa
14.- Cũng Sẽ Chìm Trôi................Hồng Nhung
15.- Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ.......Mỹ Tâm
16.- Ở Trọ..................................Lô Thủy
17.- Chuyện Đóa Quỳnh Hương....Thái Hòa
18.- Như Cánh Vạc Bay................Thanh Lam
19.- Nghe Tiếng Muôn Trùng........Thái Hòa
20.- Lời Ở Phố Về....................... Giang Trang
21.- Tình Xa................................Nguyễn Toàn
22.- Tình Nhớ.............................Trần Thu Hà
23.- Tình Sầu..............................Hiền Thục

Phần 3:
24.- Rồi Như Đá Ngây Ngô.....................Thu Phương
25.- Vết Lăn Trầm.................................Trần Thu Hà
26.- Người Con Gái Việt Nam Da Vàng....Trịnh Công Sơn
27.- Đại Bác Ru Đêm.............................Trịnh Công Sơn
28.- Tình Ca Người Mất Trí.....................Khánh Ly
29.- Cát Bụi...........................................Th ái Hòa
30,- Tình Khúc Ơ Bai.............................Thái Hòa
31,- Xin Cho Tôi....................................Thủy Tiên
32.- Hát Cho Người Nằm Xuống.............Nguyễn Toàn
33.- Giọt Lệ Thiên Thu..........................Phạm Thu Hà
34.- Bay Đi Thầm Lặng.........................Thái Hòa
35.- Sóng Về Đâu.................................Quỳnh Lan
36.- Rừng Xưa Đã Khép........................Lê Dung
37.- Còn Tuổi Nào Cho Em....................Hiền Thục




Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ dùng chữ không có đối thủ trong dòng nhạc Việt.
Thứ nhất, ông chỉ dùng chữ Nôm. Họa hoằn lắm, ông mới cắn răng dùng từ Hán Việt, khi lục hết túi quần đến túi áo mà vẫn tìm không ra chữ Nôm nào để diễn tả ý tường của ông. Họa hoằn lắm, vì TCS mà tìm không ra thì kể như "xong phim"
Xin các bạn nhớ cho là chỉ có "chữ Nôm" chứ không có "tiếng Nôm".
Điều dễ hiểu là, tiếng Nôm chính là tiếng Việt ta đang nói ngày hôm nay, thứ tiếng mẹ đẻ mà dân tộc ta đã khai phóng, tích tụ bao ngàn năm nay. Chữ "ngôn" trong từ "ngôn ngữ". Vâng, chúng ta đã làm giàu thêm bằng những từ vay mượn từ chữ Hán, chữ Tây nhưng nhưng điều này không làm giảm đi giá trị của thứ tiếng mà Phạm Duy đã dùng để bắt đầu bản "Tình Ca":
"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời". Thuần nôm.!
Như trong "Ôi, tiếng buồn rơi đều, nhìn lại mình đời đã xanh rêu" của Trịnh Công Sơn, dấu tích Hán Việt được xóa bỏ hoàn toàn.

Nhưng Phạm Duy thua Trịnh Công Sơn ở chỗ họ Trịnh đã dùng hết sức mình để tận dụng chữ Nôm trong thi ca và âm nhạc của ông.
Phạm Duy là phù thủy của "âm pháp" nhưng Trịnh Công Sơn là phù thủy của "ngữ pháp".

Thứ hai, các nhạc sĩ khác có thể xử dụng ca từ mỹ miều, lãng mạn, du dương hơn họ Trịnh nhưng, không ai có thể "thâm" hơn Trịnh Công Sơn về tài này.
Muốn hiểu rõ những thâm ý của ông, ta cần "đọc" kỹ ca từ của ông trong những bản nhạc viết "sau" 1975 vì, chỉ chính trong giai đoạn này TCS mới viết nhạc cho .. chính ông.
"Đọc" lời nhạc của họ Trịnh vừa khó mà cũng vừa dễ như đọc sách sử. Ngày xưa, các quan ngự sử là những nhà viết sử trong triều đình .. theo lệnh vua. Các quan này đều là những học giả uyên thâm. Khổ một nỗi là, nếu viết đúng theo những gì đã xảy ra thì e mạng sống mình và cả gia tộc không giữ nổi thêm một giây đồng hồ. Nhưng nếu viết theo kiểu nhà vua muốn thì có tội với hậu thế. Thành ra, khi đọc sử, nếu ta để ý vào những gì các ông ấy "không muốn viết ra" bằng cách cố ý viết sai, thật vô lý, thật rõ ràng một cách ... mông lung rồi ta tra cứu thêm một ít các tài liệu khác thì sự thật sẽ hiện ra.
Giống như chuyện để cây tăm ngay trước mắt, ta sẽ không thấy nhưng thấy được cánh rừng ở đằng sau.! Nhưng nếu chỉ chú tâm vào cây tăm, ta sẽ không bao giờ nhận ra vẻ đẹp của cánh rừng. Người đọc sử hay nghe nhạc cần nhận thức rõ ràng để biết lúc nào nên chú tâm vào đâu.
Nhạc TCS cũng như sách sử, mỗi bản, ông chỉ lồng vài câu nhưng, nếu nhận ra, ta sẽ hiểu được ông muốn nói gì.
Muốn hiểu rõ những thâm ý của ông, ta cần "đọc" kỹ ca từ của ông trong những bản nhạc viết sau 1975 vì, chỉ chính trong giai đoạn này họ Trịnh mới thấm thía, mới cần phải bộc bạch tâm sự mình một cách khéo léo để bảo toàn an nguy.
Ngoài ra, cần phải tìm hiểu bản nhạc mình đang "đọc" được họ Trịnh viết trong hoàn cảnh nào, trong thời gian nào, thì cây tăm của Trịnh Công Sơn sẽ hiện ra lồ lộ trước mắt. Các bạn nhớ kỹ là tôi viết "đọc" chứ không phải "nghe" nhá.
Còn "nghe" thì tôi sẽ đề cập đến trong một kỳ tới.



Vì thế, khi đã không đủ trình độ văn hóa, không tôn trọng tác giả bằng cách nghiên cứu ca từ trước khi hát, cộng thêm "nếu quên thì cương", nhiều ca sĩ hát lung tung, thay lời đổi chữ vô tội vạ, trong lúc ra điệu bộ, nhắm mắt nhắm mũi, khoa tay khoa chân trong một cố gắng để diễn tả điều mà chính cả người hát có khi... chẳng hiểu gì.!!!
“Hát thì hát vậy...”, nói theo lối TCS, thì làm sao mà lôi cuốn, mà truyền được cảm xúc cho người nghe. Chuyện hát đúng hát sai kể ra không hết, có khi chỉ thay đổi, thêm hay bớt một chữ thôi cũng làm thay đổi hẳn ý nghĩa câu hát, làm mất đi ít nhiều “chất” TCS, chẳng hạn:

- Chữ “miệng” trong “miệng cười khúc khích trên lưng” (Quỳnh Hương) được nhiều ca sĩ đổi thành “nụ” (nụ cười khúc khích...). Hát như vậy thì ai mà hình dung được chiếc cằm xinh xắn của cô bé tựa trên lưng chàng trai.
TCS không diễn tả tiếng động mà ông đang truyền đạt một hình ảnh, các cô, các chú ca sĩ à.!

- Chữ “em” trong “em qua công viên mắt em ngây tròn” (Còn Tuổi Nào Cho Em) được ca sĩ .. chuyên viên hát nhạc Trịnh, KL, đổi thành “nai” (... mắt nai ngây tròn). Mắt nai, mắt phượng, mắt bồ câu không thuộc về ngôn ngữ TCS. Nhớ đấy.
TSC đã không là TCS khi tả về đôi mắt nai mà cần nói đến “mắt nai”.!

- Chữ “vầng” trong “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt” (Một Cõi Đi Về) được ca sĩ DT đổi thành “vòng” (... đôi vòng nhật nguyệt). Ở đây là vầng thái dương, vầng trăng, chứ không phải vòng trời đất, vòng càn khôn... Hơn nữa, vầng thì còn “rọi suốt trăm năm...” được chứ vòng thì... chịu. Hay là ... người hát đang bận nghĩ đến đôi "vòng" đeo tai mới mua không biết chừng ?
Nếu các bạn chịu khó tìm hiểu TCS viết bản này vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào và viết cho ai, quý bạn sẽ .. tá hỏa tam tinh vì nhận ra bản này không phải là tình ca, nhưng là ... bi ca lẫn tụng ca.

- Trong nhiều trường hợp, chữ hay nhất, “đắt giá” nhất trong câu bị tráo đổi không thương tiếc, làm hỏng một câu hát và, có khi làm hỏng luôn bài hát, khiến người nghe bị khựng lại như ngồi phải gai:

- Chữ “phút” trong “vội vàng thêm những phút yêu người” (Chiếc Lá Thu Phai) được ca sĩ TVT (em gái TCS) và nhiều ca sĩ đổi thành “lúc” (... những lúc yêu người) làm giảm mất cái hay, không diễn được cái ý yêu vội yêu vàng, yêu đếm từng phút, từng giây, yêu như muốn chạy đua với chiếc kim đồng hồ.
Mà thật vậy, TCS giỏi lắm thì chỉ "yêu" được .. một phút là hết cỡ thợ mộc rồi.
Tương tự, chữ “phút” trong “có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau” (Bay Đi Thầm Lặng) cũng không thể đổi thành “lúc” được. “Phút” chứ không phải “lúc”, đó mới là TCS.
Ấy, em của ông giết nhạc của ông như thế đấy, đừng trách những ngưới khác nhá.!

- Chữ “suốt” trong “rọi suốt trăm năm một cõi đi về” (Một Cõi Đi Về) được các ca sĩ TN, DT... đổi thành “xuống” (rọi xuống trăm năm...), cứ làm như rọi là phải rọi xuống chứ không rọi... lên được. “Suốt” chứ không phải “xuống”, đó mới là cách TCS dùng ngôn từ. Phần phụ lục sẽ có link riêng và, khi nghe, các bạn sẽ thấy khi TCS hát chữ này, ông truyền đạt được sự đau đớn, thất vọng như thế nào. Theo tôi, không ai hát bản này hay .. gần bằng được TCS. Nếu có gần được đi nữa thì cũng phải .. xa chừng chục bậc thang. Chấm hết.
(Đoạn này tặng cho cô Châu, người đã nỡ lòng nào viết "suốt" thành "xuốt").
Chữ "con tim" yêu thương trong bài này bị hầu hết các ca sĩ đổi thành "con tinh" yêu thương" Ai nghi ngờ thì cứ việc download link phụ lục để nghe chính TCS hát chữ "con tim". Đúng ra thì trong tiếng Huế có chữ "con tinh" chứ không phải là không có. Chữ này được dùng trong giới trẻ, ngày xưa. "Con tinh" được dùng trong những trường hợp đại để như "con tinh (hay thằng tinh) ni, mi đi mô mà tau nó không ra rứa".
Vâng, câu này tôi kiểm lại kỹ rồi, không có chữ nào sai cả đâu, kể cả chữ "nó" vì "nó" ở đây không phải là ... nó. Nếu nó là .. nó thì ngưới Huế đã dùng chữ "hắn" rồi. "Con tinh" được dùng với một sự yêu thương, phảng phất chút giận hờn, nhớ nhung. Ai tò mò về chữ "nó" ... này thì phải tự tìm hiểu lấy, lúc đó mới nhận ra sự thú vị của .. hắn. Người Bắc thì dùng chữ "con yêu, thằng yêu" cũng theo ý nghĩa này, cùng trích ra từ chữ "yêu tinh". "Em yêu, anh yêu" là khác đấy nha.
Trong bài "Một Cõi Đi Về" , TCS không có ý nhắc đến con tinh, con yêu nào cả. Xin download link phụ lục, nghe xong thì sẽ biết.

- Nhiều trường hợp khá buồn cười: một ca sĩ hát sai vì quên lời rồi những ca sĩ khác hát sai theo, mãi rồi không ai thèm sửa lại cho đúng. Ví dụ như khi một diva hát đến câu “thành phố hoang vu như...” (Tình Xa) thì quên béng mất “hoang vu như...” ... xế lào, hay chỉ nhớ mang máng là đọc lời đâu đó trên internet, đành choang bừa là “hoang vu như... một lần qua cuộc tình”. Thế là từ đó các ca sĩ khác cũng hát theo như vậy cho giống thần tượng ... diva của mình.!
Ca sĩ KL còn tiến thêm một bước cho "vẹn đường trần", bèn... đảo ngược lại, thành ra “... như... cuộc tình qua một lần”. Sửa qua sửa lại, sai vẫn cứ sai (câu này bây giờ nghe có vẻ quen tai nhỉ). Cuộc tình chỉ qua một lần mà đã làm cả thành phố .. hoang vu thì chắc TSC đã đoán trước được chuyện .. "nhà nước hồi giáo" mới đây.
Câu đúng là “thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình”, chứ không có đi qua, đi lại, một lần, hai lần gì cả, các diva ạ!

- Hoặc một số ca sĩ thích thêm chữ “vùi” vào cuối câu hát “không có ai đời đời ru anh ngủ...” (Hát Cho Người Nằm Xuống) để trám một nốt nhạc bỏ trống, mà không rõ dụng ý của người nhạc sĩ cố ý chừa một khoảnh khắc yên lặng ở cuối câu nhạc để làm đọng lại cảm xúc, rồi mới chuyển sang ý tiếp, ... "mùa mưa tới, trong nghĩa trang này có loài chim thôi”.
Hơn nữa, ta nói “ru em ngủ”, “ru anh ngủ”, hoặc “em ngủ vùi”, “anh ngủ say”..., chứ không nói “ru anh ngủ vùi”, “ru em ngủ say”, “ru anh ngủ ngon”... Người kia đã ngủ say, ngủ ngon, ngủ vùi như rứa thì còn cần ai "ru" nữa hỉ.?

- Có trường hợp ca sĩ thay lời đổi chữ trong câu hát vì muốn làm tốt hơn, nhưng vẫn... không tốt hơn được. Vả lại TCS phải nhờ đến quý vị hay sao.?
Chẳng hạn ca sĩ TN hát đến câu “có khi nắng khuya chưa lên” (Chiều Một Mình Qua Phố), thấy... không ổn vì làm gì có “nắng khuya” bao giờ) bèn, đổi thành “... nắng mưa chưa lên”, nhưng nghe... vẫn không ổn tí nào cả.
"Nắng khuya" là đèn đường đấy, khổ lắm, chữ với nghĩa.!
Vả lại,... “nắng lên” chứ chả ai thấy “mưa... lên”. “Mưa xuống” thì còn nghe được.
- Như trong bài "Lời Gọi Thiên Thu", ca sĩ nào cũng hát là "... sống chết như thân cỏ hèn mọc đầy núi .. non". Nhờ các bác tí nha, câu đúng là "sống chết như thân cỏ hèn mọc đầy núi .. sông". Nhớ cho, câu trước là "sống chết bao năm, vui vui, buồn buồn, người người, ngợm ngợm". Ngợm là khỉ đấy và, núi non khác với núi sông. Núi sông là đất nước là quê hương. Cả thế giới này chỉ có Việt Nam ta mới diễn tả quốc gia, quê hương bằng chữ "núi sông". Khi TSC dùng chữ này, ông có thâm ý một cách cùng cực. Sai chữ này là hỏng nguyên cả bản nhạc. Còn nếu muốn hiểu tại sao ông bà mình dùng chữ "núi sông" thì cần nhiều thời giờ hơn nữa mới giải thích ổn thỏa được. Bốn ngàn năm lịch sử được gói trọn trong hai từ này đấy, các bạn ạ.
Link phụ lục có bài này do chính TCS hát và nhớ để ý chữ "sông".
Ông hát đúng theo cách phát âm: "shông" để nhấn mạnh sự quan trong của chữ "núi sông". Không non, không niếc ở đâu nhá, mấy anh, mấy chị ca ... sỡi à.! Cả làng nghe nhạc chúng tớ không phải ai óc cũng đầy .. bùn mà phải nhờ đến quý vị sửa lời cho ... dễ hiểu.

- Lại có những bài nhạc mà ca từ được thay đổi tùy hứng, tùy tiện, đến... vô nghĩa:
“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi và tôi cũng là em...” (Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng), câu hát ấy được ca sĩ TL đổi thành “... anh ơi đừng tuyệt vọng. Anh là tôi, và tôi cũng là... ai” ?????.
Câu hát vốn khó hiểu lại được làm cho thêm khó ... chịu.! Câu dưới may mà cô chưa đổi thành “anh hồn nhiên, rồi anh sẽ ... bình minh...”) như với một số ca sĩ khác.
Câu đúng phải là"em hồn nhiên rồi em sẽ bình yên", Các trự để ý vần điệu trong thi ca cho chúng cháu nhờ.!
Đã thế tiết tấu bài nhạc lại rộn ràng, sôi nổi, đánh mất hồn của bài hát là bức tranh ảm đạm của buổi tàn thu. Nội dung bài hát, như tác giả TCS cho biết, là “nỗi lòng của kẻ tuyệt vọng”.
“Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng” không phải dễ hát đâu. Thử nghe kỹ, để ý những “quạnh quẽ”, “nhè nhẹ”...
"....có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ.
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên..."

Không phải giọng Trung, đố ai hát cho đạt được những chỗ này. Chỉ giọng Trung mới nghe ra “quạnh quẽ”, “nhè nhẹ”. Lại còn phải hát thế nào để diễn tả cho được nỗi niềm của kẻ đang mấp mé bên bờ tuyệt vọng.
Chữ "sầu" nếu muốn truyền đạt sự buồn nản phải được xướng âm như "shầu" của người Trung chứ không nhẹ nhàng kiểu Thái Thanh được. Các bạn nghe Thái Hòa, không phải Trần Thái Hòa, hát bản "Vườn Xưa" thì sẽ phát hiện những thanh âm đặc sắc này vì TCS làm bản này để nhắc tới mảnh vườn xưa ở Huế.

Xướng âm, nhả chữ cho đúng, cho tròn thì các bạn phải nghe Lê Dung khi hát "Rừng Xưa Đã Khép." Lê Dung hát chữ nào ra chữ ấy. Lê Dung "nhả" chữ nào tròn chữ ấy. Khi nhả đúng chữ, ta phải nghe được chữ đầu và chữ cuối của một từ thì mới hiểu được thế nào là "nhả" chữ. Đơn cử, khi nghe chữ "rừng", ta phải nghe được chữ "r" lúc bắt đầu và chữ "g" lúc cuối. Không chuẩn bị thì "r" bị nghẹn ở cần cổ, lưỡi còn ướt thì dính vào lợi, chữ "r" sẽ bị đớt. Hát không rõ, không sách vở, trường lớp, hay lười biếng thì không nghe được âm "g" ở cuối từ "rừng". Lê Dung đã làm được và làm đúng. Trình diễn nơi công cộng hay thâu vào CD không phải là hát-cho-nhau-nghe hay karaoke. Đó là chưa kể đến những "tử âm" trong xướng âm pháp. Tử âm đây không phải là âm chết mà là, chữ giết ca sĩ nếu không biết "thủ thuật", kinh nghiệm hay, kỹ thuật để chinh phục. Sẽ bàn về "tử âm" trong một bài tới.

Chuyện ca sĩ hát sai lời là chuyện thường tình, ngu mỗ ở đây không có ý bình phẩm công việc “đời ca hát ngày tháng cho người mua vui” của người nghệ sĩ mà chỉ cốt, qua ít ví dụ kể trên, nêu lên một trong những biểu hiện của lầm lạc nhận thức, thiếu thốn văn hóa và nhất là, vô lễ với tiếng mẹ đẻ, do không hiểu, không cần hiểu hoặc không hiểu đúng. Thực tế, người hát muốn hát sao cũng được, hát thế nào cũng xong, vì người nghe vốn dễ dãi, ít có để ý chuyện đúng, sai.
Cũng vì ít có để ý, cứ hát là hát, cứ nghe là nghe thôi, nên có những chỗ dễ hiểu mà ít ai chịu hiểu. Một người bạn hỏi tôi: "Một cõi đi về" là đi về... đâu?”. May mà ông này chỉ là "bè" chứ nếu là "bạn" thì tôi đã cạch mặt ngay.
Ơ hay!
Nghĩa hai chữ “đi về” ở đây không phải như là “đi về đâu hỡi em, khi lòng không chút nắng...” (Đời Gọi Em Biết Bao Lần). “Một Cõi Đi Về” phải được hiểu và có thể viết lại là “một cõi đi, về”, có dấu phẩy [,] giữa hai chữ “đi” và “về”. Nghĩa là “một cõi đi và về ”.
Tương tự, phải hiểu rằng: “có hai mùa vẫn đi, về” (Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên), hoặc “lặng nghe gió đi, về” (Lời Buồn Thánh), hoặc “đi, về một mình tôi” (Một Ngày Như Mọi Ngày). Cũng như trong “về đây đứng, ngồi” (Chiếc Lá Thu Phai), có nghĩa là “về đây hết đứng lại ngồi”.

“Xe, ngựa về ngủ say” (Một Ngày Như Mọi Ngày), có nghĩa là “xe và ngựa...” (ngựa về ngủ say chứ xe làm sao biết .... ngủ). Hoặc “mười năm tắm, gội” (Chiếc Lá Thu Phai), có nghĩa “... tắm và gội”. /
Hoặc “có con đường nằm nghe nắng, mưa”, và “có con đò chở nắng, mưa đi” (Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên) đều có nghĩa “nắng và mưa”. Nếu quý vị biết "hát", làm ơn dừng lại một tí, rồi bắt cho kịp ở những chữ sau để đúng thời gian cho khuông nhạc thì hay biết nhiêu. "Khuông" chứ không phải "khuôn" đâu nhá. Hai chữ khác nhau về ý nghĩa.

Ca từ TCS, như chính tác giả phát biểu, “thực sự không dễ hiểu”, vì thế, cũng chẳng biết như thế nào gọi là hiểu. Có hiểu được mà hát cho ra lại là một vấn đề.
Thôi thì hiểu tới đâu hay tới đó, hiểu sao cũng được, không hiểu được cũng... không sao. Bây giờ thiên hạ đi "xem" ca sĩ chứ không đi để "nghe".
Mà có đi nghe chăng nữa thì ồn ào, gào thét như một cái chợ. Cặp nào im lặng thì chém chết cũng anh đang thủ Iphone, em đang ôm Ipad, lâu lâu lại khoe nhau cái hình selfie.

Nhưng cổ nhân, mặc dầu chưa bao giờ đươc nghe TCS, cũng đã đoán trước rồi.
Bởi vậy mới có từ "hát hỏng". "hát" có lúc sẽ "hỏng".!
"Ca" như vậy thì nên vứt chữ " sĩ " đi vì, nếu có "sĩ" (diện) thì không "ca" như thế.!

Link nhạc có lời bình luận của Hoài Nam:

Hiển thị nội dung ẩnhttp://www.fshare.vn/file/3KBLSVS3P3ZI

Phần 3:

Hiển thị nội dung ẩnhttp://www.fshare.vn/file/KXRPXDP6GIYY


Link nhạc từng bản riêng, không có lời bình luận:
Hiển thị nội dung ẩnhttp://www.fshare.vn/file/PTPRIXU9G7CU


Link cho phụ lục (audio được thâu trực tiếp bằng cassette nên không rõ như từ CD):
Hiển thị nội dung ẩnhttp://www.fshare.vn/file/WWJQSHQ2P341


Chú thích:
1.- Như thường lệ, cám ơn đại ca Hoài Nam và SBC Radio, Australia về những lời bình luận.

2.- Nếu tham khảo lời nhạc từ ấn bản, xin các bạn nhớ cho là nhạc Trịnh Công Sơn, khi được in từ hải ngoại, đều được ấn hành sau 1975.
Dẫu được ấn hành trong nước trước 1975 đi nữa thì sự chính xác còn tùy thuộc vào cơ sở xuất bản, sự yêu nghề của các thầy cò (người sửa lỗi chính tả) và sự khác biệt giữa nguyên bản và tái bản.
Tốt nhất là nghe chính miệng Trịnh Công Sơn hát, nếu có.

Hẹn các bạn kỳ tới.

http://www.hdvietnam.com/diendan/183-nhac-viet-nam/1137174-v-70-nam-tinh-ca-trong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét