Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

TÁC ĐỘNG VÔ HÌNH CỦA ÂM NHẠC (VÀ CÁCH ĐỂ TẬN DỤNG TRONG MIXING)

Hôm nay tôi muốn giới thiệu cùng bạn đọc bài viết rất hay của anh Trần Kim Phước (đồng tác giả album Thế Giới Tưởng Tượng mà Tạp chí MIX đã có dịp phỏng vấn) về tác động của âm nhạc lên cuộc sống con người. Trong bài viết, anh Kim Phước cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tế liên quan tới sản xuất âm nhạc mà có lẽ ít nhiều người trong số chúng ta chưa thật sự để ý tới. Phần tiêu đề do Tạp chí MIX tự trích dẫn.

Âm nhạc khiến người nghe lú lẫn hơn

Âm nhạc khiến người nghe lú lẫn hơn so với khi không nghe nhạc. Một bản nhạc càng hay, càng có chiều sâu, càng làm cho người nghe “quên mất thực tại” xung quanh, kích thích trí tưởng tượng sinh ra đủ loại vọng tưởng trong tâm trí.
Âm nhạc là âm thanh của những vọng tưởng. Người nghe nhạc đón nhận những vọng tưởng dạng âm thanh ấy vào mình, rồi chuyển thành trí tưởng tượng bên trong. Vì vậy rất khó tập trung làm việc, suy nghĩ khi đang nghe nhạc. Tâm trí trực tiếp bị âm nhạc tác động, nên giảm khả năng tập trung vào thực tại.
Âm nhạc khiến ta mơ màng, khó tập trung vào thực tại
Âm nhạc khiến ta mơ màng, khó tập trung vào thực tại
Những người làm nghề phòng thu, tập band nhạc trong phòng kín, với âm lượng lớn, sau vài tiếng làm việc liên tục, khi làm xong, thường có cảm giác tâm trí trở nên…rỗng. Thần thức đã bị âm nhạc đánh tan tứ tán mà ít ai chú ý.
Tâm trí trực tiếp bị âm nhạc tác động, nên giảm khả năng tập trung vào thực tại.
Do âm nhạc có tính chất khiến người nghe quên mất thực tại, mang tính phân tán tâm lý, nên khi buồn, nghe nhạc, có khi sẽ vơi bớt nỗi buồn. Khi vui, chơi nhạc một lúc thì niềm vui ấy cũng biến mất theo.
Vì vậy bạn hãy chú ý hơn đến tâm trạng của mình, và chọn dòng nhạc thích hợp, thời gian phù hợp để nghe nhạc. “Chỉ nên nghe nhạc trong thời gian ngắn”. Không nên nghe nhạc liên tục trong thời gian quá dài. Nghe nhạc trong thời gian dài, không chỉ ảnh hưởng thính giác, mà còn ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, tâm lý.
Nhạc không lời lại khiến người nghe dễ lú lẫn hơn nhạc có lời
Thể loại nhạc khác nhau, cũng tác động lên tâm lý người nghe khác nhau. Nhạc có lời, thì bức tranh chính được miêu tả bằng lời ca. Nhạc không lời, toàn bộ bài nhạc là một bức tranh. Vì vậy nhạc có lời thường không hút hồn người nghe bằng các thể loại nhạc không lời, khi nghe tỉnh táo hơn, bạn cũng có thể hát theo. Nhưng nhạc không lời lại khiến người nghe dễ lú lẫn hơn nhạc có lời, người nghe chỉ im lặng nghe, dễ dẫn đến hôn trầm, mơ màng hơn.

Ứng dụng vào tập Band và phòng thu

Với những bạn làm nghề phòng thu, tập band nhiều, cố gắng điều chỉnh âm lượng chỉ vừa đủ nghe, không nên nghe quá to. Nếu tập band, có thể chèn, lót bộ trống, hay giảm lực đánh lên trống để tiết chế volume, vì trong phòng tập thường trống luôn to nhất, hoặc có khu vực cách âm riêng cho dàn trống, người chơi trống cũng nên nhét nút cách âm vào tai, giảm cường độ trống dội vào tai mình. Tránh trường hợp trống phang hết cỡ, rồi vặn amply nhạc cụ khác to theo. Khi mix, cần nghe với âm lượng rất nhỏ, rồi tăng dần đến to, để nghe được đầy đủ âm vực, không gian tổng thể.
Các metal band thường tập với cường độ âm thanh rất lớn
Các metal band thường tập với cường độ âm thanh rất lớn
Nếu nghe quá to, sẽ “không thể” nghe thấy không gian tổng quát của cả bài, dẫn đến việc mix sound nào cũng to đều nhau, track nào cũng đẩy volume to hơn, không tạo được chiều sâu cho bản mix. Khi nghe với âm lượng cực nhỏ, bạn mới có khả năng nghe toàn bộ tác phẩm từ khoảng cách xa hơn, đầy đủ hơn. Volume càng nhỏ, tương đương khoảng cách càng xa. Cách này áp dụng cho nghe bằng loa monitor và dùng headphone cũng tương tự.
…rất nhiều nhạc sĩ phòng thu Việt Nam hiện nay, làm hòa âm phối khí, khi làm để volume loa cực to, mình đứng cách loa cỡ 4 mét mà còn bị tức ngực…
Với kinh nghiệm thực tế, theo quan sát của mình, rất nhiều nhạc sĩ phòng thu Việt Nam hiện nay, làm hòa âm phối khí, khi làm để volume loa cực to, mình đứng cách loa cỡ 4 mét mà còn bị tức ngực, nói chuyện không thể nghe lẫn nhau. Nên không có cách nào cân chỉnh được chiều sâu cho bài. Vì mọi âm thanh đã bị dồn lên quá mức so với không gian phòng. Mọi âm thanh giống như quả bóng thổi căng tràn cả phòng, nên không thể thấy được hình thù quả bóng, quả bóng trở nên dị dạng. Chỉ khi quả bóng to vừa đủ diện tích căn phòng, cỡ bằng cái bàn cái ghế, bạn mới có khả năng nhìn toàn vẹn quả bóng âm thanh.
Đây là thủ thuật mix tuy rất cơ bản, nhưng hầu hết người hành nghề đều phạm phải ngay từ đầu, lâu ngày thành thói quen, nghe nhỏ không thể cảm nhận để mix, dẫn đến hư tai + hư bài + tạo thói quen sai cho ca sĩ, khách hàng khi cùng ngồi nghe chung. Cứ bật to cho rung bàn ghế mới thấy phê, thấy ngầu, là sai nguyên tắc mix. Muốn rung bàn ghế nên mua thêm loa Sub, mở âm lượng vừa đủ cũng tạo ra độ rền khi nghe.

Những căn bệnh nghề nghiệp

Như mọi ngành nghề khác, người làm nghề nhạc, luôn có kỹ năng chuyên môn cao hơn người khác, nhưng cũng mang theo những căn bệnh nghề nghiệp nhiều hơn người khác. Để đánh động anh em làm nghề có ý thức giữ gìn bản thân, nhằm làm việc lao động tốt hơn, lâu dài hơn, mình nêu ra một vài căn bệnh nghề nghiệp mà nhạc sĩ phòng thu, nhạc công chơi band thường dễ mắc:
  • Tai bị ảnh hưởng do nghe âm thanh to suốt nhiều năm.
  • Lưng ảnh hưởng do ngồi quá nhiều, quá lâu. Ngồi học nhạc, ngồi tập nhạc, ngồi chơi nhạc, và ngồi làm nhạc. Khi đứng đeo đàn quá lâu, cũng ảnh hưởng cột sống.
  • Thần thức thường mơ màng, không thực tế bằng người nghề khác, vì tiếp xúc âm thanh lớn thường xuyên. Ví dụ dễ hiểu là khi bạn đi ngang anh công nhân đang khoan đường ầm ầm, chỉ đi ngang thôi, bạn đã cảm thấy tiếng ồn làm cho bực dọc, khó chịu, đinh tai nhức óc. Nhưng người nhạc sĩ ngồi thường xuyên trong studio cách âm, nghe to tương tự hoặc to hơn, lâu hơn, nên tâm lý cũng bị ảnh hưởng ít nhiều mà ít ai chú ý.
  • Bệnh tự cao, do âm nhạc thì không có thước nào để đo, không có cách nào chạm vào, nên tha hồ tự cho nhạc mình là nhất thiên hạ, hoặc cho rằng nhạc kia hay hơn nhạc nọ… Chơi với âm nhạc vô hình lâu ngày, người nhạc sĩ thường mắc bệnh tự cao ảo tưởng, kèm bệnh đánh giá tác phẩm của người ta mà mình không thể làm ra tương tự. Không có tiêu chuẩn nào đánh giá nhạc hay hay dở. Tùy người nghe thích thể loại nào, thì thể loại đó là hay nhất đối với họ. Không có nhạc sĩ hay nhất và dở nhất. Nói Bethoveen hay nhất thì thời nay chả mấy ai còn nghe cụ cả. Nói nhạc người lớn hay thì trẻ em không thích nghe. Nói nhạc trẻ em hay thì tình nhân không có nhu cầu nghe. Nói nhạc trữ tình hay thì khi hội họp tiệc tùng lại trở nên lạc quẻ… Tùy tâm trạng, tùy độ tuổi, tùy không gian thời gian, mà sử dụng âm nhạc như công cụ kích thích thêm cảm hứng tức thời, hay giải tỏa tâm lý khi ức chế…
  • Bệnh nghe EQ, phân tích bản Master của các nhạc sĩ, là thường gặp nhất. Đến nỗi nhiều khi show bài mới cho người khác, có cảm giác như mình ngồi kế 1 dàn EQ chuẩn đang phân tích bài mình dư treble thiếu bass, đọc tầng số vanh vách như thiên tài toán học. Không nên mang theo EQ để đi nghe nhạc người khác. Đây là một trong những căn bệnh khiến nhạc sĩ xích mích, bất đồng quan điểm, chia rẽ nhau hơn. Tai mỗi người chỉ nghe được quãng tần số khác nhau, không ai giống ai. Vì vậy đem lỗ tai mình đánh giá lỗ tai người khác là bệnh của cái Tôi, rất phổ biến trong giới nhạc sĩ VN, từ non nghề tới lão làng.

Tác động tích cực của âm nhạc

Tuy tác dụng phụ tiêu cực của âm nhạc, âm thanh nhiều như vậy. Nhưng khoa học đã chứng minh, nếu đặt bạn vào căn phòng cách âm hoàn toàn, Kỷ lục thế giới một người có thể chịu đựng nổi là 45 phút. Trong 45 phút không có âm thanh, con người dần nghe tiếng lục phủ ngũ tạng, tim gan mình to dần, mất thăng bằng vì không còn âm thanh nào để định hướng tâm trí, dẫn đến ảo giác, rồi hôn mê bất tỉnh.
Căn phòng tĩnh lặng nhất thế giới. Không ai chịu được quá 1 tiếng tại đây
Căn phòng tĩnh lặng nhất thế giới. Không ai chịu được quá 1 tiếng tại đây
Trong thực tế, sáng sớm nghe gà gáy, chim hót, có thể giúp tâm trí hưng phấn hơn cho một ngày mới. Hay vài lời thân thương cũng có tác dụng xóa tan mệt nhọc sau một ngày làm việc. Hay chợt một chiều nghe tiếng sấm rền đồng vọng vang trời, nghe mưa ca hát ngoài hiên, có thể lôi bạn về vùng ký ức xưa cũ nào đó. Tiếng trống trận giúp binh lính xung mãn, kích thích thần kinh cao độ trước khi lâm trận…

Âm nhạc, âm thanh là bất tử

Âm thanh, âm nhạc không mang tính chất nào trong nó. Mà tính trạng âm nhạc chỉ xuất hiện từ bên trong mỗi người nghe. Cùng một loại nhạc, người thấy thích, người không thích, người thấy sợ, người thấy xung… Sử dụng âm thanh, âm nhạc sao cho phù hợp, là nhu cầu thực tiễn trong thời đại văn hóa thế giới giao thoa, ngày càng văn minh, tiến bộ, thời đại âm thanh truyền qua một cú click chuột như hiện nay.
Thời xưa, muốn nghe nhạc phải có đủ vài chục người cho dàn giao hưởng, cộng thêm vị nhạc trưởng, mới có nhạc cho dân chúng nghe. Thời ấy, được nghe nhạc chỉ có dân “quý tộc thượng lưu” là vì vậy. Thời nay, ai cũng là thượng đế, nên cả dàn nhạc nằm gọn trong cái usb, và bạn là người nhạc trưởng của chính mình. Bạn có thể gặp Mozart hay Metallica tại bất cứ nơi nào bạn muốn. Nhiều khi không muốn cũng vô tình gặp.
Ở đâu có sự sống, ở đó có âm thanh. Nơi không có âm thanh, sự sống không tồn tại.
Âm nhạc, âm thanh nói chung không do ai sinh ra, cũng không do ai mà biến mất. Không sinh, không diệt, nên ông bà gọi là “Xướng Ca Vô Loài”. Mọi loài đều phải sinh ra và chết đi. Âm nhạc, âm thanh là bất tử. Người chơi nhạc sinh ra rồi mất đi. Lời ca đời nào hát cũng y vậy, bản thu âm chỉ là sóng âm, văn bản nhạc chỉ là tờ giấy, không mang sức sống nào bên trong chúng, nên cũng không bao giờ chết. Ở đâu có sự sống, ở đó có âm thanh. Nơi không có âm thanh, sự sống không tồn tại.
Âm thanh có thể làm vỡ nát vật chất
Âm thanh có thể làm vỡ nát vật chất
Âm thanh có thể làm vỡ nát vật chất, có thể làm điên loạn người nghe, âm thanh cũng có thể làm con tim phải bật khóc, có thể hàn gắn mọi vết thương tâm hồn, có thể tạo ra năng lượng bên trong người nghe, vừa là công cụ hữu ích, vừa là vũ khí vô hình. Tùy cách bạn sử dụng âm nhạc, sẽ biến nó thành món giải trí cho mình, hay từ karaoke gia đình mà cả xóm cũng phải nghe theo. Sử dụng giọng nói lớn có thể tạo độ trấn áp tinh thần người khác. Nhưng nói lớn lâu ngày dễ sinh bệnh lãng tai…
Sữa cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ. Âm nhạc, lời ru tiếng hát, là nguồn dưỡng chất cho tâm hồn mỗi đứa trẻ. Khi ra đi, âm nhạc cũng sẽ tiễn đưa một người và xoa dịu những người ở lại. Sử dụng âm nhạc phù hợp sẽ tăng chất lượng cuộc sống. Bị âm nhạc nhạc sử dụng, chất lượng tâm hồn cũng bị giảm theo.
Tác giả: Trần Kim Phước  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét