Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

CUỘC CHIẾN KINH TẾ MANG TÊN CRƯM

Cuộc trưng cầu ý dân lịch sử ở CH tự trị Crưm thuộc U-crai-na cho kết quả đa số áp đảo cử tri ủng hộ sáp nhập khu vực này vào Nga. Cục diện chính trị ở khu vực đã bước sang giai đoạn mới, song cuộc khủng hoảng ở U-crai-na nói chung vẫn chưa thể "ngã ngũ" và căng thẳng giữa Nga và phương Tây còn leo thang. Nhiều nhà phân tích đã dự đoán viễn cảnh một "cuộc chiến kinh tế" mang tên Crưm.
Với lịch sử nhiều thăng trầm, từng nằm trong thành phần LB Nga trước khi được trao cho U-crai-na (khi đó là nước CH thuộc LB Xô-viết trước đây) tháng 5-1954, sau đúng 60 năm Crưm lại muốn trở về "mái nhà chung" LB Nga. Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân hôm 16-3 đã phản ánh điều đó, khi đại đa số cử tri đồng ý sáp nhập Crưm vào Nga với tư cách một chủ thể liên bang; chỉ số ít người dân muốn Crưm ở lại U-crai-na nhưng với điều kiện Hiến pháp năm 1992 được khôi phục và Crưm được trao quyền tự trị lớn hơn.
Sự kiện bỏ phiếu trưng cầu ý dân chưa biết có giúp người dân Crưm thực hiện ý nguyện "trở về" với "xứ sở Bạch Dương" hay không, song đã thổi bùng thêm mâu thuẫn vốn đã gay gắt giữa Nga và phương Tây. Sau thất bại khi không thể ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân tại Crưm, Mỹ và các đồng minh châu Âu cảnh báo không công nhận kết quả bỏ phiếu với lý do cuộc trưng cầu ý dân đi ngược Hiến pháp U-crai-na. Tổng thống Nga V.Pu-tin lại cho đây là "cơ hội để người dân Crưm nói lên nguyện vọng của mình". Mát-xcơ-va khẳng định tôn trọng quyết định của người dân Crưm và không có kế hoạch xâm chiếm khu vực phía đông nam U-crai-na, nhưng có trách nhiệm đối với người dân nói tiếng Nga tại khu vực này.
Theo các nhà phân tích, cuộc trưng cầu ý dân ở Crưm đang đẩy Nga và phương Tây tới gần "cuộc chiến tranh lạnh mới". Phó Giám đốc Viện Quốc tế học của Học viện quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va V.Midin cảnh báo, một cuộc chiến tranh lạnh mới "đang ở mức cao nhất khi quan hệ giữa Nga và phương Tây xuống mức xấu hơn cả những năm 1970". Có thể nói, cuộc khủng hoảng ở U-crai-na là "phép thử" quan hệ Đông-Tây, đẩy quan hệ này vào thời kỳ đối đầu. Theo nhiều chuyên gia quan hệ quốc tế, nguyên nhân chính đẩy căng thẳng leo thang giữa hai bên chính là quan điểm một chiều và "sự thiển cận chính trị" của phương Tây trong việc tiếp cận vấn đề. Bên cạnh đó, việc thiếu niềm tin giữa Nga và phương Tây càng đẩy sự đối đầu lên cao, nhất là trong bối cảnh U-crai-na thay vì trở thành cầu nối Đông-Tây, lại loay hoay và mắc kẹt giữa hai bên do khó khăn về kinh tế.
Trong khi đó, dấu hiệu về một "cuộc chiến kinh tế" giữa Nga và phương Tây ngày càng rõ nét. Liên hiệp châu Âu (EU) đang bàn quy mô các biện pháp trừng phạt Nga, có thể bao gồm cấm đi lại và đóng băng tài sản. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong "cuộc chiến kinh tế" này, sẽ không có bên nào "thắng". Bởi, EU hiện nhập khẩu từ Nga một phần ba tổng nhu cầu khí đốt của khối, trong đó 40% lượng khí đốt từ Nga trung chuyển qua U-crai-na. Trường hợp Nga cắt nguồn cung khí đốt, giá năng lượng tại châu Âu sẽ "phi nước đại", ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế của EU. Sự phụ thuộc vào năng lượng Nga là lý do khiến nội bộ EU lục đục về quyết định trừng phạt Mát-xcơ-va...
Với Nga, nguồn thu từ khí đốt và dầu mỏ hiện đóng góp tới 52% ngân sách liên bang mỗi năm. Nếu phương Tây sử dụng "vũ khí" khí đốt, chặn 80% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga, thì GDP của nước này sẽ giảm khoảng 10% từ nay đến năm 2015. Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga A.Cu-đrin cảnh báo, Mát-xcơ-va có thể đối mặt nguy cơ 50 tỷ USD vốn chảy ra ngoài khi các ngân hàng phương Tây hạn chế cấp tín dụng cho Nga và đình lại các khoản cho vay đã được dự trù. Thậm chí các biện pháp trừng phạt có thể đẩy tăng trưởng kinh tế của Nga xuống 0% thay vì mức dự báo tăng trưởng 2,5% mà Bộ Kinh tế Nga đưa ra trước đó...
Thực tế cho thấy, dù là bên đe dọa trừng phạt Nga, song Mỹ cũng bị tổn hại trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Tờ Người bảo vệ của Anh đưa tin, đã có hơn 100 tỷ USD được rút khỏi Mỹ thời gian gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng người Nga đang chuyển vốn của họ tới các quỹ an toàn nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Oa-sinh-tơn. Việc thực thi các biện pháp trừng phạt Nga cũng tác động tiêu cực đến các nền kinh tế của EU vốn vẫn đang phục hồi mong manh, bởi thương mại của châu Âu và Nga hiện chiếm khoảng 1% GDP của EU và 15% GDP của Nga.
Với nguy cơ "đóng băng" quan hệ chính trị - ngoại giao và bùng phát "cuộc chiến kinh tế" như đã nêu trên, nhiều nhà phân tích cho rằng, tình hình "hậu Crưm" sẽ còn nhiều bất ổn. Mỹ vẫn tiếp tục chiêu bài "cây gậy và củ cà rốt" khi vừa đe dọa trừng phạt Mátxcơ-va, vừa tuyên bố để ngỏ các giải pháp ngoại giao để giải quyết tình hình. Trong khi đó, Nga cũng "không dễ bị qua mặt", bởi họ có tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh và nhất là đang sở hữu "vũ khí" lợi hại là khí đốt. Một khi đối đầu giữa hai bên leo thang và mất kiểm soát, thì hậu quả có thể thấy trước là hoàn toàn không có lợi cho cả Nga, Mỹ, EU, U-crai-na cũng như cộng đồng quốc tế.
BÍCH HẠNH 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét